Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Bộ GTVT nhắc nhở tổng thầu Trung Quốc
Kinh tế - Ngày đăng : 15:04, 06/05/2015
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã cho PV Dân trí biết như vậy khi trao đổi về tiến độ triển khai Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Bộ GTVT sẽ trực tiếp giám sát chặt chẽ toàn Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong vòng 3 tháng (ảnh: Hữu Nghị) |
Theo Thứ trưởng Trường, trong cuộc họp giao ban về dự án đường sắt này vào đầu tuần, sau khi nghe báo cáo của tổng thầu Trung Quốc về tiến độ triển khai công việc, Bộ GTVT đánh giá những công việc Bộ GTVT giao cho Tổng thầu thực hiện trong tuần vừa qua chưa đạt yêu cầu đề ra.
“Ban Quản lý Dự án đường sắt (Bộ GTVT) đã phê duyệt 12 hồ sơ dự toán đối với 12 hạng mục nhà ga, đủ điều kiện để tổng thầu ký hợp đồng với các nhà thầu phụ nhưng tính đến ngày 4/5, tổng thầu mới ký hợp đồng với nhà thầu tại ga Láng, 11 nhà ga còn lại vẫn đang tiến hành thương thảo hợp đồng. Việc thanh toán khối lượng cho thầu phụ cũng chỉ đạt 50%... Nếu những công việc này tiếp tục chậm trễ thì tiến độ triển khai các phần việc bị dồn ứ và ảnh hưởng lớn tới thời hạn hoàn thành dự án đề ra vào cuối năm nay” - Thứ trưởng Trường cho hay.Giải thích cho sự chậm trễ này, tại cuộc họp, tổng thầu Trung Quốc nêu lên lí do hiện nay chưa thống nhất được với nhà thầu phụ về tỷ lệ chi phí quản lý.
Nhắc nhở tổng thầu Trung Quốc về những tồn đọng và tiến độ công việc chưa đạt yêu cầu, tại cuộc họp, Thứ trưởng Trường yêu cầu tổng thầu thương thảo ngay với các nhà thầu phụ về tỷ lệ chi phí quản lý nhưng không được quá 10%.
“Tổng thầu phải chấp nhận giá theo phê duyệt của Bộ GTVT để ký kết với nhà thầu, bởi đó là mức giá được tính toán hợp lí nhất nhằm đảm bảo khả năng thực hiện của các bên liên quan, việc ký hợp đồng phải hoàn thành trong ngày 5/5. Đặc biệt, trong vòng 3 tháng tới, Bộ GTVT sẽ trực tiếp tiến hành giám sát chặt chẽ toàn dự án, mỗi tuần Bộ GTVT sẽ họp giao ban về dự án này để đôn đốc và kiểm điểm công việc của tổng thầu cũng như các đơn vị tham gia thực hiện dự án trọng điểm này (trước đây việc giám sát trực tiếp được giao cho Ban Quản lý dự án - PV)” - Thứ trưởng Trường nhấn mạnh.
Sau khi bị Bộ GTVT nhắc nhở và “chốt” hạn hợp đồng, đến 11h đêm qua 5/5, tổng thầu Trung Quốc đã hoàn thành việc ký hợp đồng với các thầu phụ.
Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13 km khổ 1.435 mm, tốc độ đoàn tàu 80 km/h, sử dụng vốn ODA Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án được lập từ năm 2005 nhưng đến năm 2009 mới triển khai nên hầu hết phải điều chỉnh lại tổng mức đầu tư từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD.
Toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, quận Hà Đông.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, so với hợp đồng ký kết, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm gần 2 năm, tiến độ điều chỉnh là hoàn thành vào 31/12/2015; Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu đảm bảo tiến độ này. Tuy nhiên, thực tế dự án có rất nhiều khó khăn từ năng lực nhà thầu, cách điều hành của Ban Quản lý Dự án nên khả năng đến quý I/2016 dự án mới có thể kết thúc.