Mỹ phẩm rởm vẫn tràn lan
Xã hội - Ngày đăng : 07:17, 06/05/2015
1. Từ đầu tháng 4 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã phát hiện hơn 40 vụ vi phạm liên quan tới kinh doanh hàng mỹ phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại..., thu giữ gần 30.000 sản phẩm, tiêu hủy và xử phạt gần 500 triệu đồng...
Với dân số hơn 10 triệu người, TP Hồ Chí Minh là thị trường mỹ phẩm lớn và đương nhiên bên cạnh sự có mặt của những thương hiệu danh tiếng, có cả hàng lậu, hàng nhái. Trước tết Nguyên đán, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã rầm rộ kiểm tra, xử phạt nhưng cho đến nay, theo khảo sát của phóng viên, tại các điểm chợ, đặc biệt là các khu chợ đêm tự phát, nhiều loại mỹ phẩm rởm vẫn bày bán công khai với giá rẻ như bèo. Ví như tại chợ đêm Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), một hộp phấn thương hiệu Ponds, Maybeline chỉ có giá 25.000 đồng và được bán sỉ theo món. Người mua hàng có thể lựa bất kỳ 2 món mỹ phẩm từ kem dưỡng, son môi, phấn đến kem chống nắng… chỉ phải trả 50.000 đồng. Tại khu vực chợ đêm sinh viên Làng đại học Thủ Đức, hàng loạt mỹ phẩm mang thương hiệu Chanel, MAX chỉ có giá 40.000-80.000 đồng, một số mặt hàng khác thì giá dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng và được nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chủ hàng lấy các loại sản phẩm này ở chợ Tân Bình (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Đây là khu chợ bán sỉ hàng hóa lớn của thành phố, có nhiều sạp bán đủ loại mỹ phẩm được cho là nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan hay Pháp, Mỹ... Một đại lý sạp khẳng định đây là "hàng công ty 100%". Tuy nhiên, hộp phấn MAX được bán tại các cửa hàng phân phối chính hãng có giá từ 800.000 đến 1.500.000 đồng/hộp, trong khi chủ hàng ở chợ Tân Bình đồng ý bán sỉ cho chúng tôi với giá 30.000 đồng/hộp khi mua đủ một lô 40 hộp.
Theo thừa nhận của cơ quan chức năng, mặt hàng mỹ phẩm được liệt vào danh sách hàng "khó quản" dù có tới hai bộ quản lý là Bộ Y tế (quản lý về chất lượng), Bộ Công thương (quản lý về giá, hàng lậu, hàng nhái).
2. Tại Bệnh viện Da liễu - TP Hồ Chí Minh mỗi ngày tiếp nhận hơn 500 bệnh nhân có bệnh lý liên quan đến làn da. Trong đó có nhiều ca phải điều trị lâm sàng vì sử dụng mỹ phẩm giả. Theo thống kê của Phòng Kế hoạch - Tổng hợp của bệnh viện này thì đối tượng bị viêm da do sử dụng mỹ phẩm trôi nổi chủ yếu là nữ, từ 16 đến 28 tuổi. Họ là những phụ nữ sinh sống ở vùng xa, thiếu nhận thức, hiểu biết nên không phân biệt được hàng hóa mỹ phẩm thật hay rởm và công nhân làm việc tại các KCN, vì đồng lương eo hẹp nên chấp nhận sử dụng mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường. Nguy hiểm hơn, các bệnh nhân dù bị viêm da nặng nhưng không nói với bác sĩ việc sử dụng mỹ phẩm rẻ tiền. Họ chỉ đến bệnh viện khi bệnh lý nặng và có diễn biến xấu.
Bác sĩ Phạm Đăng Trọng Trường - Trưởng phòng Kế hoạch, Tổng hợp Bệnh viện Da liễu cho biết, chỉ một số trường hợp nặng phải điều trị lâm sàng thì mới chịu nói với bác sĩ về việc sử dụng mỹ phẩm rởm. Khi đó, da mặt nạn nhân đã bị tổn thương 50-90% và phải mất một thời gian dài điều trị mới có thể tái tạo lại làn da. Trước đó, Bệnh viện tiếp nhận 4 ca bệnh nhiễm trùng, viêm da vì sử dụng mỹ phẩm, trong đó có một bệnh nhân bị tổn thương vùng mặt gần 90%...
Sử dụng mỹ phẩm tràn lan nhẹ thì da bị dị ứng, kích ứng với thành phần thuốc. Còn với dạng mỹ phẩm được buôn bán trôi nổi, các nhà sản xuất hay bỏ chất Cornicoids để làm trắng nhanh. Tuy nhiên, dùng lâu gây teo da, mỏng da, giãn mạch, mụn trứng cá..., các bệnh lý khác như nấm da phát triển mạnh. Nhiều trường hợp sử dụng gây bỏng da, lột da, tăng sắc tố làm thâm da... Bác sĩ Trường cảnh báo.