Phát triển bền vững hệ thống phân phối hàng hóa Việt
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:48, 06/05/2015
Theo Ban Chỉ đạo CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội, kết quả thực hiện CVĐ đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định kinh tế vĩ mô và tiêu dùng nội địa, giảm nhập khẩu hàng hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn của nền kinh tế trong nước. Việc đẩy mạnh đưa hàng Việt đến với nhân dân đã giúp cho NTD có thêm nhiều sự lựa chọn về mẫu mã, chủng loại với chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý. Ngoài ra, CVĐ cũng giúp NTD nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của DN, từ đó ý thức hơn trong việc lựa chọn, sử dụng hàng Việt Nam.
Sản phẩm may mặc của Việt Nam là một trong những mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: Thái Hiền |
Theo kế hoạch của Sở Công thương Hà Nội, năm nay thành phố sẽ tổ chức khoảng 500 chuyến bán hàng lưu động trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Các chuyến hàng này là sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng. Trong đó, sẽ ưu tiên lựa chọn các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, đồ uống, bánh mứt kẹo, dược phẩm, dệt may, da giày, thiết bị điện, điện tử, đồ gia dụng, văn phòng phẩm, sản phẩm làng nghề… Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Sở Công thương Hà Nội triển khai nhằm thực hiện mục tiêu thành phố đề ra. Theo đó, phấn đấu tăng thị phần hàng Việt tại kênh phân phối ở các chợ, cửa hàng kinh doanh khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lên hơn 80%, tại các siêu thị lên hơn 90%; đồng thời cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của cả nước với Hà Nội.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Hà Nội sẽ tăng cường đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường, ưu tiên công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và hành vi của DN và NTD trong nước. Đẩy mạnh công tác phát triển hệ thống phân phối hàng hóa Việt cố định và bền vững do các DN trong nước làm hạt nhân, nhất là tại địa bàn nông thôn, nhằm thúc đẩy chương trình đưa hàng Việt tới NTD trên địa bàn. Đồng thời, các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng mô hình các chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững: Sản xuất - phân phối - tiêu dùng gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, từng bước nhân rộng mô hình liên kết, tạo điều kiện để các DN, nhất là DN vừa và nhỏ tham gia vào mô hình.
Thành phố cũng đã có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhằm mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, các DN trên địa bàn được tạo điều kiện trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư công nghệ hiện đại và hệ thống quản lý chất lượng vào sản xuất; đào tạo, tư vấn cho DN, các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về kỹ năng bán hàng, phát triển thương hiệu, kết nối cung - cầu. Đặc biệt, thành phố sẽ nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn thành phố; Khắc phục những bất cập về thủ tục hành chính; Tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và các hành vi kinh doanh trái phép. Những giải pháp trên sẽ góp phần tạo sự chuyển biến căn bản và thực chất trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhằm bảo vệ NTD, cũng như các DN làm ăn chân chính.