Giá USD "leo thang", vàng giảm: Sẽ điều chỉnh tỷ giá?
Tài chính - Ngày đăng : 06:26, 06/05/2015
Đổ xô đi mua USD
Sau vài ngày bình ổn với khẳng định không điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giá USD đã tăng trở lại, nhích dần đến "trần" cho phép của NHNN. Với đà tăng này, trên thị trường tự do, giá USD đang tiến dần tới ngưỡng 22.000 VND/USD. Ngày 5-5, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được niêm yết ở mức 21.458 VND/USD, tức là biên độ "trần" mà các ngân hàng thương mại có thể giao dịch là 21.699 VND/USD.
Giá USD tăng nhưng nhiều người vẫn đến các cửa hàng vàng để mua vào. Ảnh: Ngọc Châu |
Tại các ngân hàng, mặc dù chưa phải niêm yết mức "trần", xong trong mấy ngày gần đây, giá USD liên tiếp nhích, với mức tăng 10-20 đồng/USD mỗi ngày. Trên bảng niêm yết tỷ giá của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) ngày 5-5, giá USD được niêm yết phổ biến ở mức 21.600 VND/USD (mua vào) - 21.660 VND/USD (bán ra). Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư - Phát triển (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank), giá USD cũng tăng 10 đồng/USD, niêm yết ở mức 21.600 VND/USD (mua vào) - 21.660 VND/USD (bán ra). Tại các Ngân hàng TMCP khác như Á Châu (ACB), Kỹ thương (Techcombank).., giá USD "nhảy múa" không ngừng trong suốt ngày 5-5, nhưng giao dịch phổ biến ở 21.590 VND/USD (mua vào) - 21.670 VND/USD (bán ra). Nhiều người nhận định, với diễn biến nói trên, khả năng NHNN sẽ phải sớm điều chỉnh tỷ giá để theo kịp với xu hướng thị trường.
Giá USD tăng không ngừng khiến nhiều nhà đầu tư quay sang mua USD thay vì rót vốn vào vàng, chứng khoán, hay bất động sản. Với suy nghĩ giá USD sẽ tiếp tục tăng nên các nhà đầu tư đổ xô đi mua USD, chờ giá tiếp tục tăng để bán kiếm lời. Bởi vậy, tại các điểm giao dịch ngoại tệ trên phố Hà Trung, Hà Nội, lượng người đến mua USD tăng mạnh. Trong khi đồng USD tăng giá thì giá EUR trên thị trường thế giới vẫn ở mức thấp kỷ lục so với đồng USD, cùng với đó, vàng cũng mất đi vị thế là nơi gửi gắm "niềm tin" của giới đầu tư thế giới.
Theo giới chuyên gia, nếu nhà đầu tư toàn cầu lựa chọn USD thì không có lý do gì nhà đầu tư trong nước không lựa chọn đầu tư vào đồng tiền này. Nhưng, nhà đầu tư trong nước không nên quá tin tưởng, chạy theo xu hướng thế giới, vì ngoài USD, thị trường chứng khoán hay bất động sản đang mở ra nhiều cơ hội. Giá USD đã có một đợt sóng khá dài, nhưng cho đến hết ngày 5-5 vẫn chưa thấy động thái gì từ phía NHNN về việc có hay không điều chỉnh tỷ giá. Theo giới chuyên gia, USD tăng giá chưa tác động nhiều đến các DN, bởi giá USD chưa đạt "mức trần" của NHNN và vẫn trong tính toán của DN. Nếu điều chỉnh tỷ giá thời điểm này có thể sẽ có lợi cho xuất khẩu, nhưng sẽ tác động không tích cực tới nhập khẩu, bởi vậy, trước khi điều chỉnh tỷ giá, NHNN sẽ phải tính đến bài toán cân đối giữa DN nhập khẩu và xuất khẩu. Liệu NHNN có giữ được "lời hứa" về việc điều chỉnh tỷ giá khi đã nới tỷ giá 1% trong khi dự báo biên độ nới tỷ giá năm 2015 chỉ là 2%?
Giá vàng vẫn "ngất ngưởng" so với thế giới
Trong khi giá USD tăng sát mức "trần" cho phép của NHNN thì giá vàng trong nước lại quay đầu giảm, có thời điểm xuống dưới ngưỡng 35 triệu đồng/lượng. Vào 9h ngày 5-5, trên thị trường Hà Nội, giá vàng miếng SJC được giao dịch ở mức 34,99 triệu đồng/lượng (mua vào) - 35,03 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 10.000 đồng/lượng so với ngày 4-5. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng miếng SJC được niêm yết hơi "chênh" với thị trường Hà Nội, phổ biến với giá: 34,95 triệu đồng/lượng (mua vào)-35,06 triệu đồng/lượng (bán ra). Trên thị trường thế giới, giá vàng cũng "rớt", yếu thế so với USD. Với nhà đầu tư, càng tăng giá, lại càng thích "đổ" tiền vào, nên bất chấp USD tăng từng giờ, vẫn lựa chọn kênh này thay vì vàng. Nếu trước đây, vàng được coi là kênh trú ẩn của dòng tiền, với những hoài nghi về đà phục hồi của nền kinh tế, đến nay khi "sức khỏe" của nền kinh tế đã khá hơn, nhà đầu tư không còn "mặn mà" với vàng. Trên thị trường thế giới, thời điểm 15h30 (giờ Việt Nam), vàng được giao dịch với giá 1.187-1.188 USD/ounce. Như vậy, nhiều phiên liên tiếp trở lại đây, vàng đã tụt xuống dưới ngưỡng 1.200 USD/ounce. Hiện, giới đầu tư nước ngoài vẫn đang chờ báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 4 của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần này. Tuy nhiên, đà hồi phục của giá vàng vẫn phần nào hạn chế khi giới đầu tư và thương nhân tiếp tục quan tâm đến thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất.
Nếu quy đổi mức giá này ra VND theo tỷ giá của Vietcombank, vàng trong nước vẫn đang cao hơn thế giới hơn 4 triệu đồng/lượng. Đây là khoảng cách khá lớn, có vẻ như mong muốn giá vàng trong nước chỉ chênh so với thế giới khoảng 1 triệu đồng/lượng vẫn chỉ... ước mơ. Mấy năm gần đây, giá vàng trong nước luôn "một mình một đường" so với giá vàng thế giới dù trước đây, lãnh đạo NHNN đã từng khẳng định, giá vàng trong nước cao hơn thế giới 1 triệu đồng/lượng đã là "đầu cơ". Đã mấy năm trôi qua, giá vàng không thể lùi xuống ngưỡng bị coi là "đầu cơ" này.
Đầu tư vào vàng khá "bấp bênh" bởi giá trong nước quá cao so với thế giới, còn với USD, nhà đầu tư cũng lo ngại bởi chưa biết NHNN có quyết định điều chỉnh tỷ giá hay không?