Giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:11, 01/09/2022

(HNM) - Sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để phục hồi, phát triển sản xuất, nhưng việc tiếp cận ngân hàng gặp trở ngại. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của các sở, ngành thành phố Hà Nội là giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phục hồi sau đại dịch, từ đó đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.

Sản xuất tại Công ty cổ phần Eurowindow (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Quang

Doanh nghiệp “khát” vốn

Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khi trở lại trạng thái bình thường, nền kinh tế Hà Nội đã từng bước phục hồi. Theo thống kê, 8 tháng năm 2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 20 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, có 7,8 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 7%. Tuy nhiên, nguồn vốn để đầu tư phát triển đang là trở ngại đối với doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội Lưu Hải Minh thông tin, các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực đều có quy mô lớn nên rất cần các quỹ đầu tư và ngân hàng quan tâm cho vay vốn ưu đãi để đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội Nguyễn Vân cho hay, ngoài cơ chế, chính sách, hạ tầng đất đai, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn lực về tài chính để mua sắm thiết bị.

“Các tổ chức ngân hàng nên quan tâm cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài, bởi nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải đầu tư 2-3 năm, thậm chí 5-10 năm mới có lãi. Bên cạnh đó, mở ra thêm các hình thức tín chấp, thế chấp bằng máy móc, nhà xưởng, hoặc bảo lãnh 3 bên”, ông Nguyễn Vân nói.

Từ góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Nguyễn Thu Hà chia sẻ, doanh nghiệp do nữ làm chủ quy mô nhỏ chiếm đa số, khó khăn lớn nhất là tài chính eo hẹp, việc xây dựng đề án đáp ứng yêu cầu của ngân hàng để được vay vốn không phải là dễ. Trong khi đó, các doanh nghiệp có quy mô vừa, hoạt động từ 10 năm trở lên, đều có ngân hàng, tổ chức tài chính hỗ trợ, nhưng lại không sử dụng hết hạn mức được vay. "Với nhiều yêu cầu để được vay vốn của một số quỹ, ngân hàng như hiện nay thì dường như không doanh nghiệp nhỏ nào tiếp cận được", bà Nguyễn Thu Hà nhận định.

Các hiệp hội doanh nghiệp sẽ hướng dẫn, tư vấn để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất hàng may mặc tại Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Đỗ Tâm

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Lý giải về việc doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, ông Nguyễn Trọng Tĩnh, đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) cho biết, trong quá trình giải quyết các hồ sơ xin vay vốn, MSB cũng gặp khó khăn nhất định, đặc biệt là việc minh bạch khi kê khai tài chính trong gói vay tín chấp đối với các doanh nghiệp chế tạo sản phẩm công nghiệp chủ lực. Để tháo gỡ vấn đề này, các hội, hiệp hội ngành nghề cần hỗ trợ doanh nghiệp, tạo ra một môi trường minh bạch để ngân hàng có thể tiếp cận với doanh nghiệp dễ hơn.

Nhấn mạnh thêm về điều này, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn khẳng định, phía ngân hàng luôn cần doanh nghiệp chứ không chỉ doanh nghiệp cần ngân hàng. Đây là mối quan hệ cộng sinh, đáp ứng mong muốn của cả hai bên. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn. Đồng thời, các ngân hàng đang triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất vay, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu điều kiện, đề xuất với ngân hàng.

Còn Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Sở Giao dịch Hồ Văn Tuấn thông tin, Vietcombank đã nghiên cứu, thống nhất ưu tiên hạn mức tín dụng cho lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ. Do vậy, để giúp đỡ các doanh nghiệp, các ngân hàng cần chung tay giải quyết "bài toán" khó, là vừa giữ được lãi suất vừa kiềm chế lạm phát. Cùng với đó là sự hỗ trợ của Sở Công Thương, Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội trong việc thường xuyên phối hợp, tổ chức hội nghị để các doanh nghiệp, ngân hàng có cơ hội gặp gỡ trao đổi. Các hội, hiệp hội tổng hợp nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, thông qua Sở Công Thương, truyền tải cho các ngân hàng có phương án giải quyết tốt nhất cho doanh nghiệp.

Để hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh…, trung tuần tháng 8 vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hà Nội, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với các ngân hàng thương mại, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội năm 2022.

Rõ ràng, “nút thắt” trong tiếp cận nguồn vốn đối với doanh nghiệp không hẳn không có lời giải. Nhấn mạnh về điều này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện nhiều ngân hàng vẫn còn hạn mức tín dụng cho vay sản xuất, kinh doanh. Việc hướng dẫn xây dựng đề án phát triển sản xuất để được vay tín chấp, hoặc khả năng tài chính của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của ngân hàng là vấn đề mà doanh nghiệp còn vướng. Do đó, thời gian tới, thông qua hiệp hội doanh nghiệp, các ngân hàng sẽ truyền tải toàn bộ thông tin về các quy định, yêu cầu, thủ tục đối với doanh nghiệp cần vay vốn. Từ đó, các hiệp hội sẽ truyền thông và hướng dẫn, tư vấn chi tiết cho các doanh nghiệp trong nhóm để có thể xây dựng các đề án vay vốn dễ dàng hơn.

Trung Hiếu