Sở Nội vụ Hà Nội: Sẵn sàng kiểm tra lại bài thi nếu ứng viên làm đơn
Xã hội - Ngày đăng : 07:22, 05/05/2015
Thi tuyển công chức Hà Nội: ảnh minh họa |
Ông Trần Huy Sáng cũng cho hay, thang điểm cho phần thi viết và phỏng vấn đều có barem rõ ràng, cụ thể là 80 điểm thi viết và 20 điểm thi phỏng vấn. Về bài thi viết có 3 người chấm độc lập. Nếu kết quả chênh dưới 10 điểm sẽ cộng, chia trung bình. Nếu điểm chấm chênh nhau hơn 10 điểm sẽ xin ý kiến Chủ tịch hội đồng tuyển dụng. Theo quy định thí sinh không thể khiếu nại, phúc khảo. Tuy nhiên, tất cả các bài thi đều phải được lưu lại cẩn thận. Sở sẵn sàng công khai barem điểm, Hội đồng tuyển dụng sẵn sàng ngồi với ứng viên để rà soát bài làm, đối chiếu kết quả nếu ứng viên có thắc mắc.
Cũng để tránh dư luận hiểu nhầm về công tác sát hạch vừa qua, giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết: Việc sát hạch đối với các ứng viên có 5 năm kinh nghiệm trở lên được tổ chức thường xuyên 3 tháng/1 lần. Chỉ tiêu dành cho đối tượng này được UBND Thành phố phê duyệt ở một Quyết định số 1149/QĐ-UBND và hoàn toàn không liên quan đến Quyết định số 163/QĐ-UBND ngày 15/1/2015 về việc phê duyệt chỉ tiêu và ban hành Kế hoạch thi tuyển công chức làm việc tại sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội năm 2015, tổng chỉ tiêu thi tuyển công chức ngạch chuyên viên là 560 người.
Ngày 4/2/2015, Sở Nội vụ Hà Nội ban hành Hướng dẫn số 239/HD-SNV-ĐTBDTD về việc tiếp nhận không qua thi tuyển đối với những trường hợp đặc biệt trong kỳ thi tuyển công chức năm 2015 và xác định ngành, chuyên ngành đào tạo đăng ký tuyển dụng công chức (theo chỉ tiêu của Quyết định số 163/QĐ-UBND ) trong đó nêu rõ: Đối tượng tiếp nhận không qua thi là những người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài.
Quyết định 1149 đã được UBND thành phố phê duyệt 294 chỉ tiêu công chức được tiếp nhận không qua thi tuyển để làm việc tại sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội năm 2015. Theo quy định tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ, điều kiện để tuyển dụng công chức dạng tiếp nhận không qua thi như sau: viên chức đã có thời gian làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 60 tháng trở lên (không kể thời gian tập sự), có trình độ đào tạo, kinh nghiệm công tác và đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, khi cơ quan quản lý, sử dụng công chức có nhu cầu tuyển dụng thì được xét chuyển vào công chức không qua thi tuyển.
Ngoài ra, những công chức được tiếp nhận không qua thi tuyển cần đáp ứng những điều kiện sau: Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên; hiện đang công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển; có thời hạn từ đủ 60 tháng trở lên làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo đại học, sau đại học trong ngành, lĩnh vực cần tuyển. Trong thời gian công tác 5 năm gần nhất không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;...
“Vừa qua Hội đồng sát hạch tiến hành kiểm tra sát hạch 2 đợt. Đợt 1 dành cho các ứng viên thuộc phạm vi của Quyết định 1149. Đợt 2 đối với các trường hợp đăng ký hồ sơ trong kỳ tuyển dụng công chức năm 2015. Do hai đợt này gần nhau nên có thể một số ứng viên sẽ hiểu nhầm” - ông Sáng nói.
Khẳng định với Dân trí, ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết thêm: “Có 83 đối tượng thuộc phạm vi của Quyết định 1149 tham gia sát hạch. Ngày 16/4/2015 Sở Nội vụ đã có văn bản số 679/TB-HĐKTSH thông báo Kết quả kiểm tra sát hạch tiếp nhận công chức không qua thi tuyển đợt tháng 4/2015. Danh sách này có đầy đủ tên tuổi thí sinh, trình độ, cơ sở đào tạo hoặc đơn vị hiện đang công tác của thí sinh, cơ quan tiếp nhận và điểm số của thí sinh. Sau khi có kết quả, Sở đã chuyển đến từng thí sinh và đơn vị”. Liên quan đến việc ứng viên thuộc phạm vi Quyết định 163 cho rằng mình thuộc diện đối tượng chính sách nhưng khi tham dự kỳ thi sát hạch lại không được cộng điểm theo Nghị định 24/2010/NĐ-CP, giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội giải thích: “Những đối tượng này chỉ được cộng điểm khi tham dự kì thi tuyển dụng công chức. Đây là những ứng viên được tiếp nhận không qua thi tuyển nên không được cộng điểm”.
Trước băn khoăn của nhiều ứng viên trượt kì sát hạch vừa qua cho rằng, ở phần thi phỏng vấn, ứng viên trả lời giám khảo khi xung quanh không không có giám sát không ghi âm, không biết cho điểm thế nào. Như vậy có đảm bảo sự minh bạch khách quan hay không?
“Hội đồng tuyển dụng của thành phố đã làm đúng, nghiêm túc các quy định tuyển dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện có. Ở phần thi phỏng vấn các câu hỏi chỉ để xem thái độ, lời ăn tiếng nói ứng viên có lưu loát rõ ràng hay không và không ngoài nội dung thí sinh đã được giới hạn ôn tập. Cũng cần lưu ý là các thủ khoa, người tốt nghiệp loại giỏi ở nước ngoài trượt sát hạch lần này đều có bài viết đạt điểm dưới 50” - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Hoa giải đáp.
Đối với trường hợp thạc sỹ tốt nghiệp loại giỏi phản ánh việc đề thi sát hạch có câu hỏi nằm ngoài nội dung ôn tập mà Hội đồng sát hạch đưa ra, ông Trần Huy Sáng nhấn mạnh: Những ứng viên có những băn khoăn thắc mắc gì thì làm đơn, Hội đồng sẽ giải đáp mọi vấn đề. Sở Nội vụ sẽ cho kiểm tra phản ánh này và trả lời rõ ràng tới ứng viên và công khai cho báo chí biết.
Các ứng viên tham gia sát hạch thuộc phạm vi của Quyết định 1149 đều được trả kết quả sát hạch. |
Không thể làm trái với quy định!
Trao đổi thêm với PV về việc không thể bỏ kì thi sát hạch đối với các ứng viên được tiếp nhận không qua thi tuyển, giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, ông Trần Huy Sáng cho hay: Hà Nội là địa phương tiên phong trong việc thu hút nhân tài và được thực hiện từ những năm 1998. Thời gian đầu khi thành phố có chủ trương trải thảm đỏ mời thủ khoa, thạc sĩ nước ngoài về công tác trong các cơ quan thành phố có thực tế là dù có lời mời nhưng không nhiều người về. Lúc đó những đối tượng thủ khoa được tiếp nhận vào làm công chức ngay mà không cần phải trải qua kì thi sát hạch.
Năm 2010, Nghị định 24/2010/NĐ-CP và sau đó là Thông tư 13/2010/TT-BNV Quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP có quy định Quy trình xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển đó là người đứng đầu cơ quan quản lý công chức thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch để đánh giá về các điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu, nhiệm vụ của vị trí việc làm cần tuyển của người được đề nghị tiếp nhận không qua thi tuyển. Hà Nội không thể làm trái với cái quy định này được.
Vài năm trở lại đây số lượng mới đông dần lên, nhiều vị trí khi vào làm có cơ hội nhận mức lương cao như ngân hàng nên tỉ lệ cạnh tranh càng cao.
“Bản thân chúng tôi cũng mong muốn có nhiều ứng viên đáp ứng được điều kiện không phải thông qua thi tuyển được tuyển chọn và vượt qua được kì thi sát hạch. Nếu đối tượng này trúng tuyển đủ chỉ tiêu mà UBND Thành phố phê duyệt thì chúng tôi không còn phải vất vả tổ chức kì thi tuyển công chức. Vừa qua có 32 thí sinh được trúng tuyển không qua thi tuyển (đạt điều kiện sát hạch) và dẫn đến có đến 324 trường hợp đăng ký thi tuyển thuộc 16 đơn phải thay đổi nguyện vọng do các vị trí việc làm đăng ký trước đó đã hết chỉ tiêu” - ông Sáng bày tỏ.