Bước tiến dài của BRICS

Thế giới - Ngày đăng : 06:41, 05/05/2015

(HNM) - Ngày 2-5, trong một động thái được cho là hành động cụ thể của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), gồm: Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Nam Phi, nhằm tiến tới định hình lại hệ thống tài chính quốc tế, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn Hiệp ước thành lập Quỹ Dự trữ ngoại tệ chung của BRICS.


Quỹ Dự trữ ngoại tệ chung của BRICS dự kiến có tổng số tiền lên đến 100 tỷ USD. Trung Quốc là quốc gia đóng góp nhiều nhất với 41 tỷ USD, Nam Phi ít nhất với 5 tỷ USD, Brazil, Nga và Ấn Độ mỗi nước đóng góp 18 tỷ USD. Theo Hiệp ước, mỗi quốc gia thành viên BRICS có thể đề nghị các thành viên còn lại trong nhóm cho vay từ quỹ dự trữ ở bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, số tiền được nhận của mỗi quốc gia là khác nhau và phải được tất cả các nước thành viên thông qua. Ngoài ra, các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới cũng có kế hoạch thành lập Ngân hàng quốc tế riêng của khối (NDB) và đặt trụ sở ở Thượng Hải (Trung Quốc).

Các nhà lãnh đạo BRICS đang thực hiện những bước đi thực tế để xây dựng một trật tự tài chính quốc tế mới.



Trên thực tế, sự ra đời của Quỹ Dự trữ ngoại tệ chung của BRICS và NDB không gây bất ngờ, bởi định chế tài chính mới này đã được các nước thành viên đàm phán từ 3 năm qua nhằm đối phó với tình trạng Mỹ rút vốn ồ ạt khỏi các nền kinh tế mới nổi do tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, trong khi những nỗ lực cải tổ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) theo hướng tăng tiếng nói cho các nền kinh tế đang phát triển không đạt kết quả.

Theo nhà kinh tế Charles Robertson thuộc Renaissance Capital, với dân số chiếm gần 43% tổng dân số thế giới và quy mô tổng sản lượng khoảng 16 nghìn tỷ USD, BRICS hoàn toàn có lý khi bất bình trước quyền lực đang nằm quá nhiều trong tay các nước phát triển. Thực tế, cả Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF, không tổ chức nào có nhà lãnh đạo đến từ các nền kinh tế mới nổi. Vì thế, hiện WB và IMF bị đánh giá là đang vận hành thiếu khách quan, chỉ là công cụ gây ảnh hưởng của Mỹ và các nước đồng minh khi việc giải ngân cho các dự án nhiều khi phụ thuộc vào "thái độ chính trị của con nợ" thay vì dựa trên hiệu quả và tính cấp thiết của các dự án.

Theo đánh giá của các chuyên gia, NDB và Quỹ Dự trữ ngoại tệ BRICS không chỉ giúp các thành viên khối này độc lập hơn về kinh tế và nhu cầu vốn, mà còn tạo ra đối trọng đáng kể với WB và IMF. Bên cạnh đó, đây còn là một thử nghiệm quan trọng đối với sự đoàn kết của khối, giúp nâng cao vị thế cũng như tiếng nói của các nước đang phát triển trong quá trình đưa ra các quyết sách quan trọng của thế giới, góp phần xây dựng một trật tự tài chính quốc tế mới, dân chủ hơn. Theo kế hoạch, NDB sẽ bắt đầu giải ngân những khoản cho vay đầu tiên từ năm 2016 với tiêu chí ưu tiên cho các dự án phát triển không thể vay được vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế khác. Một khi chính thức đi vào hoạt động, NDB và Quỹ Dự trữ ngoại tệ chung của BRICS sẽ nâng cao tầm ảnh hưởng của các nước đang phát triển trong cấu trúc tài chính toàn cầu, nơi vị thế thống lĩnh lâu nay thuộc về WB và IMF.

Tuy nhiên, do quy mô tài chính ban đầu của NDB và Quỹ Dự trữ ngoại tệ chung của BRICS được cho là khá khiêm tốn, trong khi tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên đang có dấu hiệu chững lại và nội bộ BRICS cũng còn nhiều khác biệt về thể chế và quy mô kinh tế. Thế nên, để biến Hiệp ước thành hành động cụ thể không phải là việc dễ dàng. Do đó, trách nhiệm của các nhà lãnh đạo BRICS là phải mang lại những kết quả cụ thể, phù hợp với lợi ích của các nước thành viên và thúc đẩy BRICS trở thành một thực thể với những hành động cụ thể hơn. Nếu không, những mâu thuẫn vốn có từ trước khi BRICS ra đời - từ địa lý đến dân số và khái niệm giàu nghèo... - sẽ ngày càng khó vượt qua.

Tuy nhiên, sự ra đời của một tổ chức tiền tệ với nhiều hứa hẹn của BRICS ngay lập tức đã là một biểu tượng gia tăng ảnh hưởng của các nền kinh tế mới nổi trên nền kiến trúc tài chính toàn cầu hiện nay. Về dài hạn, khả năng của Quỹ này và NDB sẽ là đối trọng đáng gờm của WB và IMF không phải không có cơ sở khi nhóm này chiếm tới gần 43% dân số thế giới, 25% GDP toàn cầu, 15% tổng kim ngạch thương mại thế giới và có tổng dự trữ ngoại tệ lên tới 4.400 tỷ USD.

Phương Quỳnh