Bài 3: Khi chính sách thiếu "hơi thở" cuộc sống

Xã hội - Ngày đăng : 06:16, 05/05/2015

(HNM) - Một trong những mục tiêu quan trọng để xây dựng thành công mô hình nông thôn mới (NTM) thì việc đưa cơ giới hóa vào các quy trình sản xuất phải là trọng tâm đầu tư. Tuy nhiên, với khả năng tích lũy hạn chế, phần lớn người dân khó lòng có thể đầu tư máy móc với số tiền hàng chục,


Nhu cầu lớn, phê duyệt nhỏ giọt

Tại xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn), ông Nguyễn Thành Cơ là hộ đầu tiên được vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 16 của UBND thành phố để mua máy gặt đập liên hợp. Ông Cơ cho biết, trước đó, gia đình có máy gặt thuê nhưng vì thiếu vốn nên chỉ mua máy của Trung Quốc, công suất thấp, máy nhanh hỏng. Từ năm 2013, sau khi được vay 350 triệu đồng hỗ trợ lãi suất của thành phố, gia đình đã bỏ thêm 250 triệu đồng để đầu tư máy gặt đập liên hợp của Nhật Bản với giá 600 triệu đồng. Từ khi sử dụng máy này, việc vận hành máy rất nhàn, ít hỏng hóc. Sau khi làm dịch vụ thu hoạch cho bà con trong vùng xong, gia đình còn đi làm dịch vụ ở nhiều tỉnh, thành lân cận nên thu hồi vốn rất khả quan.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Ảnh: Thái Hiền



Tuy nhiên, không phải ai cũng có "duyên" vay được vốn hỗ trợ lãi suất như gia đình ông Cơ. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, để thúc đẩy đưa cơ giới hóa vào sản xuất, Hà Nội đã xây dựng đề án "Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp thành phố giai đoạn 2012-2016 và định hướng đến năm 2020" với kinh phí lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Tinh thần là người dân có nguyện vọng đầu tư cơ giới hóa phục vụ sản xuất sẽ được hỗ trợ kinh phí cho vay trong 3 năm với lãi suất 0%. Tuy nhiên, từ khi triển khai đến nay, Hà Nội mới giải quyết được cho 55 hộ vay vốn trong khi nhu cầu của người dân là rất lớn.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Ngô Đình Giang cho rằng, nguyên nhân do chính sách của thành phố ban hành chưa phù hợp với thực tế, thủ tục vay rườm rà. Khi vay được vốn rồi, để được hưởng hỗ trợ lãi suất cũng không phải dễ. "Hộ nông dân phải gửi phiếu trả lãi suất ngân hàng về Trung tâm Khuyến nông, 6 tháng một lần Trung tâm sẽ chuyển lên Sở NN&PTNT sau đó mới trình Sở Tài chính thẩm định rồi tiếp tục trình lên UBND thành phố. Sau khi hoàn tất thủ tục, kinh phí sẽ được chuyển về Trung tâm Khuyến nông rồi mới đến tay người dân. Việc tổ chức triển khai chính sách chậm và rườm rà nên nhiều hộ không còn mặn mà với lãi suất hỗ trợ" - ông Giang lý giải.

Cũng do nhiều khó khăn nên mục tiêu phát triển cơ giới hóa nông nghiệp Hà Nội khó về đích đúng hẹn. Theo đề án, đến năm 2016, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất sẽ đạt 90%; khâu gieo cấy đạt 20%; phun thuốc trừ sâu đạt 40%; gặt đập liên hợp đạt 30%; vắt sữa bò bằng máy đạt 50%; quạt mát thủy sản đạt 15%. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ khâu cơ giới hóa trong làm đất đạt 90% diện tích; cơ giới hóa trong khâu cấy, gặt còn thấp so với mục tiêu đề ra, chỉ đạt 2,1% diện tích cấy bằng máy và 13,5% diện tích gặt bằng máy… Hà Nội hiện đang dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn xây dựng NTM, tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy khâu đang yếu ở Hà Nội là nhóm tiêu chí liên quan đến phát triển sản xuất.

Chậm sửa chính sách chưa phù hợp

Có một thực tế là nhiều hộ dân hiện nay không thiết tha với đồng ruộng. "Nếu tính chi phí cho giống, phân bón, thuê công cấy, gặt, làm đất thì lợi nhuận thu được từ làm ruộng gần như bằng không. Trong khi đó, một số hộ dân và kỹ sư nông nghiệp có kiến thức đã thuê đất của nông dân đầu tư vào các mô hình rau, hoa, quả quy mô trung bình và lớn lại cho hiệu quả rất cao. Điều đó cho thấy sản xuất nông nghiệp sẽ không thể có lãi nếu cứ mãi theo hướng manh mún, lạc hậu. Do đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú, thành phố cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo các huyện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; sớm có cơ chế hỗ trợ cho các hộ. Về Quyết định 16 của UBND TP Hà Nội quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội (giai đoạn 2012-2016) nhưng đến nay trên địa bàn chưa có ai vay được vốn hỗ trợ, đề nghị phải sửa đổi sớm. Đây cũng là kiến nghị của rất nhiều địa phương trong những năm qua. Tuy vậy, đã qua rất nhiều hội nghị, việc tháo gỡ vướng mắc này hết sức chậm chạp.

Ngoài những chính sách đặc thù của địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đề xuất Chính phủ cần đánh giá lại các cơ chế chính sách hỗ trợ, rà soát một cách hệ thống, sao cho tập trung và thống nhất, tránh đầu tư dàn trải kém hiệu quả. Có những chính sách ngay cả Hà Nội là địa phương có tiềm lực mạnh về tài chính cũng khó có thể triển khai. Theo Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt, hiện ở Hà Nội, nông nghiệp vẫn chiếm 5,2% GDP của toàn thành phố, nhưng nguồn vốn thành phố đầu tư cho phát triển lĩnh vực này năm qua mới chỉ chiếm 1,8% GDP là chưa hợp lý. Thêm nữa, với chính sách vay vốn mà người dân phải có đủ tài sản thế chấp tương đương với số vốn muốn vay thì thật sự "làm khó" cho người nông dân, bởi đất đai, nhà cửa, tài sản của họ thường không đủ để thế chấp vay vài ba tỷ đồng, là số tiền cần có để có thể phát triển kinh tế trang trại. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn. Vì thực tế, lực lượng lao động trong nông thôn Hà Nội hiện nay chủ yếu là người già, phụ nữ, người không có trình độ. Điều này cản trở rất lớn tới việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng nông nghiệp.

Mguyễn Mai