Tâm huyết, trách nhiệm và trí tuệ

Chính trị - Ngày đăng : 06:14, 04/05/2015

(HNM) - Qua 6 hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà Nội, cảm nhận chung là các ý kiến đều rất tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ.


Từ hội nghị mở đầu - tổ chức ngày 14-4-2015, lấy ý kiến đóng góp của cán bộ lão thành cách mạng, chiến sĩ bị địch bắt tù đày và cán bộ nguyên lãnh đạo chủ chốt thành phố qua các thời kỳ, đến nay Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tiếp tục tổ chức thêm 5 hội nghị lấy ý kiến đóng góp có quy mô lớn gồm: Lấy ý kiến đóng góp của cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành thành phố; đại diện văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, trí thức, bí thư đảng ủy, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, học viện; các bộ, ban, ngành trung ương; thành viên Câu lạc bộ Thăng Long; các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. 4 nội dung chính Thành ủy tập trung lấy ý kiến gồm: Về bố cục dự thảo báo cáo chính trị; về chủ đề đại hội; về phương pháp, nội dung đánh giá và phương hướng nhiệm vụ 5 năm tới (2015-2020). Mỗi hội nghị đều có từ 10 đến 20 ý kiến phát biểu trực tiếp và nhiều đại biểu đóng góp ý kiến bằng văn bản. Đánh giá chung là các ý kiến đóng góp đều đồng cảm với Thủ đô, rất tâm huyết, trách nhiệm và trí tuệ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị:

"Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố kỳ này đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ về nhận thức và hành động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Những vấn đề đó cần được kết tinh trong báo cáo chính trị của đại hội. Với trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết đối với Thủ đô, cùng với trí tuệ, kinh nghiệm của mình, Thành ủy mong muốn đón nhận nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ thành phố để văn bản quan trọng này thực sự là kết tinh trí tuệ và ý chí của toàn Đảng bộ thành phố và các tầng lớp nhân dân Thủ đô".

Điểm đáng chú ý, các ý kiến đóng góp qua 6 hội nghị đều đánh giá cao thành tựu 5 năm 2010-2015 của Đảng bộ thành phố; một số đề nghị làm rõ hơn phần nội dung này, bổ sung dẫn chứng cụ thể cho từng lĩnh vực để dự thảo báo cáo sinh động, dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Theo các ý kiến đóng góp, chủ đề của đại hội "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại" là toàn diện, đầy đủ và cơ bản phù hợp. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung những nhân tố mới như dân chủ, kỷ cương, hội nhập quốc tế, mô hình "kinh tế xanh"…Tại các hội nghị, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với các khâu đột phá trong dự thảo báo cáo, đồng thời một số đề nghị thành phố bổ sung khâu đột phá về công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ, tận dụng tốt tiềm năng trí thức sẵn có trên địa bàn, thu hút người tài phục vụ sự phát triển của Thủ đô. Cùng với đó, nhiệm kỳ tới, thành phố cần tạo đột phá về xây dựng văn hóa người Hà Nội, trước hết là văn hóa ứng xử...

Phần đánh giá hạn chế, khuyết điểm của dự thảo báo cáo thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu trong các hội nghị đã được tổ chức. Một số nhà khoa học, chuyên gia đánh giá phần này vẫn còn chung chung, chưa lột tả được chính xác từng vấn đề. 5 bài học kinh nghiệm rút ra từ nhiệm kỳ 2010-2015 có tính khái quát cao, nhưng lại thiếu tính cụ thể, nhất là chưa có bài học mang tính đặc thù của Thủ đô. Ý kiến này được Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chú ý tiếp thu và khẳng định: "Tôi sẽ chỉ đạo viết lại cho nổi, rõ phần này. Hà Nội không nên sợ khuyết điểm, phải thấy được hạn chế, khuyết điểm để sửa chữa".

Đặc biệt, một số lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học, chuyên gia chia sẻ những khó khăn với các cơ quan lãnh đạo, quản lý của thành phố... "Ở Hà Nội còn có các bộ, ban, ngành. Nhiều việc không phải của Hà Nội, nhưng ai phê bình đều nghĩ ngay thuộc về Hà Nội; thành phố phải gánh đầu tiên." - Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Tuấn Phong phân tích. Tâm lý chung của mọi người là luôn đòi hỏi cao đối với Thủ đô nhưng lại không hiểu được hết những khó khăn của Thủ đô. Từ đó, các đại biểu cũng đề xuất nêu rõ đặc thù này trong phần nói về hoàn cảnh, điều kiện của Hà Nội.

Về tổng thể, rất nhiều đại biểu có chung nhận định là dự thảo Báo cáo chính trị được đầu tư công phu, bài bản; bố cục chặt chẽ, câu từ khúc chiết. Tuy nhiên để nâng cao chất lượng dự thảo, một số ý kiến đề xuất, không nên đưa phần đánh giá 30 năm đổi mới vào chung và nên tách riêng. Dung lượng nội dung đánh giá 30 năm đổi mới trong dự thảo báo cáo cũng được cho là còn ít. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, dự thảo Báo cáo chính trị vẫn lạm dụng từ "quyết liệt" và bị "dính" lối mòn trong việc dùng các từ như "tăng cường", "đẩy mạnh"…

Tại mỗi hội nghị đóng góp ý kiến, các đồng chí trong Thường trực Thành ủy đều có mặt, lắng nghe, tiếp thu nghiêm túc, đồng thời khẳng định, tinh thần tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự thảo Báo cáo chính trị của thành phố là hết sức trân trọng, cầu thị. Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo báo cáo, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết: "Khi xem xét dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội XV Đảng bộ thành phố, Bộ Chính trị đã rất hoan nghênh Hà Nội về tinh thần tự phê bình và phê bình, đến mức là nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị nói không có gì phải thêm nữa. Việc chuẩn bị Báo cáo chính trị Đại hội XVI cũng đúng với tinh thần tự phê bình và phê bình như vậy. Chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung đánh giá sâu sắc hơn về thiếu sót, khuyết điểm. Quan điểm của Thành ủy là thấy được thiếu sót, khuyết điểm mới đúng là ưu điểm của tự phê bình. Còn không thấy được khuyết điểm hay thấy mà không dám nói thì càng có khuyết điểm". Phát biểu này đã hội đủ tinh thần cầu thị và quyết tâm xây dựng Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà Nội thực chất mà ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, Thành ủy đã xác định rõ.

Ngày mai 5-5, Thành ủy Hà Nội tiếp tục tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị, trước khi hoàn thiện để công bố và xin ý kiến nhân dân.

Võ Lâm