Dấu hiệu tích cực của kinh tế Nhật bản
Thế giới - Ngày đăng : 05:48, 04/05/2015
Trong khi đó, mục tiêu xây dựng một nước Nhật hùng mạnh đã được tiếp sức bởi những dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế. Số liệu thống kê được Bộ Nội vụ nước này công bố ngày 1-5 cho thấy, tỷ lệ lạm phát lõi tháng 3-2015 (không tính giá thực phẩm tươi dễ biến động) đã tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lần đầu tiên trong 10 tháng qua (kể từ tháng 5-2014 đến nay) được xem là tín hiệu tích cực của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, giữa lúc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) không ngừng nỗ lực để đạt mục tiêu duy trì lạm phát ở mức 2% trong hai năm tới.
Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực kích thích tiêu dùng nội địa. |
Tín hiệu lạc quan nêu trên xuất hiện trong bối cảnh tháng 2-2015, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc lần đầu tiên trong 2 năm đã trở về mức 0% sau khi giảm tháng thứ 7 liên tiếp do giá dầu thế giới giảm và tiêu dùng trong nước chững lại. Nhiều chuyên gia kinh tế khi đó vẫn chưa thực sự lạc quan và nhận định rằng, lạm phát của Nhật Bản có thể tiếp tục giảm trong những tháng tới. Cùng với việc giá dầu thế giới xuống thấp, nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến tình trạng tỷ lệ lạm phát không tăng thời gian qua còn do người tiêu dùng Nhật Bản phải thắt chặt hầu bao sau quyết định tăng thuế tiêu dùng lần đầu từ 5% lên 8% vào tháng 4-2014. Điều này khiến mục tiêu tăng tỷ lệ lạm phát lên 2% trong vòng hai năm tới nhằm hồi sinh tiêu dùng nội địa của chính quyền Thủ tướng S.Abe càng trở nên khó khăn. Chưa hết, tiêu dùng nội địa giảm còn gây lo lắng rằng nền kinh tế Nhật Bản có nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát kéo dài.
Trước những thách thức đó, việc chỉ số CPI của Nhật Bản tăng lần đầu tiên trong 10 tháng qua được các chuyên gia kinh tế nhìn nhận như một tín hiệu tích cực. Niềm lạc quan này gia tăng khi số liệu công bố mới đây của Bộ Tài chính nước này cho thấy, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã đạt thặng dư thương mại lần đầu tiên trong gần ba năm qua nhờ giá dầu thế giới giảm và xuất khẩu sang một số thị trường chủ lực tăng mạnh. Cụ thể, tháng 3-2015, thặng dư thương mại Nhật Bản đạt 229,3 tỷ yên (tương đương 1,9 tỷ USD). Đây là lần đầu tiên thương mại nước này đạt tăng trưởng dương kể từ tháng 6-2012. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường số một là Mỹ- nền kinh tế cũng đang trên đà hồi phục- đã tăng 21,3% lên 1.377 tỷ yên trong tháng thứ bảy liên tiếp, đồng thời nhập khẩu tăng 23,9% với 774,7 tỷ yên. Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng hóa Nhật Bản sang hai thị trường chủ lực khác là Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU) lần lượt tăng 3,9% và 9,1% còn nhập khẩu từ hai thị trường này lần lượt giảm 19,6% và 5,3%. Các chỉ số này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi tài khóa 2014 (kết thúc ngày 31-3) vừa qua, thâm hụt thương mại Nhật Bản ở mức 9.130 tỷ yên (khoảng 76,2 tỷ USD).
Dù chỉ số CPI của Nhật Bản đã tăng lần đầu tiên trong 10 tháng qua, nhưng để nền kinh tế số ba thế giới giữ được đà hồi phục thì vẫn còn nhiều trở ngại phải vượt qua. Trong một phát biểu gần đây, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cho rằng, nền kinh tế Nhật Bản đang hồi phục vừa phải và dự kiến sẽ duy trì xu hướng này khi chính sách nới lỏng tiền tệ của BoJ tiếp tục góp phần ngăn các tác động dự kiến xảy ra đối với xứ sở Hoa anh đào. BOJ dự báo, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong tài khóa 2015 (kết thúc ngày 31-3-2016) sẽ vào khoảng 2%, trong khi lạm phát dự kiến 0,8%. Giới phân tích cho rằng, các nhà hoạch định chính sách BOJ có thể buộc phải mở rộng kế hoạch nới lỏng tiền tệ nhằm nâng giá tiêu dùng và chống lại nguy cơ suy giảm tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.