Lý Sơn - Vững vàng nơi đầu sóng

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:42, 04/05/2015

(HNM) - Lý Sơn là một hòn đảo đẹp, chồng chất các di tích, di chỉ văn hóa gắn với truyền thống bám biển, ra khơi, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và hôm nay đang chuyển mình đi lên mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển...

Tinh thần và quyết tâm thép

Từ nhiều thế kỷ trước, những đội hùng binh từ Lý Sơn đã dong buồm vươn khơi đến các vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa đánh dấu chủ quyền, thu gom sản vật. Bản lĩnh người Lý Sơn từ thế hệ này sang thế hệ khác được tôi luyện trong nắng gió và vị mặn mòi của mênh mông biển cả.

Khai thác hải sản là thế mạnh của người dân trên đảo Lý Sơn.


1. Con tàu An Vĩnh 01 lướt nhanh trên những con sóng đưa chúng tôi đến với Lý Sơn trong một ngày cuối tháng 4 đầy nắng và gió, khi huyện đảo vừa tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng. Lý Sơn dù ở xa đất liền, xa sự chỉ đạo của Đảng nhưng người dân nơi đây đã sớm giác ngộ cách mạng. Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Thanh cho biết: Tháng 2-1931, chi bộ Đảng đầu tiên ở Lý Sơn đã được thành lập, dưới sự lãnh đạo của chi bộ qua các thời kỳ, nhân dân Lý Sơn đã anh dũng đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ cách mạng. Ở thời điểm cách đây 40 năm, khi quân ta giành chiến thắng ở các tỉnh Tây Nguyên, ven biển miền Trung, tàn quân ngụy ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng... chạy ra Lý Sơn, hòn đảo nhỏ có hơn 12.000 quân ngụy, chìm trong cảnh hỗn loạn, cướp bóc... Tổ chức Đảng đã lãnh đạo đồng bào Lý Sơn cất giấu lương thực, cô lập bọn lính và tuyên truyền giáo dục ngụy quân bỏ súng quay về với cách mạng; đồng thời chuẩn bị giải phóng đảo. Vào 4h sáng ngày 31-3-1975, Ban khởi nghĩa phát lệnh vận động toàn dân nổi dậy giành chính quyền. Đến 7h15, 4 quả mìn ta bố trí trên các đỉnh núi nổ vang uy hiếp tàu thuyền của địch bao vây đảo. Cờ giải phóng phất cao trên 5 đỉnh núi và các ngả đường, truyền đơn, áp phích cách mạng được rải và dán khắp nơi. Toàn dân xuống đường hô vang khẩu hiệu chống Mỹ, ngụy, ủng hộ cách mạng và xông vào chiếm lĩnh các cơ quan, đồn bốt của ngụy quân, ngụy quyền, tịch thu tài liệu, vũ khí. Tàn quân ngụy hốt hoảng kéo nhau tháo chạy khỏi đảo, Lý Sơn hoàn toàn giải phóng. Đến thăm mẹ Trần Thị Phẩm - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng duy nhất trên đảo, dù đã ngoài 90 tuổi, mắt đã mờ, nhưng khi nhắc lại thời kỳ đấu tranh mẹ vẫn nhớ rõ. Chồng mẹ hy sinh năm 1962 khi từ miền Bắc quay trở lại chiến trường, người con trai duy nhất của mẹ cũng thoát ly đi theo cách mạng và đã hy sinh năm 1972. Mẹ là đảng viên, tham gia công tác phụ nữ bí mật. Mẹ cho biết, quân địch ác lắm nên mọi người dân đảo đều căm ghét, quyết chiến đấu với chúng.

2. Truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất của người dân Lý Sơn đã phần nào được thể hiện tại Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải, đặc biệt là qua lời giới thiệu của cô gái trẻ Đặng Thị Hiền, hậu duệ đời thứ 15 của Đà công Đặng Văn Siểm, một trong những người lái thuyền của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Tự hào với truyền thống của dòng họ và quê hương nên khi được tham gia giới thiệu tại nhà trưng bày, Đặng Thị Hiền đã dày công nghiên cứu tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau và từ chính các thế hệ đi trước để giúp khách tham quan hiểu hơn về lịch sử Lý Sơn. Ở đảo, từ thế kỷ XVII, chúa Nguyễn đã lập ra Đội Hoàng Sa, hằng năm chọn ra 70 thanh niên trai tráng, chủ yếu là con thứ từ hai làng An Hải và An Vĩnh, dùng 5 thuyền câu ra quần đảo Hoàng Sa để thu lượm sản vật và hóa vật. Sau đó, Đội Hoàng Sa lại được giao kiêm quản Bắc Hải (tên gọi của quần đảo Trường Sa lúc đó) để đi canh giữ và lấy hải vật ở các đảo nộp cho triều đình. Vào tháng Giêng năm Ất Hợi 1815, vua Gia Long đã cử Cai đội Phạm Quang Ảnh - người khai lập dòng họ Phạm Quang trên đảo Lý Sơn ra đảo Hoàng Sa để xem xét, đo đạc hải trình. Phạm Quang Ảnh còn có nhiều chuyến đi ra Hoàng Sa, mỗi năm khởi hành từ tháng Hai Âm lịch và trở về vào tháng Tám trăng tròn. Rồi cũng trong một chuyến đi, cai đội đã mãi mãi không trở về, gửi thân nơi biển xanh. Tiếp đó, vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua Minh Mạng đã sai Phạm Hữu Nhật - là thế hệ thứ tư trong dòng họ Phạm Văn trên đảo Lý Sơn đưa binh thuyền đi, đem theo mười chiếc bài gỗ dựng làm dấu mốc xác lập chủ quyền. Đến nơi, đội của ông đã cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật ở từng điểm đảo. Mỗi lần ra Hoàng Sa, Phạm Hữu Nhật dẫn đầu từ năm đến sáu chiếc thuyền với khoảng mười người trên mỗi thuyền. Chuyến đi Hoàng Sa cuối cùng của Phạm Hữu Nhật là vào năm 1854 và cũng mất tích ngoài biển khơi.

Qua các triều đại phong kiến, người Lý Sơn đã vâng lệnh vua đi canh giữ các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa dù biết hiểm nguy cận kề. Trên đảo vẫn truyền tụng những câu ca nói về hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa như "Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi..." hay "Trường Sa trời biển mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Trường Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề tế lính Hoàng Sa...".

3. Hôm nay, truyền thống yêu nước của người dân Lý Sơn tiếp tục được thể hiện rõ nét trong quyết tâm vươn khơi bám biển. Chúng tôi gặp ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, Lý Sơn, người nhiều năm gắn bó với ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Ông Chinh cho biết, năm 1982, khi mới 28 tuổi đã đảm nhận trọng trách thuyền trưởng đi đánh bắt hải sản tại ngư trường Hoàng Sa. Khi đó, cùng với tàu của ông còn có tàu của các ông Dương Minh Thạnh, Dương Minh Chính, Nguyễn Lợi. Chính bản thân ông và các thuyền viên đã từng bị quân Trung Quốc bắt, đưa lên đảo Phú Lâm rồi đưa về đảo Hải Nam bị giữ gần 3 tháng và được trả về nước sau khi có sự can thiệp của Bộ Ngoại giao. Khi được hỏi vì sao không chỉ ông mà nhiều ngư dân, tàu đánh cá của Lý Sơn đã bị bắt giữ, tịch thu phương tiện... mà vẫn ra khơi bám biển. Ông Chinh cho biết: "Ngư dân chúng tôi nghĩ, cha ông trước đây đã không quản tính mạng để khám phá và bảo vệ ngư trường cho thế hệ hôm nay thì chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ không chỉ vì miếng cơm manh áo hiện tại của mình mà còn để cho con cháu sau này". Cũng từ suy nghĩ như vậy mà khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển thuộc chủ quyền nước ta, nhiều tàu cá Lý Sơn vững vàng nơi đầu sóng, vừa đánh bắt cá, vừa đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Riêng An Hải đã có 9 tàu cá của ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm va, nhưng không lùi bước.

Không chỉ ông Nguyễn Quốc Chinh mà nhiều người dân Lý Sơn dù trẻ hay già, nam giới hay phụ nữ đều có chung suy nghĩ như vậy. Đến thăm nhà ngư dân Hồ Văn Nam (ở thôn Tây, xã An Vĩnh) khi anh đang đi biển, vợ anh là chị Trần Thị Hiệp cho biết, chồng chị luôn khẳng định, dù thế nào cũng phải vươn khơi, bám biển, giữ ngư trường truyền thống. Với chị, mỗi khi anh ra khơi là một lần thấp thỏm lo lắng nhưng chị không ngăn anh, chị nghĩ mình phải lo việc nhà vẹn toàn để anh an tâm làm việc. Thêm một câu chuyện xúc động khi chúng tôi gặp người thân của ngư dân Phạm Quốc Dũng ở thôn Đông, xã An Hải, thuyền viên tàu QNg-96011 TS bị thương khá nặng do tàu của anh bị tàu lạ đâm va. Dù đang nằm trên cáng, sức khỏe rất yếu nhưng anh Dũng vẫn khẳng định quyết tâm tiếp tục bám biển. Lòng tự hào dân tộc và quyết tâm sắt đá bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của người dân Lý Sơn như một mạch ngầm chảy từ đời này sang đời khác, bình dị nhưng vô cùng sâu sắc...

(Còn nữa)

Thành Vinh