“Lưới trời”

Thế giới - Ngày đăng : 07:02, 03/05/2015

(HNM) - Ủy ban Thanh tra kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) mới công bố danh tính 100 quan chức nhà nước ôm tiền trốn ra nước ngoài khi đang bị truy nã. Không chỉ công khai danh tính, trang web của CCDI còn cho đăng tải cả những thông tin cá nhân liên quan đến vị trí công tác,



Việc đưa danh tính hàng loạt quan tham ra ánh sáng công luận là động thái mới nhất trong chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn mang tên "Lưới trời" của Chính phủ Trung Quốc thực hiện từ đầu tháng 4 đến nay. Theo thông tin từ CCDI, trong số 100 quan tham góp mặt tại danh sách đen này, có 66 người được cho là đã bỏ trốn sang Mỹ và Canada. Số còn lại chủ yếu đào tẩu sang các quốc gia như New Zealand, Australia, Thái Lan, Singapore… Hơn một nửa trong số quan tham này là lãnh đạo các cơ quan nhà nước hoặc tập đoàn kinh tế lớn, trốn ra nước ngoài từ năm 1996 đến 2014 và đã bị tòa án ở Trung Quốc khép tội tham nhũng, nhận hối lộ và biển thủ tiền nhà nước. Nhiều nhất trong danh sách này là quan tham đến từ các tỉnh ven biển giàu có như Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tô.

Tên gọi của sáng kiến "Lưới trời" bắt nguồn từ một câu tục ngữ cổ của Trung Quốc có nội dung rằng: Những kẻ phạm tội không bao giờ có thể thoát khỏi công lý. Tiếp nối thành công của chiến dịch "Săn cáo" được triển khai năm 2014, mục tiêu của chiến dịch "Lưới trời" là đưa số công chức nhà nước trốn ra nước ngoài với số tiền tham nhũng hàng tỷ USD về chịu sự trừng phạt của pháp luật. Chiến dịch sẽ nhắm đến các quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển, trong đó có cả những nước chưa ký Hiệp ước dẫn độ tội phạm kinh tế với Trung Quốc. Chiến dịch này có sự tham gia của nhiều cơ quan Chính phủ Trung Quốc bao gồm Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (SPP), Bộ Công an (MPS), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), tức Ngân hàng Trung ương.

Trung Quốc sẽ dốc toàn lực để đập tan các yếu tố tham nhũng, lật mặt các ngân hàng ngầm, tịch thu tài sản bất chính và thuyết phục đối tượng chạy trốn ra nước ngoài quay trở về nước. Theo đó, Bộ Công an nước này sẽ tập trung truy bắt những quan chức tham nhũng ẩn náu ở nước ngoài vì cơ quan này hiện dẫn đầu chiến dịch "Săn cáo", trong khi SPP sẽ truy tố những người tình nghi tham nhũng. Ngoài ra Ngân hàng Trung ương sẽ phối hợp với Bộ Công an điều tra những tội phạm liên quan đến hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài, còn Ban Tổ chức Trung ương sẽ kiểm tra và quản lý giấy tờ công du nước ngoài của các quan chức.

Trung Quốc nghi ngờ 18.000 cán bộ đã trốn khỏi đất nước trong khoảng 20 năm qua mang theo khoảng 129 triệu USD. Phần lớn những người này đã đến Canada, Australia và Mỹ. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2013 đến nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn để giăng lưới bắt giữ các quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp trốn ra nước ngoài. Chiến dịch "Săn cáo" năm ngoái đã đưa được 680 quan chức tham nhũng về Trung Quốc xét xử. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, việc công bố danh tính quan tham sẽ góp phần răn đe số quan chức tham nhũng đang có ý định trốn khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia luật quốc tế cảnh báo việc này khó thực hiện vì trình tự pháp lý phức tạp. Trung Quốc không có Hiệp ước dẫn độ với một số quốc gia có quan tham đang lẩn trốn. Ngay cả khi kẻ chạy trốn đang trú ẩn tại quốc gia có Hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc, việc đưa ai đó trở lại, có thể là một quá trình dài bởi những lo ngại của các nước khác trước việc Trung Quốc áp dụng án tử hình và các luật sư nước ngoài có thể dựa vào đó để bảo vệ cho thân chủ.

Tuấn Minh