Đừng vì cái lợi trước mắt
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:30, 03/05/2015
Lượng khách tăng là điều đáng mừng, không phải vì đợt nghỉ kéo dài 6 ngày mà còn do kinh tế trong nước đã phục hồi, người dân có điều kiện để nghĩ đến chuyện "chơi". Và nữa, những năm gần đây, ngành "công nghiệp không khói" nước ta đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng bền vững. Thế nhưng lượng khách du lịch trong nước tăng đột biến tại nhiều điểm du lịch trong mấy ngày qua đã lộ rõ những bất cập của ngành này, dù tồn tại đã lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để. Nha Trang là thành phố du lịch được quy hoạch khá bài bản, đường phố rộng rãi, vậy mà con đường ven biển vẫn bị ùn ứ từ sáng đến tối vì số lượng du khách đổ về quá lớn. Đây là chuyện chưa từng xảy ra ở thành phố này. Tương tự, trong ngày 30-4, con đường từ TP Thanh Hóa ra bãi biển Sầm Sơn cũng tắc, các phương tiện chen chúc.
Không chỉ hạ tầng giao thông có vấn đề, hạ tầng du lịch cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vào dịp nghỉ lễ. Khách sạn, nhà nghỉ ở các khu du lịch Sa Pa, Phú Quốc, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang… không còn phòng trống. Tại Sa Pa, du khách nước ngoài thậm chí phải cắm lều bạt ngủ ngoài trời. Dân đảo Cù Lao Chàm vui mừng vì khách đến nhiều, cá tôm bán được giá, có thêm thu nhập nhưng lại lo thiếu nước sinh hoạt bởi mùa mưa chưa đến. Song bất cập lớn nhất chính là quan niệm làm du lịch theo kiểu "Cả năm mài dao, vài ngày cắt cổ", "ăn xổi ở thì". Người đi du lịch trong dịp nghỉ lễ bây giờ cũng nhiều kinh nghiệm hơn, họ đặt trước phòng nghỉ, quán ăn để tránh bị ép giá, chặt chém. Thế nhưng, khi đến Sa Pa, có du khách vẫn phải trả thêm tiền phòng nếu không muốn ra đường, giá phòng tăng gấp 4 lần so với ngày thường. Các quán ăn cũng tranh thủ móc túi "thượng đế", giá một bát bún được đẩy lên gấp đôi. Có công ty du lịch "kém miếng khó chịu", không bỏ lỡ cơ hội liền tăng giá vé tàu bán cho khách đi tour dù nhà tàu không tăng giá vé. Điệp khúc tăng giá vào dịp nghỉ lễ năm nào cũng lặp đi lặp lại nhưng chính quyền các địa phương gần như bất lực còn Hiệp hội Du lịch thì… im lặng. Giá cả tăng nhưng chất lượng dịch vụ lại giảm, phòng ở không có nước nóng, ti vi cũ kỹ, tậm tịt, khách không có quyền lựa chọn ăn sáng, khách sạn cho gì phải ăn nấy.
Khi tiền bạc rủng rỉnh, khi áp lực công việc ngày càng lớn thì càng nhiều người có nhu cầu đi du lịch. Đi du lịch để thay đổi không khí, mở mang tri thức mà lại mua thêm bực bội vào người thì còn gì là du lịch nữa? Nếu ngành du lịch không khắc phục bất cập, không bỏ tư duy làm du lịch theo kiểu "mùa vụ" thì chắc chắn "thượng đế" sẽ chọn các tour đi nước ngoài. Và thiệt hại đầu tiên chính là ngành du lịch, thứ đến là đất nước mất ngoại tệ và kéo theo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Đừng vì cái lợi trước mắt, hãy nhìn xa hơn!