Dân chỉ tin cán bộ khi lời nói đi đôi với hành động

Xã hội - Ngày đăng : 06:25, 03/05/2015

(HNM) - Có thời điểm, do buông lỏng công tác lãnh đạo, để xảy ra vi phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, tập thể Đảng ủy xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) và nhiều cán bộ lãnh đạo, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, niềm tin của người dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương bị giảm sút.


Hơn hai năm qua, kết hợp nhiều biện pháp như kiện toàn đội ngũ cán bộ, tăng cường đối thoại với nhân dân, Liên Hiệp đã dần ổn định, việc dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới được bà con đồng thuận thực hiện, đạt kết quả tốt. Cuộc trao đổi của Báo Hànộimới với Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp Tô Văn Sáng sẽ phần nào làm sáng tỏ những bài học kinh nghiệm đã áp dụng hiệu quả tại địa phương này.

Ông Tô Văn Sáng, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hiệp.



Phải chấp nhận khó khăn

- Là Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phúc Thọ được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã, tiếp đó kiêm Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp đúng vào thời điểm tình hình địa phương rất phức tạp, hệ thống chính trị hoạt động kém hiệu quả, niềm tin của người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương giảm sút, đó có là một thử thách lớn đối với ông?

- Khi nhận nhiệm vụ, phần nào tôi đã ý thức được những khó khăn mình sẽ phải đương đầu, đồng thời cũng cảm nhận được sự tin tưởng cũng như trọng trách cấp trên giao phó nên tự nhủ mình phải cố gắng rất nhiều.

- Vào thời điểm ông được điều chuyển về địa phương (tháng 9-2013), tình hình thực tế như thế nào?

- Trước hết là trình độ đội ngũ cán bộ ở cơ sở không đồng đều, một số đồng chí hạn chế cả về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức quản lý nhà nước; tinh thần tự phê bình và phê bình rất hạn chế; tính chiến đấu, tính tiền phong, gương mẫu của nhiều cán bộ, đảng viên rất yếu, còn có biểu hiện ngại khó, né tránh các vụ việc phức tạp; công tác tuyên truyền kém hiệu quả; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; công tác xử lý các vụ việc có lúc chưa kịp thời, để xảy ra vi phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng và bảo vệ môi trường, tập thể Đảng ủy và 10 cán bộ lãnh đạo, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật. Công tác lãnh đạo hệ thống chính trị có thời điểm hiệu quả thấp, sự phối kết hợp của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chưa đồng bộ, nhất là trong tuyên truyền, giải quyết, xử lý những vướng mắc, kiến nghị của công dân, dẫn tới khiếu kiện kéo dài, tập trung đông người, gây mất ổn định địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh chính trị và đời sống của nhân dân…

- Như vậy là có quá nhiều việc phải làm, nhất là khi người dân chưa đặt trọn niềm tin vào cách thức giải quyết của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở, trong khi ông lại không phải là người của địa phương, yếu tố này là thuận lợi hay khó khăn?

- Không riêng tôi, mọi cán bộ luân chuyển đều phải mất khá nhiều thời gian nắm tình hình địa phương và đội ngũ cán bộ cơ sở, chưa kể nếu ở địa phương nào còn có tư tưởng "cục bộ" chắc chắn ít nhiều đều có ảnh hưởng, tác động không tốt tới công việc. Tuy nhiên, với một "điểm nóng" như xã Liên Hiệp, cán bộ luân chuyển có lợi thế là không bị chi phối bởi các quan hệ dòng tộc, họ hàng và cũng không liên quan đến những sai phạm trước đó, cho nên việc xem xét, giải quyết những vấn đề người dân bức xúc sẽ khách quan hơn.

Thật sự cầu thị, lắng nghe người dân

- Đâu là công việc ông lựa chọn đầu tiên để tập trung thực hiện?

- Việc đầu tiên tôi làm là gần dân, thực sự cầu thị, lắng nghe những điều bà con phản ánh, kiến nghị để nắm bắt tình hình tại sao phức tạp, nguyên nhân xuất phát từ đâu. Khi tìm được đúng "nút thắt" sẽ có cách thức giải quyết vấn đề. Tôi đã quán triệt với tập thể Đảng ủy, UBND xã là không được phép "trốn tránh" người dân, phải tiếp xúc với người dân để hiểu những điều bà con đang băn khoăn, thắc mắc. Phải làm vậy vì nhiều việc trước đó, người dân rất khó gặp cán bộ để phản ánh. Đúng là có những việc khó, phức tạp, nhưng cán bộ không thể viện cớ "tránh mặt" người dân mãi được. Như vậy chỉ làm cho bức xúc của bà con thêm dồn nén.

- Lắng nghe người dân là quan trọng, song vẫn chưa đủ, điều bà con cần là cách thức xử lý của những người có trách nhiệm đối với từng việc, từng vấn đề mà người dân có ý kiến?

- Tôi và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, cán bộ phụ trách các mảng việc đã trực tiếp đối thoại với từ 15 đến 20 người đại diện cho từng cụm dân cư. Các buổi đối thoại đều được truyền thanh trực tiếp cho nhân dân toàn xã theo dõi. Tổng hợp lại có 13 nhóm vấn đề bà con thắc mắc, kiến nghị. Việc gì thuộc thẩm quyền, chúng tôi đề ra lộ trình giải quyết dứt điểm - đến nay đã có nhiều vấn đề về văn hóa, vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế đã được giải quyết. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, chúng tôi cũng giải thích, trả lời rõ để nhân dân hiểu. Ví dụ điển hình là việc người dân kiến nghị xã chia đất vượt 5%, vấn đề này Luật Đất đai không cho phép, chúng ta phải tuyên truyền để bà con nắm được đầy đủ tinh thần của luật pháp.

- Để làm được như ông vừa nêu chắc chắn không đơn giản?

- Nói thì ngắn gọn như vậy , nhưng thực hiện không hề đơn giản. Anh em chúng tôi nhiều khi phải thức cả đêm để chuẩn bị tài liệu, căn cứ theo quy định của pháp luật cũng như biện pháp giải quyết của chính quyền cơ sở đối với từng vấn đề mà bà con thắc mắc, kiến nghị. Có những buổi đối thoại với các cụm dân cư kéo dài từ 8h sáng đến hơn 1h chiều, bà con không còn ý kiến gì nữa mới kết thúc.

- Ở đây, bài học mà Đảng ủy xã rút ra từ thực tế là gì?

- Như tôi đã nói, trước hết là phải gần dân, lắng nghe dân, nếu không được dân tin, dân ủng hộ, cho dù tập thể Đảng ủy hay cấp trên có ủng hộ đến mấy mình cũng không làm được. Bên cạnh đó, phải coi hiệu quả của việc đối thoại là thước đo tâm trạng của người dân mà trong quá trình lãnh đạo, quản lý rất cần. Thứ hai, muốn để dân tin, cán bộ phải thực sự làm gương, nói đi đôi với làm. Ví dụ đã nói là họp với dân thì bất luận vấn đề gì dân chưa hiểu, cán bộ trả lời ngay, đừng để sau khi kết thúc cuộc họp nhân dân vẫn lăn tăn vì vấn đề của mình chưa được trả lời thỏa đáng. Thứ ba là người đứng đầu phải quyết đoán, khách quan, công tâm, làm việc với tinh thần trách nhiệm để đảng viên và nhân dân thấy được những việc làm của cấp ủy, chính quyền là vì lợi ích của tập thể và nhân dân.

Để người dân đồng thuận, tin tưởng

- Tình hình của Liên Hiệp đã ổn định. Đặc biệt, dù có chậm hơn so với các xã trong huyện, song Liên Hiệp đã hoàn thành tốt việc dồn điền đổi thửa. Theo ông, cách nào để nhân dân có được sự đồng thuận và quyết tâm triển khai?

- Không phải từ đầu người dân đã ủng hộ ngay việc dồn điền đổi thửa, vì một bộ phận bà con còn thiếu lòng tin, quen cách làm ăn tồn tại đã lâu, có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí còn vận động các hộ dân khác không thực hiện dồn điền đổi thửa. Chúng tôi đã chỉ đạo các tiểu ban của 10 cụm dân cư, căn cứ vào phương án dồn điền đổi thửa của xã để xây dựng phương án dồn điền đổi thửa của từng cụm, từ đó xin ý kiến đóng góp của nhân dân để hoàn chỉnh cho phù hợp thực tế, bảo đảm sự công bằng. Những vấn đề các hộ dân còn thắc mắc thì lãnh đạo xã và cụm dân cư phải có ý kiến, trả lời ngay. Cần tuyên truyền để bà con hiểu, lợi ích là thuộc về người dân cũng như quyết tâm của chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện. Kết quả, 100% các hộ dân đều đồng tình và tự nguyện ký bàn giao toàn bộ diện tích của gia đình mình cho địa phương để dồn điền đổi thửa.

- Lợi ích của việc dồn điền đổi thửa là thấy rõ, tuy nhiên trong thực hiện nhiều nơi thiếu sự minh bạch, công bằng nên không tránh khỏi việc người dân có ý kiến vào ra. Vậy ở Liên Hiệp thì sao?

- Để thể hiện quyết tâm "nói đi đôi với làm", chúng tôi đã xin chủ trương của huyện đồng ý cho triển khai đào đắp mới và hoàn thành tuyến đường, kênh mương mới với tổng chiều dài 30,5km, phù hợp với phương án dồn điền đổi thửa, thuận tiện cho việc canh tác, sản xuất của nhân dân. Chứng kiến những con đường giao thông nội đồng vừa to, vừa đẹp và bảo đảm ruộng nhà nào cũng gần đường, gần mương, bà con phấn khởi lắm. Được dân đồng tình ủng hộ, chúng tôi quyết tâm đẩy nhanh tiến độ. Chưa đầy một tháng (từ trung tuần tháng 1 đến đầu tháng 2-2015), UBND xã chỉ đạo 10 cụm dân cư đồng loạt tổ chức gắp phiếu nhận vị trí và giao ruộng ngoài thực địa cho 1.700 hộ (đạt 100%), với tổng diện tích 199ha. Thay vì có nhiều thửa manh mún, nay mỗi hộ cơ bản chỉ còn một thửa ruộng lớn. Đáng nói, nhiều hộ còn xung phong nhận các thửa ruộng xấu để chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao giá trị canh tác.

Cán bộ phải làm đúng và sáng tạo

- Có thể thấy Đảng ủy, UBND xã đã vận dụng kinh nghiệm chỉ đạo vào thực tiễn địa phương một cách sáng tạo. Ông có nghĩ như vậy không?

- Muốn dân tin, dân đồng thuận thì khi triển khai bất cứ chủ trương, chính sách nào đều đòi hỏi cán bộ phải làm đúng và vận dụng sáng tạo, phù hợp vào tình hình địa phương. Từ những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua gây ra những hệ lụy đáng tiếc, tập thể Đảng ủy xã Liên Hiệp đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là phải tích cực đổi mới công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thực sự nghiêm túc, sâu rộng để mỗi cán bộ, đảng viên hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của từng chủ trương, từ đó huy động được sức mạnh tổng hợp, sự đồng thuận và tự nguyện tham gia; đồng thời chủ động vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, để xây dựng thành từng chương trình, kế hoạch công tác đúng, trúng, hiệu quả cao. Tiếp đó là đổi mới phương pháp, phong cách lãnh đạo, điều hành khoa học, tập trung, quyết liệt; lãnh đạo toàn diện, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo thực hiện có điểm mới, điểm nhấn. Mặt khác cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt, giải quyết vấn đề ngay từ cơ sở; chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và tính tiền phong, gương mẫu, tự phê bình và phê bình của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đặc biệt là cần mở rộng dân chủ, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân; giữ vững kỷ cương, kỷ luật; động viên và khơi dậy ý chí cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và đồng thuận xã hội, phát huy các nguồn lực, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ.

- Dồn điền đổi thửa là một việc khó nhưng xã Liên Hiệp đã làm được, liệu trong năm 2015 này địa phương có hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới?

- Xã Liên Hiệp bước vào thực hiện xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế, xã hội thiếu đồng bộ. Vì vậy chúng tôi đã chọn các tiêu chí dễ làm, ít vốn đầu tư trước; các tiêu chí cần nhiều vốn và khó thì tập trung làm sau. Sau hơn một năm triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới của xã giai đoạn 2012-2020, đến nay Liên Hiệp đã có 7 tiêu chí đạt là: Quy hoạch xây dựng nông thôn mới, bưu điện, nhà ở dân cư, tỷ lệ hộ nghèo, điện, thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm. Có 8 tiêu chí cơ bản đạt, còn 4 tiêu chí chưa đạt là: Trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, môi trường. Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện để sớm về đích, tuy nhiên không thể nóng vội, chủ quan.

Dù làm việc gì thì công tác cán bộ cũng rất quan trọng. Cán bộ ở Liên Hiệp từng người vẫn luôn phải nỗ lực, rèn luyện và phấn đấu vì lợi ích của người dân cũng như lợi ích chung của địa phương. Để xảy ra những việc thời gian trước, trong khuyết điểm chung của tập thể cũng có trách nhiệm của từng cá nhân. Nếu đồng chí nào không cố gắng thì chắc chắn khó nhận được sự tín nhiệm, tin tưởng của bà con và đảng viên.

- Cảm ơn ông đã trao đổi với Hànộimới!

Thái Sơn - Bình Yên