Việt Nam mở Trung tâm điều trị Đau sau phẫu thuật
Sức khỏe - Ngày đăng : 20:06, 02/05/2015
Thành phần Hội đồng tư vấn cấp cao cho Trung tâm điều trị Đau gồm các giáo sư đến từ Mỹ và Hàn Quốc, trong đó trực tiếp có mặt của Giáo sư Sinh Scott – Khoa Gây mê hồi sức – Trường ĐH Harvard, giáo sư Salahadin Abdi – Trưởng khoa Đau – Trung tâm Ung thư - ĐH Texas, giáo sự Neelakantan Sunder – Trưởng khoa Gây mê hồi sức bệnh viện Massachusetts, Mĩ và giáo sư Kyung- Hoon Kim từ đại học PuSan, Hàn Quốc.
Các giáo sự Mỹ trực tiếp giúp bác sĩ Việt Nam hội chuẩn và điều trị Đau tại bệnh viện SAIGON- ITO – TP Hồ Chí Minh. |
Giáo sư Salahadin Abdi – Trưởng khoa Đau, Trung tâm ung thư Đại học Texas, Mĩ cho biết: “Tại Mĩ có 80% ca bệnh bị đau sau mổ, trong đó 86% bị đau trung bình và dữ dội. Nếu không có các kĩ thuật trị đau sau phẫu thuật, trị đau cho bệnh nhân ung thư, bệnh nhân bị chấn thương phải mổ chỉnh hình sẽ dẫn đến chấn thương về mặt tâm lý, kéo dài thời gian điều trị. Do đó, các kĩ thuật can thiệp giảm đau, giúp bệnh nhân giảm tác hại đau đớn và đẩy nhanh quá trình chữa bệnh”.
Hiện nay, trên thế giới đã phát triển nhiều kĩ thuật kiểm soát đau cho người bệnh , trong đó kĩ thuật điều trị đau can thiệp đã có nhiều bước tiến quan trọng mang lại những lợi ích đáng kể cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tại Việt Nam đây là lĩnh vực khá mới mẻ, và cần phải học tập, bồi dưỡng kiến thức từ các nền y khoa tiên tiến trên thế giới. Dịp này, các bác bác sĩ ở các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh được các giáo sư từ trường đại học Harvard cùng hội Đau TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề điều trị đau can thiệp trong phẫu thuật thần kinh cột sống và ung thư xương khớp.
Tại buổi làm việc các giáo sư Mỹ đã trực tiếp trao đổi thông tin, cập nhập kiến thức mới và thực hiện các biện pháp can thiệp, trực tiếp cho các bác sĩ Việt Nam học tập kinh nghiệm điều trị đau cho bệnh nhân.
Đây không phải là lần đầu tiên Hiệp hội Quốc tế nghiên cứu về Đau( IASP) giúp đỡ Việt Nam. Từ năm 2008 đến nay đã có hơn 30 bác sĩ gây mê hồi sức Việt Nam được trở thành thành viên của tổ chức nghiên cứu giảm đau thế giới thông qua chương trình hỗ trợ thành viên miễn phí của IASP.
Với sự giúp đỡ của IASP, vấn đề điều trị giảm đau cho bệnh nhân tại Việt Nam được đẩy mạnh hơn, nhiều đơn vị giảm đau ra đời, nhiều kĩ thuật giảm đau sẽ được áp dụng góp phần phát triển chuyên ngành giảm đau tại Việt Nam trong thời gian tới.