Truy phong quân hàm trước niên hạn với 2 phi công hy sinh vụ Su - 22

Chính trị - Ngày đăng : 08:45, 02/05/2015

Bộ Quốc phòng vừa có quyết định truy phong quân hàm trước niên hạn đối với 2 phi công Lê Văn Nghĩa và Nguyễn Anh Tú, hy sinh trong vụ 2 máy bay Su - 22 va chạm nhau trên không trong khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu.


Quá trình gặp nạn của 2 chiếc máy bay Su - 22.



Theo Quyết định, truy phong quân hàm trước niên hạn từ Trung tá lên Thượng tá đối với liệt sĩ phi công Lê Văn Nghĩa (nguyên Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937); truy phong quân hàm trước niên hạn từ Đại úy lên Thiếu tá đối với liệt sĩ phi công Nguyễn Anh Tú (nguyên Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn Không quân 937).

Trước đó, vào trưa ngày 16/4, 2 chiếc máy bay Su - 22 của Trung đoàn 937, thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) đang bay huấn luyện trên vùng biển gần đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận thì mất liên lạc với Sở Chỉ huy lúc 11h30 phút cùng ngày.

Hai phi công gặp nạn là Trung tá Lê Văn Nghĩa, lái máy bay Su - 22 số hiệu 5857, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn 370 và phi công Nguyễn Anh Tú, điều khiển máy bay Su - 22 số hiệu 5863, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, các lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khẩn trương vào cuộc tìm kiếm. Đến chiều ngày 28/4, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm được bộ phận dẫn đường của máy bay Su-22, tìm thấy phần thân máy Su-22 mang số hiệu 5857 và thi thể phi công Lê Văn Nghĩa, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937.

Tiếp đó, ngày 1/5, lực lượng tìm kiếm tiếp tục trục vớt được một phần thân máy bay Su-22 và tìm thấy thi thể phi công Nguyễn Anh Tú, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937; đưa về thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận).

Theo thông tin từ lực lượng chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, thi thể của phi công Nguyễn Anh Tú được tìm thấy cách vị trí tìm thấy thi thể của phi công Lê Văn Nghĩa khoảng 200m. Đồng thời 2 chiếc hộp đen của 2 chiếc máy bay Su – 22 cũng được tìm thấy.

Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, về cơ bản đã xác định được 2 máy bay gặp sự cố là do va chạm trên không. Việc giải mã hộp đen trong thời gian tới sẽ giúp cơ quan chức năng xác định rõ thời điểm hai máy bay va chạm, độ cao, vận tốc bay…, để làm rõ hơn nguyên nhân tai nạn.

Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, các vụ tai nạn hàng không tương tự không phải là trường hợp hy hữu trên thế giới trong quá trình luyện tập, biểu diễn. Ở một số nước trong thời gian gần đây cũng đã từng xảy ra tai nạn máy bay như vậy khi bay quá gần nhau.

Theo thông tin từ Quân chủng Phòng không – Không quân, sáng 3/5, Quân chủng Phòng không – Không quân sẽ phối hợp với Quân khu 7 tổ chức Lễ viếng, truy điệu đối với hai phi công Lê Văn Nghĩa và Nguyễn Anh Tú đã tử nạn trong vụ máy bay Su – 22 gặp nạn tại vùng biển Bình Thuận ngày 16/4, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh). Lễ an táng sẽ được tổ chức tại Nghĩa trang liệt sĩ quê nhà (Hà Nội và Hải Phòng) theo nguyện vọng của gia đình hai phi công.

Theo Tuấn Hợp