Nhiều nỗ lực chăm sóc, bảo vệ quyền lợi người lao động
Đời sống - Ngày đăng : 07:07, 01/05/2015
Tổ chức Công đoàn cần phối hợp với các cơ quan chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Ảnh: Nhật Nam |
Đất nước ta tuy đã trải qua gần 30 năm đổi mới, nhưng việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ công đoàn vẫn còn nhiều khó khăn. Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới từ xuất phát điểm quá thấp về quản lý kinh tế, khoa học, công nghệ; 80% công nhân lao động (CNLĐ) xuất thân từ nông nghiệp, nông thôn, trình độ nghề nghiệp rất thấp, tác phong sản xuất nông nghiệp vẫn tồn tại... khiến hoạt động của tổ chức Công đoàn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, những năm gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn đã dẫn tới đời sống của CNLĐ vốn khó khăn càng thêm khó khăn. Lợi dụng tình hình đó, nhiều doanh nghiệp đã yêu cầu NLĐ làm việc từ 9 đến 10 giờ/ngày, không có ngày nghỉ, khiến công nhân không còn thời gian cho học tập, sinh hoạt văn nghệ, đọc báo, nghe đài… nâng cao nhận thức, trình độ.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh, phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, củng cố hoạt động của tổ chức Công đoàn để bảo vệ hiệu quả quyền lợi chính đáng, hợp pháp của CNLĐ là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn hiện nay. Trong đó, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp, thu hút nhiều lao động trên cả nước, gánh vác trọng trách lớn lao. Thực hiện nhiệm vụ đó, các cấp Công đoàn Thủ đô đã nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo nhằm vượt qua khó khăn và đã đạt kết quả tốt ở nhiều nội dung, nhiệm vụ mới và khó. Các cấp Công đoàn thành phố thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực, tạo điều kiện cho cán bộ Công đoàn nâng cao trình độ nghiệp vụ, nhận thức, kỹ năng thương lượng, hòa giải tranh chấp lao động và xây dựng thỏa ước lao động tập thể tại cơ sở; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… Từ các hoạt động này, thực tế điều hành hoạt động của tổ chức Công đoàn cơ sở đã có nhiều chuyển biến, thực chất hơn, nắm chắc tâm tư, tình cảm của CNLĐ, tạo thành cầu nối vững chắc giữa người sử dụng lao động và NLĐ, xử lý kịp thời, hiệu quả các vướng mắc từ khi mới phát sinh.
Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (LĐLĐ thành phố) Kiều Hùng khẳng định, từ những chuyển biến về phương thức và nội dung hoạt động, Công đoàn cơ sở đã đi sâu, đi sát, làm tốt hơn nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ, nhận thức cho CNLĐ; làm tốt công tác phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện các chế độ, chính sách trong doanh nghiệp như lương, thưởng, BHXH, BHYT, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ… Bên cạnh đó, các phong trào thi đua "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo", phong trào phấn đấu đạt danh hiệu "Công nhân giỏi", "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô", "Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động" được đẩy mạnh trong CNLĐ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, làm lợi ngày càng nhiều cho NLĐ, doanh nghiệp và xã hội. Đây cũng là tiền đề để doanh nghiệp cải thiện mức tiền lương, thưởng, ưu đãi về ngày nghỉ, tổ chức các hoạt động văn hóa, TDTT cho CNLĐ. Thực tế này đã được chứng minh tại nhiều đơn vị như: Công ty TNHH May Phù Đổng (Gia Lâm), Công ty TNHH Canon Việt Nam (Đông Anh), Công ty TNHH Điện tử Meiko (Thạch Thất)… Tại các cơ sở này, quyền lợi của NLĐ về lương, thưởng, BHXH, BHYT được bảo đảm, NLĐ được đi tham quan, du lịch, có số ngày nghỉ nhiều hơn so với quy định của luật, được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, TDTT. Ở đâu Công đoàn cơ sở làm tốt vai trò, chức năng của mình, là cầu nối vững chắc giữa người sử dụng lao động và NLĐ, xây dựng tốt quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp, ở đó quyền lợi của NLĐ bảo đảm, kết quả sản xuất - kinh doanh tăng cao. Quan trọng hơn, các vướng mắc, mâu thuẫn giữa người sử dụng lao động và NLĐ được giải quyết kịp thời tại cơ sở, vừa bảo đảm quyền lợi của NLĐ vừa giúp các hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN tốt hơn. Và quan trọng là không để xảy ra đình công, biểu tình, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên toàn thành phố.
Đón đầu xu thế hội nhập kinh tế sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới, các cấp Công đoàn thành phố đang nỗ lực củng cố đội ngũ cán bộ, thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, hoàn thiện công tác chuẩn bị để có thể khởi kiện các doanh nghiệp cố tình trốn và nợ đóng BHXH, BHYT; giải quyết kịp thời các cuộc tranh chấp lao động; tích cực tham gia sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm quyền lợi của NLĐ trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp… Hy vọng, những cố gắng nỗ lực của tổ chức Công đoàn sẽ giúp cho đời sống vật chất - tinh thần của NLĐ Thủ đô tiếp tục có nhiều cải thiện, quyền lợi chính đáng của CNLĐ sẽ được bảo đảm hơn.
Những năm qua, LĐLĐ thành phố đã có nhiều hoạt động đạt hiệu quả cao ở một số nội dung, nhiệm vụ như: Phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở theo phương thức mới từ nhu cầu của NLĐ, thành lập Công đoàn cơ sở ghép từ các doanh nghiệp cùng ngành nghề, xây dựng Công đoàn khối các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trực thuộc LĐLĐ quận… Năm 2014, LĐLĐ thành phố đã thành lập mới được 476 Công đoàn cơ sở, đạt 119% kế hoạch đề ra, kết nạp 45.214 đoàn viên, đạt gần 108% kế hoạch năm. Bước sang năm 2015, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tính đến hết tháng 4, LĐLĐ thành phố đã thành lập mới được 165/400 Công đoàn cơ sở, đạt 41,25% kế hoạch năm, kết nạp 10.689 đoàn viên, đạt 25,36% kế hoạch năm 2015. Công tác phát triển đoàn viên, thành lập mới Công đoàn cơ sở được gắn liền với củng cố chất lượng hoạt động, nhằm bảo vệ hiệu quả quyền lợi chính đáng của NLĐ. |