Những “trục xương sống” của hệ thống truyền tải điện

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:51, 01/05/2015

(HNM) - Tháng 5-1994, đường dây 500kV mạch 1 được đưa vào vận hành đúng dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm 40 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-1994).


Việc đưa điện từ miền Bắc vào được xem là giải pháp "chi viện" cho miền Nam và miền Trung khi ấy đang phải đương đầu với những "cơn khát" điện triền miên. 10 năm sau, đường dây 500kV mạch 2 được đưa vào vận hành đúng dịp kỷ niệm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4-2005), góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện ở miền Bắc trong thời gian 2005-2008. Sau 10 năm, cũng vào dịp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, đường dây 500kV mạch 3 đóng điện thành công và được đưa vào vận hành. Hơn 20 năm qua, hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam đã và đang ngày càng phát huy hiệu quả.

Bảo dưỡng đường dây 500kV Bắc - Nam.Ảnh:Ngọc Hà



Chấm dứt "đói" điện

Tình trạng thiếu điện ở miền Nam ngày càng gay gắt, ngay tại TP Hồ Chí Minh, vào mùa khô phải luân phiên cắt điện tới 5 lần/tuần. Miền Trung cũng rơi vào tình trạng "đói điện". Toàn miền Nam chủ yếu được cấp điện bằng các nguồn điện nhỏ, rải rác; một phần được cấp điện từ các hệ thống điện Bắc và Nam bằng những đường dây dài quá tiêu chuẩn nên chất lượng điện áp thấp. Để giải quyết điện cho miền Nam và miền Trung lúc đó chỉ có 2 giải pháp: Một là, xây lắp gấp những tổ máy tuabin khí chu trình đơn, dùng dầu DO, giá thành không dưới 1.100 đồng/kWh, trong đó chủ yếu là chi phí nhiên liệu. Với nhu cầu vài ba tỷ kWh một năm, khoản lỗ của ngành điện sẽ rất lớn - điều không thể chấp nhận trong cơ chế kinh tế mới. Hai là, xây dựng hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam tận dụng nguồn thủy điện và nhiệt điện (than) ở miền Bắc. Giải pháp này chỉ có ý nghĩa nếu rút ngắn được thời gian, khi phụ tải điện miền Bắc còn thấp hơn khả năng nguồn điện. Thời cơ này là có hạn vì nhu cầu điện của miền Bắc cũng ngày càng tăng trong khi nguồn điện không được bổ sung.

Xuất phát từ hoàn cảnh trên và căn cứ những tính toán của ngành chức năng, Chính phủ đã quyết định xây dựng hệ thống tải điện 500kV Bắc - Nam trong thời gian 2 năm. Quyết định táo bạo này đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Bên cạnh niềm phấn khởi về sự phát triển vượt bậc của ngành điện, niềm hy vọng về thoát khỏi cảnh thiếu điện là những mối hoài nghi về phương tiện kỹ thuật, sự mạo hiểm về thời gian và nguồn vốn… Công trình đã được khởi công vào ngày 5-4-1992. Hai năm sau ngày khởi công, vào ngày 5-4-1994, toàn bộ đường dây, phần 1 của các TBA 500kV, phần lớn thiết bị của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và của hệ thống thông tin đã được giao cho bên vận hành thực hiện các thí nghiệm dưới điện áp, chuẩn bị cho công việc khởi động toàn hệ thống tải điện 500kV. Công việc được tiến hành khẩn trương và chính xác, thí nghiệm hòa điện đã thành công vào ngày 27-5-1994.

Hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc -Nam đã phát huy ngay vai trò trong hệ thống điện lực. Điện năng cung cấp cho miền Nam và miền Trung đã được truyền tải qua hệ thống này, theo đó năm 1994 là 988GWh, năm 1995 là 2.813GWh. Riêng TBA 500kV Phú Lâm, năm 1995 đã nhận 2.005GWh, nhiều hơn điện năng phát trong cùng năm của hai nhà máy thủy điện Trị An và Thác Mơ cộng lại. Tình trạng "đói" điện đã được chấm dứt. Điện năng cung cấp cho miền Trung tăng thêm 43%, chất lượng điện áp được cải thiện rõ rệt. Hệ thống tải điện 500kV Bắc- Nam đã đáp ứng 30% nhu cầu điện năng của miền Nam. Vào mùa khô, tỷ trọng này lên tới 40%. Nhờ có hệ thống tải điện 500kV, ngành điện lực đã có khả năng đáp ứng được tốc độ tăng trưởng phụ tải nhanh chóng của hệ thống điện miền Nam bằng nguồn điện có giá thành thấp hơn; năng lực của các nhà máy điện miền Bắc lúc bấy giờ đã sớm được phát huy. So sánh sản lượng điện năm 1995 và năm 1993 cho thấy, các nhà máy nhiệt điện than tăng 2,62 lần; Thủy điện Hòa Bình tăng 1,35 lần. Có nhiều yếu tố tác động vào sự gia tăng trên nhưng trong đó yếu tố có hệ thống tải điện 500kV là quan trọng nhất.

Việc đưa hệ thống tải điện 500kV Bắc - Nam vào vận hành không chỉ tiếp thêm sức mạnh phát triển KT-XH cho miền Trung và miền Nam mà còn thổi một luồng sinh khí mới cho các nhà máy điện ở miền Bắc, đồng thời còn là bước trưởng thành quan trọng của ngành điện lực Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành và hợp tác quốc tế.

Thương hiệu Việt trong xây dựng công trình điện

Theo dự báo, nhu cầu sử dụng điện của các tỉnh miền Bắc từ năm 2005 tăng trưởng rất cao. Thời điểm cao nhất, miền Bắc sẽ thiếu khoảng 600MW. Việc gấp rút xây dựng và đưa vào vận hành đường dây 500kV mạch 2 là một chủ trương đúng của Chính phủ, bởi không chỉ khắc phục tình trạng thiếu điện cho miền Bắc, mà còn tăng cường độ an toàn và tin cậy của hệ thống điện quốc gia. Vì chạy song song với mạch 1 nên những vị trí có địa hình đẹp, mạch 1 với lợi thế đi trước đã "chiếm" từ 10 năm nay rồi. Mạch 2 phải vào sâu hơn. Công trình đường dây 500kV mạch 2 về đích sớm, với chất lượng cao là kết quả từ sự nỗ lực vượt bậc của các đơn vị tham gia dự án, trong đó phải kể đến công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo của EVN và cơ chế mềm dẻo của Chính phủ. Đường dây 500kV mạch 2 là một cơ hội thử thách tài năng, trí tuệ của những người thợ điện Việt Nam. "Trục xương sống" thứ hai trong hệ thống điện Việt Nam ra đời không chỉ có ý nghĩa KT-XH to lớn mà còn khẳng định "thương hiệu Việt" trong xây dựng công trình điện.

Đầu năm 2013, sau khi cân đối cung cầu EVN đã nhận thấy tình hình cung cấp điện sẽ khó khăn cho khu vực miền Nam. Nhiều nơi đã bị mất điện cục bộ do quá tải đường truyền. Trong mùa khô năm 2013, đã có 2 đợt ngừng cung cấp khí là Nam Côn Sơn và Tây Nam Bộ để bảo dưỡng. Theo kế hoạch, năm 2014 EVN sản xuất và mua 143,619 tỷ kWh điện, tăng 9,57% so với năm 2013, với sản lượng này sẵn sàng đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn so với dự kiến tăng trưởng. Tuy nhiên, do một số công trình nguồn điện phía Nam vào chậm tiến độ nên khả năng sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện ở miền Nam. Để đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển KT-XH và không ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế miền Nam, đường dây 500kV mạch 3 (Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông) được gấp rút triển khai, hoàn thành trong điều kiện khó khăn về giải phóng mặt bằng và thời tiết khắc nghiệt của Tây Nguyên. Ngày 5-5-2014, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã đóng điện thành công, đưa vào vận hành an toàn đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông. Việc đóng điện và đưa vào vận hành công trình trọng điểm cấp bách đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đúng tiến độ có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm truyền tải điện an toàn, ổn định từ miền Bắc vào miền Nam, kịp thời cung ứng đủ điện cho sinh hoạt và phát triển KT-XH của miền Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng ngay trong mùa khô năm 2014-2015 và những năm tiếp theo.

Cùng với đường dây 500kV "mạch 1" và "mạch 2", việc đưa vào vận hành kịp thời đường dây 500kV "mạch 3" Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông góp phần tạo tiền đề liên kết lưới điện khu vực Đông - Tây Nam Bộ, bảo đảm vận hành hệ thống điện an toàn, kinh tế trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng ở mức độ cao giữa các vùng - miền trên cả nước, với sản lượng truyền tải đường dây 500kV Bắc - Nam từ khi đi vào vận hành (từ 1995 đến 2014) là 299,87 tỷ kWh. Trong đó, năm 2014 truyền tải cao nhất từ trước tới nay với sản lượng là 42,72 tỷ kWh, góp phần quan trọng đối với tăng trưởng nền kinh tế trong giai đoạn tương ứng.

Thanh Mai