Thành phố phương Nam trong lòng người Hà Nội
Đời sống - Ngày đăng : 06:50, 30/04/2015
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hàng nghìn người con Hà Nội đã lên đường vào Nam theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn, có những người đã đến đích, nhưng cũng có nhiều người đã ngã xuống ngay cửa ngõ thành phố, khi độc lập, thống nhất đã gần kề… Nặng tình với mảnh đất phương Nam, những người lính Hà Nội ở lại xây dựng và kiến thiết lại thành phố trong suốt 40 năm qua.
Chia sẻ những khoảnh khắc Hà Nội. |
Bà Lương Minh Tâm (tổ 77, phường 9, quận Phú Nhuận) là một trong những người như thế. Năm 1972 khi vừa 24 tuổi, người con gái sinh ra ở quận Hoàn Kiếm vào Nam công tác tại TƯ Cục miền Nam. Một ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà Tâm và đồng đội đã đặt chân lên Sài Gòn, tiếp quản Nha chiến tranh chính trị của chính quyền ngụy. Bà Tâm vẫn còn nhớ những cảm xúc trong ngày chiến thắng, với niềm vui không thể nói nên lời. Bà Tâm cho biết: Mặc dù tàn dư của chính quyền cũ vẫn còn, nhiều nơi vẫn có những phần tử chống đối, nhưng hầu hết người dân Sài Gòn rất quý bộ đội. Cuộc sống trong thành phố sung sướng hơn tại chiến khu, nhưng người lính Cụ Hồ không vì thế mà mắc vào cám dỗ vật chất.
Sau ngày giải phóng, thành phố vẫn còn tàn tích, bà Tâm chuyển về công tác tại Viện kiểm sát quân sự Quân khu 7, với nhiệm vụ thu thập tài liệu, thư tịch và kiểm soát đăng ký của sĩ quan chế độ cũ. Cũng trong những ngày đó, bà đã nên duyên với người bạn đời hiện tại là ông Đinh Viết Tự (quê Hòa Bình) - sĩ quan điều tra hình sự Quân khu 7. Mối lương duyên khiến ông bà gắn bó với mảnh đất phương Nam. Chia sẻ về quyết định ở lại sinh sống và công tác tại TP Hồ Chí Minh sau giải phóng, bà Tâm cho biết: Cũng như nhiều đồng đội từ miền Bắc vào khi đó, ông bà rất yêu quý thành phố này mặc dù những ngày đầu tiên sau giải phóng còn nhiều bộn bề khó khăn. "Chúng tôi coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình", bà Tâm nói. Những năm tháng khó khăn qua đi, ông bà Tâm càng yêu quý thành phố hơn.
Trong thời khắc Sài Gòn được giải phóng, ông Phan Văn Bảo (số 67/8 Trần Khát Chân, phường 9, quận Phú Nhuận) - chàng thanh niên phố hàng Bạc đang tu nghiệp sư phạm tiếng Nga tại Liên Xô cảm thấy thiệt thòi rất lớn khi không được ở trong nước, nhưng ông cảm thấy rất tự hào khi được bạn bè quốc tế đến chia vui cùng với thành quả vừa đạt được.
Năm 1978, ông Bảo về nước và lập gia đình rồi vợ chồng ông cũng theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường vào Nam. Những ngày đầu vào TP Hồ Chí Minh còn nhiều khó khăn, cùng với nỗi nhớ tuổi thơ Hà Nội, ông Bảo cũng có không ít lo lắng, nhưng ông vẫn quyết tâm bám trụ và là một trong những nhà giáo xây dựng nên khoa tiếng Nga của Đại học SP TP Hồ Chí Minh lúc bấy giờ. Dù xa Hà Nội đã lâu, nhưng gia đình ông Bảo vẫn giữ những thói quen của người Hà Nội và vẫn thường cùng bạn bè nhớ về đất văn hiến ngàn đời.
Là Chủ tịch Hội đồng hương Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh, bà Huỳnh Thị Mỹ Thành (79/1 Trần Huy Liệu, phường 12, quận Phú Nhuận) cũng được điều động từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh công tác sau giải phóng (từ năm 1978). Sau nhiều lần ra Bắc vào Nam, năm 1984 vợ chồng bà Thành đã quyết định vào định cư tại thành phố này. "Những năm đầu tại TP Hồ Chí Minh cũng không khỏi nhớ nhà nhất là vào những dịp Tết vì Tết miền Nam không giống như miền Bắc", bà Thành chia sẻ. Bà Thành cho rằng Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển mạnh mẽ.