Ký ức không phai
Đời sống - Ngày đăng : 06:27, 30/04/2015
Thiếu tá Phan Văn Hợi - nguyên sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Do yêu cầu của chiến trường, ta tiến hành thi công đường ống theo đường 18 sang Lào, bắt đầu từ Long Đại vào Cẩm Ly (Lệ Thủy, Quảng Bình) rồi vượt các đèo cao 400m, 700m, 900m đến bản Ra Mai gần sông Sê Păng Hiêng đi tiếp vào bản Cò tỉnh Xanavakhet (nước bạn Lào) rồi xuống đường 9. Thi công dưới làn mưa bom của Mỹ, nhiều cán bộ, kỹ sư đã anh dũng hy sinh. Không nản chí, các kỹ sư trẻ của Đại học Bách khoa Hà Nội lại tính toán đưa ống "trèo" qua đỉnh Trường Sơn. Bằng đôi vai của các chiến sĩ, 7.000 ống và hàng chục tấn thiết bị máy móc, bể cao su được đưa vào tuyến... Chỉ trong vòng 7 năm, từ 1968 đến 1975, chúng ta đã xây dựng và vận hành hệ thống đường ống xăng dầu 4.990km từ biên giới Việt - Trung đến tận miền Đông Nam bộ. Dòng sông ngầm ấy đã đưa 328.000m3 xăng dầu qua Trường Sơn thấm đẫm máu và lửa của lòng nhiệt tình, ý chí sắt đá, khát vọng độc lập tự do của cả dân tộc trong đó có nhiều sinh viên Hà Nội.
Đại đội phó kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng, người đã vinh dự cùng đồng đội trên xe tăng 390 tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975: 8h30 ngày 30-4-1975, xe tăng 390 của chúng tôi có mặt tại đầu cầu Sài Gòn. Lúc này lực lượng xe tăng của ta bị địch phản kích mạnh, xe tăng do đồng chí Ngô Quang Nhỡ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 đã bị địch bắn cháy, đồng chí Nhỡ hy sinh. Ngay sau đó, phát hiện xe tăng M48 của địch vượt sang bên này cầu, xe tăng 390 đã nổ súng tiêu diệt tại chỗ. Lúc này, máy bay A37 của địch ném bom dữ dội, chặn bước tiến của ta.
Trong tình thế đó, sau khi thống nhất với các đồng đội, xe tăng 390 của chúng tôi nhanh chóng vượt cầu Sài Gòn để tiến vào Dinh Độc Lập. Khi tiến gần ngã tư Hàng Xanh, có hai xe tăng bọc thép M113 của địch lao ra liền bị chúng tôi tiêu diệt tại chỗ rồi nhấn ga vọt lên, đâm thẳng, húc tung cổng chính của Dinh Độc Lập tiến thẳng vào sân. Nhìn thấy lá cờ giải phóng tung bay trên nóc nhà Dinh Độc Lập, khi lời đầu hàng của Dương Văn Minh phát trên loa, ngay lập tức nhiều người dân Sài Gòn đã đổ xuống đường mừng vui chiến thắng. Tất cả đều vỡ òa trong niềm vui, nước mắt chiến thắng.