Hànộimới trong ngày 30-4-1975
Chính trị - Ngày đăng : 06:01, 30/04/2015
Trong căn nhà nhỏ ở phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội), cựu chiến binh, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Hànộimới Công Nghĩa Hoàn chậm rãi kể: "Trời Hà Nội ngày 30-4-1975 như rực rỡ hơn, ngập tràn nắng và gió nhẹ. Những tin vui từ chiến trường liên tục dội về khiến Bờ Hồ những ngày này náo nhiệt lạ thường. Ngày ấy, nhật báo ở Hà Nội chỉ có Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hànộimới nên thông tin báo đưa ra rất được trông đợi. Đây cũng là nguồn tin quan trọng để tuyên huấn cung cấp tới người dân. Sáng 30-4, tại khu vực đền Bà Kiệu, Tuyên huấn Quân khu Thủ đô đang nói chuyện với nhân dân về các cánh quân đang tiến về giải phóng Sài Gòn. Mọi người lúc đó hồ hởi lắm vì ai cũng mong đợi ngày đất nước thống nhất".
Trong ngày 30-4, phóng viên Báo Hànộimới đã tỏa ra mọi con phố phản ánh không khí Thủ đô trong ngày Đại thắng. Ảnh tư liệu |
- Không khí của báo ở "tổng hành dinh" 44 Lê Thái Tổ lúc đó như thế nào, thưa bác? - tôi hỏi.
- "Khi đó tôi đang là phóng viên theo dõi ngành nông nghiệp. 40 năm rồi nhưng thời khắc lịch sử đó dường như mới xảy ra hôm qua". Ông kể tiếp: "Sáng 30-4, như có linh cảm, Tổng Biên tập Hồng Lĩnh dặn anh em trực phải hết sức chú ý nghe tin tức từ chiến trường miền Nam. Do phương tiện truyền thông lúc đó rất hiếm nên chiếc radio của Tổng Biên tập là nguồn cung cấp tin nhanh nhất. Khoảng 10h, không ai bảo ai, gần 2/3 trong tổng số 60 người của báo xúm lại phòng ông Hồng Lĩnh nghe tin tức. Ai nấy như muốn nuốt từng lời phát thanh viên. Đến đúng 12h trưa, Đài Tiếng nói Việt Nam dõng dạc thông báo: "11h30 hôm nay 30-4-1975, Quân Giải phóng đã hoàn toàn làm chủ Sài Gòn, tiến vào dinh Độc Lập và nội các ngụy quyền Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện". Nghe đến đây, một cảm giác vỡ òa mà không ngôn từ nào có thể diễn đạt hết niềm vui của những người có mặt lúc đó... Rất nhanh, Tổng Biên tập Hồng Lĩnh chỉ đạo các kíp phóng viên tỏa đi viết về không khí chiến thắng ở các đơn vị, địa phương để kịp thời đăng tải trên số báo ra ngày 1-5".
Chỉ sau khi Đài Tiếng nói Việt Nam loan tin chiến thắng chừng vài phút, đột nhiên đường phố Hà Nội sôi động hẳn lên. Các phương tiện giao thông và dòng người nườm nượp kéo về xung quanh Bờ Hồ, đến chỗ Nhà thông tin và tiện đường tạt sang đường Lý Thường Kiệt - trụ sở của TTXVN, nơi duy nhất có thông tin chiến sự ở Hà Nội ngày ấy. Không ai bảo ai, cờ Tổ quốc xuất hiện nhanh chóng tung bay trên các đường phố Thủ đô. Hầu như nhà nào cũng cắt cử người dọn nhà, cắm cờ. Đặc biệt, từ khách sạn Metropole, khách nước ngoài đổ ra cửa. Họ vẫy chào những người Hà Nội qua lại phố Ngô Quyền như muốn chia sẻ niềm vui ngày đại thắng với nhân dân Hà Nội, với người Việt Nam. Đây đó trong thành phố chốc chốc lại vang lên từng tràng pháo rộn rã mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Cũng theo lời ông Công Nghĩa Hoàn, trước 30-4-1975, ngay sau Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, không khí làm việc tại Báo Hànộimới đã rất khẩn trương. Dưới sự chỉ đạo của Tổng Biên tập Hồng Lĩnh, báo đã có hẳn một bộ phận chuyên trách tuyên truyền về giải phóng miền Nam. Ban nào cũng có người tham gia bộ phận này. Ngoài tin do TTXVN phát ra, Báo Hànộimới cử nhiều phóng viên xuống cơ sở ghi nhanh sự hồi sinh ở những nơi bom Mỹ từng gây tội ác như: Khu phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai và những nơi con em Hà Nội đang đi sơ tán... "Các phóng viên theo dõi nông nghiệp, y tế, công nghiệp xuống các nhà máy, công trường, đồng ruộng, nông trường... phản ánh khí thế thi đua tăng gia sản xuất, hoàn thành kế hoạch được trên phân bổ xuống. Chính không khí sản xuất hăng say đó góp phần làm nên sự tin tưởng vào ngày toàn thắng của dân tộc" - ông Hoàn kể.
Ngày 1-5-1975, cùng với những tờ nhật báo lớn khi đó, Báo Hànộimới đăng bài xã luận "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng". Dòng tin in chữ đỏ đậm "Hà Nội tràn ngập cờ và khẩu hiệu rền vang tiếng chào mừng Sài Gòn giải phóng. Hàng chục vạn quần chúng phấn khởi đổ ra đường tuần hành, ca múa tới tận đêm khuya". Những ngày sau đó, báo liên tục đăng tải các tin, bài về tình hình miền Nam, chủ yếu tại các đô thị - ổn định cuộc sống, đón chào chính quyền cách mạng. Ngày 3-5-1975, lần đầu tiên, miền Bắc gửi 61.000 bản báo vào TP Hồ Chí Minh, trong đó có Báo Hànộimới.