Bình ổn thị trường, kích thích tiêu thụ nội địa

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:03, 29/04/2015

(HNM) - Để thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động (CVĐ)

Chương trình không chỉ góp phần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, kích thích tiêu dùng nội địa, mà còn nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa, ổn định thị trường, bình ổn giá cả phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao tại Hội chợ Giảng Võ. Ảnh: Thái Hiền


Chương trình "Tuần hàng Việt" do Sở Công thương Hà Nội phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm tổ chức ngày 26-4 là chương trình mở đầu cho chương trình "Tuần hàng Việt" tại 30 quận, huyện, thị xã trên toàn TP Hà Nội trong năm 2015. Tại quận Bắc Từ Liêm, chương trình "Tuần hàng Việt" được tổ chức bên lề lễ hội Bơi Đăm tại Chợ hoa Tây Tựu, với quy mô 2.000m2, trong đó diện tích bán hàng khoảng 800m2, tương đương khoảng 60 gian hàng của 40 doanh nghiệp (DN), cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm hàng Việt chất lượng tốt, giá hợp lý với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, rượu bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, hóa mỹ phẩm, dệt may, da giày, dược phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề, sản phẩm đặc sản vùng miền…

Theo Sở Công thương Hà Nội, qua chương trình "Tuần hàng Việt", ngành công thương sẽ cùng các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho người tiêu dùng mua được hàng hóa đa dạng về chủng loại với chất lượng bảo đảm, giá hợp lý. Đồng thời, hỗ trợ các DN SXKD mở rộng hệ thống phân phối, quảng bá các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn năm 2015, ngoài việc triển khai 30 "Tuần hàng Việt", Sở Công thương Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức đưa khoảng 500 chuyến hàng lưu động, phiên chợ hàng Việt về phục vụ nhân dân các huyện ngoại thành, vùng nông thôn và các xã miền núi; Tổ chức cho các DN tiêu thụ sản phẩm tại 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Để thực hiện tốt kế hoạch trên, Sở Công thương Hà Nội cùng Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và các đơn vị thành viên chịu trách nhiệm thực hiện khoảng 120 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhân dân các huyện, thị xã trên địa bàn; Công ty cổ phần Intimex Việt Nam thực hiện bán hàng tại huyện Thanh Trì; Công ty TNHH MTV Lan Chi Business thực hiện ở các xã vùng xa, miền núi thuộc huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất; Công ty TNHH TMQT và DVST Big C Thăng Long thực hiện tại các huyện Thanh Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức, Thường Tín, Hoài Đức, Đan Phượng, Ứng Hòa…

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hapro cho biết, phát triển thị trường nông thôn là một trong những bước đi quan trọng giúp DN chiếm lĩnh thị trường nội địa. Tuy nhiên, do tại vùng sâu, vùng xa, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, việc đưa hàng về những khu vực này không phải dễ dàng, nên chỉ những DN thật sự vì cộng đồng mới nỗ lực đưa hàng về thị trường nông thôn, miền núi. Thời gian qua, Hapro đã liên kết chặt chẽ với các DN thương mại mua hàng với số lượng lớn để giảm giá hàng hóa, qua đó kích cầu tiêu dùng, đồng thời, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống tổng kho dự trữ hàng hóa, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, góp phần bình ổn giá, nhất là những thời điểm tăng đột biến về nhu cầu như dịp lễ, tết. Thực tế cho thấy, việc tổ chức những chuyến hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện giúp DN thay đổi định hướng kinh doanh, duy trì đà tăng trưởng, đồng thời tạo điều kiện cho người dân mua được hàng bảo đảm chất lượng, giá phù hợp. Quan trọng hơn, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn đã góp phần tạo cơ hội cho thương hiệu Hapro có được tình cảm và sự tin cậy của người dân Thủ đô.

Để hàng Việt chiếm lĩnh sâu hơn thị trường nông thôn, miền núi, ngoài sự nỗ lực của cộng đồng DN, Hà Nội đang lên kế hoạch đầu tư mạnh cho hệ thống phân phối, nhất là hệ thống thương mại khu vực ngoại thành, nông thôn và miền núi, nhằm thu hút DN đưa nhiều hàng hóa Việt chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Thanh Hiền