Tái hiện một phong trào cách mạng
Văn hóa - Ngày đăng : 06:55, 29/04/2015
Hơn 150 hình ảnh, tài liệu, hiện vật về sự ủng hộ, đoàn kết của các tổ chức quốc tế, các hội nghị, tòa án quốc tế và gần 50 quốc gia thuộc Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Đại Dương với nhân dân Việt Nam thời kỳ 1954-1975 đã được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đúng dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chia sẻ kỹ hơn về việc lựa chọn trưng bày chuyên đề này, TS.Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng nhấn mạnh: "Sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân các nước XHCN, các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng công lý và hòa bình trên thế giới càng khẳng định cuộc kháng chiến chính nghĩa của quân và dân ta. Qua đó, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, vận dụng đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, đoàn kết quốc tế, sáng tạo và linh hoạt".
Khách tham quan phòng trưng bày chuyên đề. |
Có rất nhiều hiện vật, tài liệu, hình ảnh quý được trưng bày dịp này. Đó là Quyển chữ ký dày 185 trang, in tiếng Bungari, do nhân dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Vác Na, Bungari ký tên trong phong trào ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đó là lá cờ mà Bảo tàng Cách mạng Việt Nam dùng lấy chữ ký của các đại biểu dự Hội nghị Ủy ban Công đoàn Quốc tế đoàn kết với nhân dân lao động và đồng bào miền Nam, Việt Nam họp tại hội trường Ba Đình, Hà Nội, tháng 10-1963. Bên cạnh đó, có rất nhiều bức tranh cổ động do các quốc gia, tổ chức phát hành tại Liên Xô (cũ), Cuba, Thụy Điển, Phần Lan, Đức, Italia, Hungari để cổ vũ Việt Nam chiến đấu chống Mỹ trước 1975 được trưng bày. Người xem cũng đặc biệt ấn tượng với bộ ba tác phẩm điêu khắc làm từ vỏ máy bay B52 của họa sĩ người Pháp gốc Việt - Lê Bá Đảng với tiêu đề "Đầu trâu", "Con chuồn chuồn", "Lưỡi dao đâm lên trời", mang thông điệp ca ngợi hòa bình và cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam… Nhiều bạn trẻ tham quan Phòng trưng bày đã lặng ngắm chân dung Noman Morison - chàng trai người Mỹ đã tự thiêu tháng 1-1965 để phản đối chiến tranh, hay hình ảnh, hiện vật về việc Helga - Alice Hertz (Mỹ) gửi lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh trước khi tự thiêu tháng 3-1965. Hơn mọi lời nói, những tài liệu, hình ảnh, hiện vật trưng bày đã phần nào tái hiện một cách chân thực, khách quan về phong trào nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ Việt Nam, tạo nên sức mạnh to lớn, góp phần vào thắng lợi về chính trị, quân sự, ngoại giao, làm nên đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975.
Một sự tình cờ càng làm cho buổi khai trương trưng bày chuyên đề thêm nhiều ý nghĩa, đó là sự góp mặt của các đại biểu đại diện các tổ chức quốc tế đã có những ủng hộ vô tư, quý báu cho Việt Nam trong thời gian chiến tranh 1954-1975, do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam mời tới dự. "Đây là một cơ hội lớn cho những người làm công tác bảo tàng như chúng tôi, thông qua sự gặp gỡ này, chúng tôi có thể liên lạc với các cá nhân, bạn bè quốc tế ở nước ngoài, sưu tầm thêm nhiều tài liệu từ các cựu binh. Tin rằng những kỷ vật - ví như cuốn nhật ký của những người lính đã đi qua chiến tranh và nhìn lại sẽ đọng lại những câu chuyện đầy tình người" - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Vũ Mạnh Hà bày tỏ.
Nhìn lại ký ức sống động một thời, có thể thấy bên cạnh mặt trận chiến đấu khốc liệt, cuộc chiến tranh nhân dân toàn diện của ta còn diễn ra trên mặt trận ngoại giao, tư tưởng, trong đó, sự ủng hộ của nhân dân thế giới là một nguồn sức mạnh to lớn đưa đất nước ta đến thắng lợi phi thường. Vậy nên, không cần lời giải thích, bản thân những câu chuyện từ các hiện vật đã đủ sức khơi dậy niềm tự hào, xây dựng quan điểm, cách nhìn về Việt Nam. Như chia sẻ của Phó Giám đốc Vũ Mạnh Hà, "tái hiện hình ảnh quá khứ là một cách để tri ân, cũng là sự tin tưởng bạn bè quốc tế sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong công cuộc xây dựng hòa bình, phát triển đất nước".