Nhiều phương án chủ động chống ngập
Đời sống - Ngày đăng : 06:37, 29/04/2015
Dồn dập chống ngập, thông dòng
UBND TP Hồ Chí Minh cho biết vừa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án kênh Hàng Bàng, nhất là khâu giải phóng mặt bằng để chậm nhất đến tháng 1-2016 có thể khởi công đào lại dòng kênh đã bị lấp từ năm 2000 này. Đây được xem là một trong những dự án khai thông dòng chảy, chống ngập quy mô lớn của thành phố trong 5 năm tới. Khoảng 15 năm trước, đoạn kênh Hàng Bàng từ đường Bình Tiên đến Phạm Đình Hổ dài khoảng 600m bị ô nhiễm nặng nên chính quyền TP Hồ Chí Minh đã đưa ra giải pháp lấp đoạn kênh lại bằng việc lắp đặt cống hộp. Theo ước tính của các cơ quan chuyên môn, để đào lại 600m đoạn kênh bị lấp này, thành phố sẽ phải giải tỏa khoảng 900 hộ dân sống dọc hai bên dòng kênh. Dự án đào lại kênh Hàng Bàng thuộc gói thầu K, Dự án cải thiện môi trường nước thành phố (giai đoạn 2). Việc giải tỏa, đào lại kênh Hàng Bàng sẽ trải qua ba giai đoạn và dự kiến hoàn thành vào năm 2020 với kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng.
Một vụ sạt lở làm đổ sập hàng chục ngôi nhà tại Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. |
Trước đó, TP Hồ Chí Minh đã chính thức khánh thành đưa vào vận hành bờ kè và cống kiểm soát triều cường chống ngập trên địa bàn phường 7 và phường 16, Quận 8. Ông Lê Quỳnh Đài, Phó Chủ tịch UBND Quận 8 cho biết, dự án đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả trong việc giảm ngập cho khu vực phường 7, phường 16, Quận 8 và một phần Quận 6 với khoảng 18.000 hộ dân sinh sống. Dự án giúp hạn chế thấp nhất những thiệt hại xảy ra khi ngập do triều cường, mưa; đồng thời dự án còn góp phần chỉnh trang đô thị, chống sạt lở đất tại khu vực rạch Bà Tàng, kênh Tàu Hủ và rạch Ruột Ngựa. Gần đây, ngày 22-4, TP Hồ Chí Minh cũng đã khánh thành và đưa vào vận hành 12 công trình bờ bao phòng chống triều cường bằng nhựa UPVC tại Quận 12. Đây là 12 trong tổng số 32 công trình xây dựng với chiều dài hơn 34km dọc sông Sài Gòn do thành phố đầu tư cho công tác phòng chống lụt bão từ đầu năm 2014, với tổng nguồn vốn hơn 900 tỷ đồng. Sau khi các công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ phát huy tác dụng ngăn triều cường, chống sạt lở bảo vệ cho khoảng 4.720 hộ dân sinh sống tại đây cùng với khoảng 2.350ha diện tích hoa màu.
Còn tại huyện Cần Giờ, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, cho đến thời điểm này, Cần Giờ đã đầu tư nhiều công trình phòng chống thiên tai, bão lũ như công trình kè chống sạt lở bờ sông Lòng Tàu; kè chống sạt lở bờ sông khu vực Hàng Hải; duy tu, sửa chữa kè đá trung tâm xã Thạnh An; kè chống sạt lở bờ sông khu dân cư An Hòa... Hiện tại, huyện đang trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp đê biển Cần Giờ với mục tiêu bảo đảm an toàn cho dân sinh, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng nguy cơ nước biển dâng do bão, triều cường và những tác động xấu của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, qua các cơn bão, nhân dân trên địa bàn huyện đã chủ động xây dựng, sửa chữa cải tạo nhà ở kiên cố, trang bị các thiết bị an toàn trên ghe thuyền, tiếp nhận thông tin cảnh báo... bằng chính nguồn kinh phí của mình nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đầu tư trang thiết bị
Trong những năm qua, với diễn biến cực đoan của biến đổi khí hậu, triều cường và nước biển dâng đã ảnh hưởng rất lớn đến TP Hồ Chí Minh, nhất là ở những khu vực trũng thấp, vùng ven đô thị. Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, nên phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thành phố đã, đang và tiếp tục nghiên cứu, lập kế hoạch đầu tư các dự án nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, nhiệm vụ cấp bách là chống ngập khu vực nội thành lẫn ngoại thành. Nhiều công trình ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu như hoàn thành 350km bờ bao chống triều cường, vận hành gần 1.100 van ngăn triều giúp giảm ngập úng cho hơn 14.800ha với khoảng 33.220 hộ dân. Theo đó, trọng điểm là thực hiện xây dựng đê bao bờ hữu sông Sài Gòn (đoạn từ sông Vàm Thuật đến sông Kinh), bờ tả sông Sài Gòn và các cống kiểm soát triều trên địa bàn thành phố như Rạch Tra, Vàm Thuật, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Sông Kinh, Kinh Lộ…
Trong giai đoạn tới, UBND TP Hồ Chí Minh đang dự thảo để ban hành kế hoạch ứng phó sự cố do thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020. Trong kế hoạch này, ngay trong năm 2015 sẽ tập trung trang bị bổ sung, thay thế các thiết bị hư cũ; ưu tiên trang bị công cụ thiết yếu, thông dụng đáp ứng nhu cầu tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại các vùng trọng điểm thiên tai. Từ năm 2016 - 2020, thành phố sẽ từng bước đầu tư các loại thiết bị chuyên dụng đặc biệt. Còn trong trường hợp khẩn cấp, ngoài việc trưng dụng trang thiết bị đã được đầu tư trang bị, thành phố sẽ chủ trương thuê phương tiện, trang thiết bị cần thiết của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị từ nguồn lực của mọi thành phần xã hội để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ đề ra.