Dân tộc Việt Nam là một!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 29/04/2015
Ngày Giỗ Tổ cũng là ngày mọi người dân Việt Nam cùng sát lại bên nhau trong nghĩa "đồng bào". Người Việt Nam dù sinh sống, làm việc tại bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng là một phần máu thịt của Việt Nam, cũng có trách nhiệm xây dựng một Việt Nam cường thịnh, đủ sức sánh vai với các nước trên thế giới.
Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một! Trong những ngày tháng gian nan nhất của nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhãn quan đặc biệt đã nhìn nhận, đánh giá rất rõ tiềm năng và vị thế của đồng bào ta ở nước ngoài. Người đã vận động nhiều trí thức từ bỏ phú quý, giàu sang nơi đất khách, về nước, lên chiến khu, ra bưng biền, thể hiện trách nhiệm của một công dân Việt Nam với vận mệnh dân tộc. Những giáo sư Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước... đã có những đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu, góp phần xây dựng nền tảng cho nhiều ngành khoa học ở Việt Nam.
Với rất nhiều lý do, nhiều người Việt Nam đã phải rời xa Tổ quốc, hiện nay có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đã sinh sống, học tập và làm việc ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tự thân cộng đồng đã phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có những đóng góp không nhỏ đối với đất nước mà đồng bào đang sinh sống. Vị thế được khẳng định, ở nhiều quốc gia, người Việt có tầm ảnh hưởng rất lớn. Và có thể nói, "chất xám" luôn là thế mạnh của người Việt Nam ở nước ngoài. Hiện có hơn 400.000 người có trình độ đại học và trên đại học, trong đó có nhiều chuyên gia và kỹ thuật viên tay nghề cao. Có thể nói đây là nguồn lực to lớn của đất nước, đặc biệt trong thời đại kinh tế tri thức.
Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều chính sách tạo sức thu hút, tạo niềm tin, khuyến khích đồng bào ở nước ngoài góp phần xây dựng đất nước. Thực tế, hằng năm đều có khoảng hơn 300 lượt trí thức kiều bào (chủ yếu từ các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản...) ở nhiều lĩnh vực như công nghệ hạt nhân, thông tin, sinh học, vật liệu mới, quy hoạch kiến trúc, nông nghiệp... về nước làm việc. Trong đó, có nhiều trí thức tên tuổi đã định cư hoặc làm việc lâu dài ở các viện nghiên cứu, trường đại học, công ty tại Việt Nam. Lượng kiều hối về Việt Nam cũng tăng nhanh theo thời gian, năm 2014 vào khoảng 10 tỷ USD...
Có thể nói, chúng ta đã làm được rất nhiều trong việc xây dựng chính sách, tạo hành lang pháp lý, bảo vệ quyền lợi của đồng bào. Chúng ta cũng đã chủ động mở rộng tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả những người còn có định kiến với chế độ, kêu gọi họ trở về quê hương... Thế nhưng, để nguồn lực Việt Nam ở nước ngoài chảy về nước, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, vẫn còn nhiều việc phải làm. Có thể nhắc lại: Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một! Chân lý ấy trường tồn cùng dân tộc Việt Nam. Đồng bào dù đang sinh sống trên dải đất hình chữ S bên bờ Biển Đông hay bất cứ nơi đâu trên thế giới đều có chung nguồn cội, đều có trách nhiệm đền ơn tiên tổ đã có công dựng nước.
Xây dựng đất nước Việt Nam cường thịnh sánh vai cùng các quốc gia trên thế giới chính là nguyện ước của mỗi người dân và của cả dân tộc Việt Nam!