Xác định rõ tiêu chí để phân quyền
Chính trị - Ngày đăng : 08:15, 28/04/2015
Khó giám sát khi không có hội đồng nhân dân
Đã có một thời gian, Quốc hội quyết định thí điểm "bỏ" HĐND tại một số quận, huyện, xã, phường. Việc thí điểm này xuất phát từ nhiều đề nghị, trong đó có cả ý kiến của cử tri phản ánh HĐND một số cấp hoạt động kém hiệu quả, không thể hiện được vai trò giám sát, không đại diện được cho ý chí, nguyện vọng và ý kiến của người dân. Tuy nhiên, sau một thời gian thí điểm, cử tri và các đại biểu QH cũng nhận ra rằng, việc bỏ mô hình HĐND tại một số cấp địa phương cơ sở không phải là bản chất của vấn đề. Chính vì vậy, qua thảo luận tại Quốc hội, đa số đại biểu đề nghị tiếp tục duy trì, luật hóa quy định về cấp chính quyền địa phương có HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả đơn vị hành chính, kể cả nông thôn và đô thị. Các đại biểu cho rằng, mặc dù đã có nhiều cơ quan có chức năng giám sát nhưng nếu không có HĐND, nhất là ở cấp cơ sở, vai trò giám sát của nhân dân chưa được thể hiện đầy đủ.
Về vấn đề này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cơ quan thẩm định dự án luật này cũng có quan điểm khẳng định, việc tổ chức chính quyền địa phương theo phương án duy trì HĐND các cấp thể hiện sự thống nhất giữa việc phân chia đơn vị hành chính với việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đó. Nếu vẫn tổ chức UBND với các nhiệm vụ, quyền hạn riêng (như cách đang thực hiện thí điểm) trong khi lại không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính phường, xã thì trên thực tế gần như là các công việc của chính quyền vẫn triển khai đều ở cả 3 cấp nhưng lại thiếu cơ chế giám sát của cơ quan dân cử. Mặt khác, cũng có ý kiến băn khoăn cho rằng sử dụng tên gọi UBND để chỉ cơ quan hành chính đơn thuần, không do nhân dân địa phương hoặc HĐND - là người đại diện cho nhân dân địa phương bầu ra là không phù hợp.
Quy định rõ thực quyền và thực việc
Mặc dù tán thành việc giữ nguyên mô hình chính quyền địa phương, song không ít đại biểu thẳng thắn cho rằng, chính quyền tại nhiều địa phương hoạt động chưa hiệu quả. Chính vì vậy, quan điểm của cơ quan thẩm định Luật Tổ chức chính quyền cơ sở là luật cần quy định rõ các nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện để thực hiện phân quyền, phân cấp cho địa phương, cơ chế ủy quyền cũng như trách nhiệm cụ thể của các cấp chính quyền trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khi được phân quyền, phân cấp hay ủy quyền nhằm làm cơ sở để các luật chuyên ngành có thể cụ thể hóa vấn đề này ở từng loại đơn vị hành chính.
Để HĐND có thực quyền, thực lực, theo đại biểu Trần Xuân Hùng (Đoàn Hà Nam), cần phải tăng cơ cấu đại biểu chuyên trách HĐND cấp quận, huyện, xã, phường, đồng thời làm rõ quyền hạn của HĐND. Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình) cũng đồng tình với việc tăng đại biểu HĐND chuyên trách, tăng cường đưa các đồng chí trong cấp ủy địa phương vào các ban của HĐND. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần luật hóa cơ cấu đại biểu chuyên trách trên tổng số đại biểu HĐND, không để tăng biên chế. Luật cũng cần cụ thể hóa nội dung HĐND phải được tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương như ngân sách, tham gia thành lập, tổ chức bộ máy cấp thôn, làng, tổ dân phố...
Khi tiếp cận với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, không ít đại biểu cho rằng đây là dự án luật phức tạp, liên quan đến những vấn đề mang tính cốt lõi của hệ thống hành chính... Vì vậy, ngoài việc xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo cũng xin phép được tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tiến hành rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thuộc chính quyền địa phương trong các luật chuyên ngành, bám sát Hiến pháp và các văn kiện của Đảng, đặc biệt là các nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ chế đặc thù đối với các thành phố trực thuộc trung ương và một số địa phương để có thể thể hiện rõ hơn trong dự thảo luật theo hướng nói trên. Sự thận trọng đó được cho là nhằm hoàn thiện luật, thể hiện được những quan điểm chủ đạo là xây dựng chính quyền địa phương vì dân, do dân...