"Quyền được chết" và "quyền được sống thật": Gây nhiều tranh cãi
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:46, 27/04/2015
“Quyền được chết” và “quyền được sống thật” đang có nhiều luồng ý kiến trong dư luận. Ảnh: Thái Hiền |
Vẫn "vượt rào" để được "sống thật"
Trên thế giới hiện có 20 nước trong số 200 quốc gia, vùng lãnh thổ thừa nhận việc CĐGT. Riêng tại khu vực Châu Á có 5 nước thừa nhận cho phép chuyển giới, đó là Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Nepal và Thái Lan. Còn tại Việt Nam, hiện nay pháp luật chưa cho phép thực hiện chuyển giới. Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Sức khỏe môi trường y tế, hiện có khoảng nửa triệu người có xu hướng giới tính không trùng với giới tính hiện có. Do vậy, dù pháp luật chưa công nhận nhưng vì khát khao được sống với giới tính thật, nhiều người vẫn "vượt rào" để phẫu thuật CĐGT. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 1.000 người Việt Nam đã ra nước ngoài thực hiện CĐGT.
Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, tại dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi do Quốc hội đưa ra lấy ý kiến có 2 phương án, một là không cho phép, không thừa nhận CĐGT tại Việt Nam và thứ hai là trong một số trường hợp đặc biệt thì có thể thực hiện việc CĐGT, được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật. Hiện Bộ Y tế chưa có văn bản chính thức về đề xuất công nhận CĐGT nhưng cá nhân tôi nghiêng về phương án cần thừa nhận cho người chuyển giới tại Việt Nam. Bởi trên thực tế trong những năm qua, dù luật pháp có cấm nhưng những người có nguyện vọng vẫn tìm cách phẫu thuật "chui" để đạt mong muốn. Thậm chí, bất chấp cả tác hại do sử dụng hormone thường xuyên ở người đã hoàn thiện giới tính, nay tác động để chuyển nam thành nữ, nữ thành nam nên người chuyển giới có thể bị nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh ung thư, tuổi thọ cũng bị ảnh hưởng. "Hậu quả là họ sẽ gặp vô vàn những rắc rối, rủi ro, chưa nói đến việc phẫu thuật ở những cơ sở y tế không bảo đảm còn gây nguy hại đến tính mạng", TS Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.
Trên thực tế, việc người Việt Nam ra nước ngoài thực hiện việc chuyển giới không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, việc này không chỉ gây tốn kém cho người có nhu cầu mà điều đáng lo ngại là phần lớn những ca phẫu thuật CĐGT thường thực hiện "chui" tại các cơ sở không được cấp phép nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, thậm chí đe dọa đến cả tính mạng. Thêm vào đó, khi về Việt Nam, do chưa được pháp luật công nhận nên những người chuyển giới đã gặp phải nhiều rắc rối, như các giấy tờ tùy thân, từ giấy khai sinh, chứng minh thư, hộ chiếu, thẻ giao dịch ngân hàng không khớp với tình trạng cơ thể hiện có, dẫn đến các khó khăn trong các giao dịch, khó khăn trong cuộc sống hằng ngày...
"Quyền được chết" là nhân đạo?
Trong bản góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được Bộ Y tế nghiên cứu cho ý kiến, Vụ Pháp chế cũng đề xuất bổ sung "quyền được chết" hay quyền an tử, cái chết nhân đạo. TS Nguyễn Huy Quang lý giải, với những trường hợp mắc ung thư giai đoạn cuối phải chịu đau đớn đến tột cùng về thể xác và tinh thần rồi cả những người chết lâm sàng, phải sống thực vật không thể cứu chữa được, bản thân họ mong muốn được "ra đi" êm ái. Vậy tại sao chúng ta không đặt vấn đề về "quyền được chết"? Cũng theo TS Nguyễn Huy Quang, năm 2005, đề xuất này từng được đưa ra nhưng khi đó các đại biểu Quốc hội cho rằng chưa đến thời điểm thích hợp và sẽ xem xét sau.
Được biết, trên thế giới hiện chỉ có một số ít quốc gia cho phép thực hiện cái chết nhân đạo, bao gồm: Hà Lan, 4 bang của Mỹ, Bỉ, một số bang của Thụy Sĩ... Ở những nơi này, khi bệnh nhân tỉnh táo, đủ năng lực hành vi dân sự, đủ khả năng nhận thức hành vi của mình, đủ 18 tuổi thì có quyền lựa chọn cái chết nhân đạo bằng chúc thư hoặc yêu cầu bác sĩ chứng nhận. Với trường hợp sống thực vật, quyền lựa chọn thuộc về gia đình họ.
Khó triển khai?
Không ủng hộ việc đưa "quyền được chết" vào luật, bác sĩ Chu Thanh Hương (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) thẳng thắn cho rằng, đạo đức xã hội không bao giờ cho phép và bản thân bác sĩ cũng không dám thực hiện. Bởi vì trong quan niệm của người Việt Nam, dù bố mẹ có nằm sống thực vật nhiều năm nhưng các con, cháu vẫn còn hy vọng, "còn nước còn tát" nên không thể rút máy thở. Còn trong lời thề Hypocrate, lời khuyên y đức của Hải Thượng Lãn Ông thì trách nhiệm của người thầy thuốc là cứu người, chữa trị cho đến khi bệnh nhân không còn các chỉ số sinh tồn. Khi người bệnh tự chết, tự trở về thế giới bên kia, trách nhiệm của người thầy thuốc mới kết thúc. Ngay cả khi đồng ý, ủng hộ "quyền được chết", nhiều bác sĩ vẫn cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, do đó, nếu được thông qua thì cách thức tiến hành cũng khó. Bởi vì hiếm có thầy thuốc nào đủ bản lĩnh kết thúc một sinh mạng cho người khác, dù chính bệnh nhân hay gia đình họ đề nghị. Do đó, theo ý kiến đề nghị của nhiều bác sĩ, nếu đưa "quyền được chết" vào luật phải tính kỹ cả những yếu tố này.
Tương tự, với quyền được CĐGT, theo các chuyên gia y tế, đây vẫn là vấn đề phức tạp, nếu đưa vào luật thì phải tính kỹ đến những mặt lợi và hại, được và mất. Bởi vì việc CĐGT không chỉ làm thay đổi bề ngoài sinh học mà còn có những thay đổi về mặt tâm lý, xã hội đối với cơ thể và giới tính mới. Bên cạnh đó cần những quy định để nếu cho phép có thể sàng lọc được những trường hợp đi chuyển giới theo... trào lưu.