Bài 1: “Điệp khúc” thiếu vốn

Xã hội - Ngày đăng : 06:31, 27/04/2015

(HNM) - Sau một thời gian triển khai xây dựng NTM đã bộc lộ những tồn tại cần được tháo gỡ kịp thời để không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình.

LTS: Năm 2015 là năm cuối Hà Nội triển khai thực hiện đề án Xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 1 (2011-2015) với mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM tại 40-45% số xã (chiếm 161 xã). Đây cũng là năm cuối thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU ngày 29-8-2011 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân" giai đoạn 2011-2015. Đến thời điểm này, kết quả đạt được tương đối khả quan. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai xây dựng NTM đã bộc lộ những tồn tại cần được tháo gỡ kịp thời để không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình.

Bài 1: “Điệp khúc” thiếu vốn

Năm 2015, TP Hà Nội đã đặt chỉ tiêu cho các huyện, thị xã có ít nhất 57 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên đến nay, toàn thành phố đã có 95 xã đăng ký phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM. Tại cuộc họp giao ban công tác quý I của BCĐ Chương trình 02, tham luận của tất cả các địa phương tại hội nghị đều phản ánh khó khăn về vốn cho xây dựng NTM và hầu hết đều kiến nghị thành phố gỡ khó để hoàn thành xây dựng NTM.

Ba Vì là huyện đang còn nhiều khó khăn trong công tác xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thái Hiền


Đồng loạt kêu khó

Mỹ Đức là một trong những huyện thuộc tốp cuối của Hà Nội trong phong trào xây dựng NTM. Trong khi nhiều huyện đã có trên 10 xã đạt chuẩn NTM và đủ tiêu chí để đề nghị Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM thì huyện Mỹ Đức vẫn "lận đận" chỉ với một xã đạt chuẩn NTM. Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Cành cho biết, năm 2015, huyện có 6 xã đăng ký phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM, tuy nhiên, có phấn đấu được hay không còn phải phụ thuộc rất nhiều vào vốn. Xã Mỹ Thành, một trong 6 xã đăng ký hoàn thành xây dựng NTM 2015, xã đã có 14 tiêu chí đạt, 5 tiêu chí chưa đạt gồm: Chợ nông thôn, trường học, môi trường, thu nhập và giao thông. Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Nguyễn Văn Sơn phân trần: "Tiêu chí còn lại tuy ít song đều cần rất nhiều vốn, trong đó chủ yếu là vốn của Nhà nước để xây trường, xây chợ, làm đường giao thông nông thôn trục chính".

Tương tự, Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng Nguyễn Đức Trường bày tỏ: Doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã hầu như không có nên xã không thu hút được vốn doanh nghiệp. Trong khi đó, vốn đầu tư của thành phố rất hạn hẹp, vốn đối ứng của địa phương không nhiều do chưa đấu giá quyền sử dụng đất. Hạ tầng cũng là khó khăn chung của tất cả các xã trên địa bàn huyện Mỹ Đức. Chỉ tính riêng tiêu chí trường học, toàn huyện có 76 trường nhưng mới có 27 trường đạt chuẩn quốc gia. Việc đầu tư để 49 trường còn lại đạt chuẩn cần một lượng kinh phí rất lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng nên không thể làm ngay trong một sớm một chiều. Nằm ở phía tây thành phố, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất cũng đăng ký là một trong 95 xã hoàn thành xây dựng NTM năm 2015. Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Hậu cho biết, xã mới có 12 tiêu chí đạt, 2 tiêu chí cơ bản đạt và 5 tiêu chí chưa đạt. Hiện cơ sở hạ tầng của xã còn thiếu rất nhiều: "Đường giao thông nông thôn trục chính chiều dài 2km được xây gạch từ những năm 1980 đến nay đã xuống cấp; 10 km đường nhánh vẫn chưa được bê tông hóa. Đối với cơ sở vật chất văn hóa 8/11 thôn trên địa bàn xã chưa có nhà văn hóa phải sinh hoạt nhờ ở trường học, trụ sở UBND xã và nhà dân. Trong đề án xây dựng NTM chúng tôi đã quy hoạch điểm xây dựng nhà văn hóa nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được kinh phí" - ông Hậu cho biết.

Tương tự tại huyện Ba Vì, đến hết quý I, huyện còn 10/30 xã chưa đạt tiêu chí giao thông (33,3%), 21 xã chưa đạt về trường học (70%), 9 xã chưa đạt về thủy lợi (30%)... Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải, huyện mới có 2 nhà văn hóa xã đạt chuẩn (chiếm 6,45%) và chưa có xã nào đạt chuẩn về cơ sở vật chất văn hóa theo quy định của Bộ VH- TT&DL. Đánh giá của BCĐ Chương trình 02 thành phố cũng cho thấy, hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật nông thôn đầu tư còn chưa đồng đều giữa các địa phương và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tại nhiều nơi, giao thông nông thôn, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất còn khó khăn, nhất là ở những vùng xa trung tâm… là những khó khăn trong xây dựng NTM. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho công tác này còn rất hạn hẹp, chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Ứng phó với nguồn vốn nhỏ

Báo cáo của BCĐ Chương trình 02 Hà Nội cho thấy, tổng kinh phí đầu tư cho NTM toàn thành phố lũy kế đến hết quý I năm 2015 đạt trên 23.000 tỷ đồng (không tính hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm), trong đó, vốn có nguồn gốc từ ngân sách chiếm hơn 17.000 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách hơn 5.400 tỷ đồng. Năm 2015, thành phố hỗ trợ cho 57 xã đạt chuẩn NTM theo kế hoạch giao với nguồn kinh phí phân bổ 180 tỷ đồng (tương đương mỗi xã 3,1 tỷ đồng).

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú kiến nghị: Kinh phí hỗ trợ của thành phố như vậy là rất ít, quá nhỏ so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, thành phố cần phân bổ sớm thì huyện mới sớm triển khai được. Mặc dù việc đấu giá đất đang rất cần được đẩy nhanh nhưng đến nay giá sàn về đất vẫn chưa được thành phố phê duyệt nên các địa phương chưa triển khai đấu giá đất để tạo nguồn thu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Chu Đại Thành thì đề nghị: Huyện có 3 xã miền núi, năm 2015, đã chọn đưa một xã vào kế hoạch về đích năm 2015 nên đề nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ cho xã này theo Kế hoạch 166/KH-UBND năm 2012 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô. Trong khi vốn thành phố đầu tư "nhỏ giọt" thì nguồn vốn đối ứng của huyện và xã trông vào đấu giá quyền sử dụng đất là chính lại quá khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ chia sẻ: "Năm 2014, huyện quyết tâm lắm mới "đấu" được 26 tỷ đồng và hiện vẫn đang loay hoay không tiến triển được. Theo tính toán, mức giá quy định của Nhà nước cộng với kinh phí làm hạ tầng khu đấu giá đã là 3,8 triệu đồng/m2, tuy nhiên có điểm đấu giá hạ xuống 4 triệu đồng/m2 nhưng không có bộ hồ sơ nào mua và có đấu được thì trừ chi phí cũng chẳng còn là bao".

Ở một góc độ khác, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Cành cho biết, không chỉ liên quan đến việc về đích, điều khiến huyện quan tâm hiện nay là việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa để làm tốt công tác quản lý đất đai. Do không có vốn để tạm ứng nên huyện vẫn chưa cấp lại được giấy cho người dân mà phải chờ. Điều này khiến người dân chưa yên tâm để đầu tư vào sản xuất, chưa có tài sản bảo đảm để vay vốn ngân hàng, gây khó khăn nhất định cho cơ sở trong quản lý đất đai.

Nguyễn Mai