Bài 2: Vẽ bản đồ sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế
Chính trị - Ngày đăng : 06:10, 27/04/2015
Bà Mai Kiều Liên bên dây chuyền sản xuất sữa nước của Vinamilk ở Bình Dương. |
Nỗ lực vượt khó
Tiếp quản 3 nhà máy sữa gần như rỗng không sau ngày thống nhất đất nước, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã vươn lên vị trí số 1 trong ngành sữa trong nước và đưa sản phẩm sữa Việt Nam vươn ra nhiều nước trên thế giới. Tiền thân của Vinamilk là Công ty Sữa, Cafe miền Nam (trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Thực phẩm miền Nam) được thành lập năm 1996 trên cơ sở tiếp quản 3 nhà máy sữa gồm: Nhà máy sữa Thống Nhất (tiền thân là nhà máy Foremost), Nhà máy Sữa Trường Thọ (tiền thân là nhà máy Cosuvina) và Nhà máy Sữa bột Dielac (Nestle). Theo bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamilk, tình hình khi đó rất khó khăn, máy móc thiết bị hư hại, phụ tùng thiếu thốn, nhà máy chỉ còn một ít nguyên vật liệu sản xuất. Thiếu nguyên liệu nên ban đầu công nhân làm việc 2 - 3 ca, rồi giảm xuống còn 1 ca dừng hẳn. Công nhân thất nghiệp, không có thu nhập, những người đứng đầu nhà máy phải nghĩ ra đủ cách để tạo việc làm giữ chân công nhân, từ làm ruộng, làm thủy lợi, sản xuất kẹo chuối, bánh in… "Cái khó ló cái khôn", nhiều giải pháp được thực hiện như đổi hàng lấy nguyên liệu cho sản xuất; liên kết với các đơn vị trong nước vừa sản xuất và phân phối sản phẩm… để tồn tại.
Đây không chỉ là khó khăn của riêng Vinamilk mà là khó khăn chung của tất cả nhà máy, doanh nghiệp lúc bấy giờ như: Công ty Bột ngọt miền Nam (Viso), Nhà máy Bia Sài Gòn, Dệt Phong Phú, Dệt Thành Công, Dệt Thắng Lợi, Dệt Phước Long, May Nhà Bè, In Trần Phú, Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản - Visan…
Vươn ra thị trường thế giới
Vượt qua những khó khăn ban đầu, năm 1986 khi bắt đầu thực hiện chủ trương đổi mới, các công ty đã có "đòn bẩy" để bung ra làm ăn. Trải qua nhiều giai đoạn, đến nay Vinamilk đã có 13 nhà máy sản xuất, trong đó hai nhà máy sữa bột và sữa nước hiện đại nhất Châu Á đặt tại Bình Dương; có 7 trang trại với tổng đàn bò sữa gần 11.000 con. Không chỉ đầu tư trong nước, các nhà máy của Vinamilk còn vươn ra nước ngoài, phát triển tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Tại Mỹ, Vinamilk đã mua 70% cổ phần của nhà máy sữa Driftwood; tại New Zealand, Vinamilk có công ty liên kết Miraka Limited sản xuất sữa bột và sữa tươi…
Năm 2014, Vinamilk đạt tổng doanh thu là 35.704 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 7.613 tỷ đồng, xuất khẩu đến 29 quốc gia và vùng lãnh thổ . Trong năm 2014, Vinamilk cũng được Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam. Tạp chí Nikkei Asian Review cũng chọn Vinamilk là một trong 5 doanh nghiệp lớn và uy tín của Việt Nam, đưa vào danh sách 122 công ty hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, mục tiêu của Vinamilk là đạt doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2017 và trở thành một trong 50 công ty sữa lớn nhất thế giới.
Luồng gió " Đổi mới" cũng là cơ hội để Công ty Visan khi tập trung vào xuất khẩu cho thị trường Liên Xô và Đông Âu. Dù vậy, công ty này đã trải qua không ít "nốt trầm" khi thị trường Đông Âu sụp đổ vào năm 1990, có lúc tưởng chừng phải giải thể. Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Visan, thị trường nội địa đã "cứu" công ty, giúp Visan vượt qua khó khăn, tái cấu trúc để trở thành một thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến, sản xuất và kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Tổng công ty CP May Nhà Bè (NBC) khởi đầu từ hai xí nghiệp may Ledgine và Jean Symi thuộc khu chế xuất Sài Gòn hoạt động từ trước năm 1975 với khoảng 200 công nhân, hiện nay đã có hơn 20.000 công nhân. Tích cực đầu tư theo chiều sâu về quy trình công nghệ, máy móc thiết bị và nâng cao trình độ người lao động, NBC đã tạo ra những dòng sản phẩm chủ lực có giá trị gia tăng cao, tạo được lợi thế cạnh tranh. Với thị trường trong nước, NBC hiện có hơn 400 cửa hàng, đại lý của 3 thương hiệu thời trang Decelso, Mattana, Novelty. Không những thế, NBC còn đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam khi liên tục tăng trưởng xuất khẩu bình quân 20%/năm. Năm 2014 NBC xuất khẩu đạt 514 triệu USD và kế hoạch xuất khẩu năm 2015 là 640 triệu USD, thị trường tiếp tục được mở rộng đến nhiều quốc gia.
40 năm đất nước thống nhất, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp Việt Nam đã đưa sản phẩm của mình đến nhiều quốc gia, "vẽ bản đồ sản phẩm Việt Nam" trên thị trường thế giới.