“Không gian xưa” ở làng Vạn Phúc
Xã hội - Ngày đăng : 06:31, 26/04/2015
Đặc sắc hơn tại tuần văn hóa, nhiều người có cơ hội được "chạm tay" vào những "báu vật" cha ông để lại, được chứng kiến tình yêu của những thành viên trong "ngôi nhà" cổ vật. Họ nâng niu, gìn giữ, sưu tầm từng món đồ xưa cũ, những "báu vật" của đất nước, của làng quê Việt Nam với ước vọng lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu để ngày càng nhiều người được biết.
Nhiều cổ vật được trưng bày tại tuần văn hóa cổ vật quê lụa Hà Đông. |
Nhà sưu tập cổ vật Bạch Vi Thiện cũng đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Cổ vật quê lụa Hà Đông niềm nở giới thiệu cho người xem từng khu vực được bố trí tái hiện những nét đẹp trong không gian xưa của làng quê Việt Nam. Những ngôi nhà được dựng theo lối cổ của đền thờ Tổ nghề làng Vạn Phúc được bài trí trang trọng với những món đồ xưa theo sự sắp xếp có chủ ý, hết sức nghệ thuật: Khu thì tái hiện không gian sống của các gia đình trung lưu xưa với tên gọi "nét đẹp Hà Đông xưa" cùng nhiều cổ vật đặc sắc; có khu nhà lại trưng bày bộ sưu tập hiện vật văn hóa Đông Sơn, gốm sứ thời: Lý - Trần - Lê với tên gọi: "Bản hành khúc thiên niên kỷ" là bộ sưu tập quý hiếm với những cổ vật có niên đại hơn 2.500 tuổi; gian trưng bày đồng hồ cổ quý hiếm là kết quả của sự giao lưu văn hóa đông tây với tên gọi "Thiên đường thời gian". Ông Thiện nói rằng: "Đồ cổ ở Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử bị thất truyền, hỏng hóc đã nhiều, những người sưu tầm đồ cổ, trước hết là bởi tình yêu cháy bỏng đối với cổ vật của cha ông để lại muốn được gìn giữ, bảo vệ. Việc ra đời CLB chính là một "sân chơi" để người dân trao đổi, giao lưu, để ngày càng nhiều người được nhìn ngắm, được thỏa mãn tình yêu cổ vật, hiểu và thêm yêu những giá trị văn hóa, tinh thần mà cha ông để lại.
CLB Cổ vật quê lụa Hà Đông dù mới thành lập nhưng đã thu hút 30 hội viên tham gia. Trong đó, thành viên trẻ nhất là Hoàng Đình Tiến, nhà ở làng Đa Sĩ (Hà Đông) năm nay mới 27 tuổi. Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng Tiến đã có một gia sản "kếch xù" về đồ cổ. Tiến tâm sự, mình đang có hàng nghìn món đồ cổ, đồ xưa từ những vật dụng nhỏ bé như cái thìa, đôi đũa đến những sản phẩm có giá trị cao như đôi lục bình thời Khang Hy (Trung Quốc) có giá trị trên 300 triệu đồng.
Chỉ cho tôi xem chiếc trống đồng Đông Sơn, Tiến kể: Năm 2013, ở Hòa Bình có một hộ dân khi làm nhà đã đào được chiếc trống này. Biết tôi sưu tầm và yêu thích nên họ đã để lại cho tôi. Từ đó đến nay, tôi giữ nó như bảo vật. Mang đến tuần văn hóa này, tôi chỉ trưng bày, giới thiệu với mọi người thôi chứ không có ý định bán hay trao đổi - Tiến cho biết. Được biết, Tiến đam mê đồ cổ là nhờ thừa hưởng truyền thống của gia đình 5 đời "chơi" đồ cổ. Từ niềm đam mê, yêu quý cổ vật, mỗi khi có thời gian, Tiến lại lân la về khắp các vùng nông thôn, nghe ai mách ở đâu có cổ vật cậu lại tìm cách để mua hoặc xin lại. Dần dà, "kho" đồ cổ của anh mỗi ngày thêm nhiều hơn.
Hàng chục gian hàng giới thiệu đồ xưa cũ đã thu hút hàng nghìn người dân và du khách tới tham quan. Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Thủy cho biết, tại tuần văn hóa bảo tồn cổ vật quê lụa Hà Đông, ngoài sự tham gia của CLB Cổ vật quê lụa Hà Đông còn có sự góp mặt của các nhiều CLB khác như: CLB Cổ vật Thăng Long, CLB Cổ vật Xứ Đoài và các CLB cổ vật đến từ Kim Sơn - Ninh Bình, Thiên Trường - Nam Định. Các thành viên CLB, các nhà sưu tập đã mang đến hàng nghìn cổ vật được sưu tập từ nhiều vùng, miền trong cả nước, trong đó có những cổ vật quý niên đại hàng nghìn năm. Đây là hoạt động nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với việc bảo vệ các di sản, các cổ vật và đây cũng là cơ hội để mỗi người dân làng lụa Vạn Phúc có dịp giao lưu, tìm hiểu về văn hóa, tinh thần của nhiều vùng miền khác nhau của đất nước.
Vạn Phúc là làng nghề, làng du lịch. Bên cạnh các gian trưng bày, giới thiệu cổ vật, tuần văn hóa còn có sự tham gia của các CLB như: CLB Chim cảnh, Hội Hoa lan Hà Đông mang đến nhiều hoạt động như: Tổ chức trưng bày hoa phong lan, biểu diễn chó nghiệp vụ, thi chim cảnh; viết thư pháp, các hoạt động văn nghệ, thể thao… không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân làng nghề mà còn là món quà mang đến cho du khách tới tham quan, mua sắm tại làng lụa trong dịp nghỉ lễ này.