Nhiệm kỳ 2010-2015 đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của Đảng bộ Thủ đô

Xã hội - Ngày đăng : 06:11, 26/04/2015

(HNM) - Để Báo cáo chính trị trình Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà Nội là kết tinh trí tuệ, ý chí, tình cảm của toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, thể hiện những định hướng quan trọng, đúng đắn, thực sự khả thi, đi vào đời sống xã hội, từ trung tuần đến cuối tháng 4, Thành ủy Hà Nội tổ chức lấy ý kiến góp ý xây dựng báo cáo.



Với mục đích nêu trên, thông qua diễn đàn của Báo Hànộimới, PGS.TS, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Mỳ đã chia sẻ cảm nhận của ông về sự đổi thay của thành phố trong 5 năm qua cũng như những vướng mắc, bất cập đang gặp phải, từ đó góp ý vào những giải pháp xây dựng, phát triển Thủ đô trong nhiệm kỳ tới.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ.


Chuẩn bị công phu, nghiêm túc

- Những ngày qua, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ, đảng viên, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, nhân dân Thủ đô và ý kiến của các bộ, ngành Trung ương góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XVI Đảng bộ thành phố. Nhiều ý kiến bày tỏ sự hài lòng về bản dự thảo Báo cáo chính trị (lần thứ tư) mà Tiểu ban Văn kiện đã soạn thảo. Ý kiến của ông đối với văn kiện quan trọng này?

- Tôi cho rằng, Tiểu ban Văn kiện đã chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc. Kết cấu báo cáo vừa mang tính truyền thống nhưng vừa nêu vấn đề, bao gồm 3 phần: Phần 1 đánh giá nhiệm kỳ vừa qua, nhìn lại 30 năm đổi mới ở Hà Nội; phần 2 là nhiệm vụ, phương hướng, các giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ mới và phần 3 là tổ chức thực hiện.

- Theo ông, chủ đề của Đại hội XVI Đảng bộ thành phố đã hàm chứa được tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong nhiệm kỳ mới?

- Chủ đề Đại hội XVI Đảng bộ thành phố gồm 4 thành tố. Thành tố thứ nhất là Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; thành tố thứ 2 là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; thành tố thứ 3 là đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thành tố thứ 4 là xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng có 5 thành tố (đại hội XI có 4 thành tố); trong đó có 3 thành tố tiếp thu của Đại hội XI nhưng có bổ sung, có 1 thành tố rất mới và 1 thành tố kế thừa nhưng có điều chỉnh. Yêu cầu thực tiễn không chỉ đòi hỏi phải nâng cao năng lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng mà là cả hệ thống chính trị, cho nên dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII diễn đạt là "tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh và hệ thống chính trị vững mạnh". Thành tố thứ 2 tiếp thu từ Đại hội XI - phát huy sức mạnh toàn dân tộc và bổ sung thêm dân chủ xã hội chủ nghĩa thành "phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa". Thành tố thứ 3 cũng là tiếp thu Đại hội XI nhưng bổ sung thêm hai chữ "đồng bộ" thành "đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới". Có một thành tố (thứ 4) rất mới đáp ứng tình hình phức tạp của thế giới, của Biển Đông trong giai đoạn hiện nay là "bảo vệ vững chắc chủ quyền và môi trường hòa bình ổn định". Thành tố 5 có điều chỉnh là "xây dựng nền tảng sớm đưa Việt Nam thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".

Chủ đề Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà Nội phải đặt trong mục tiêu phấn đấu chung của đất nước. Theo tôi, nếu cả nước đặt mục tiêu 5 năm tới phải xây dựng nền tảng đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại thì Hà Nội trong giai đoạn từ 2016 đến 2020 phải tập trung hoàn thiện nền tảng vững chắc để chuẩn bị "đường băng" cho Thủ đô "cất cánh" về đích CNH-HĐH trong nhiệm kỳ sau. Vì vậy, tôi xin kiến nghị thành tố thứ 4 là: Xây dựng và hoàn thiện nền tảng để Hà Nội cơ bản trở thành thủ đô CNH theo hướng hiện đại hóa vào nhiệm kỳ 2020-2025.

- Từng tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, lại là người nghiên cứu lý luận, ông nhận xét như thế nào về tư tưởng xuyên suốt trong báo cáo chính trị của Đại hội XVI Đảng bộ thành phố?

- Nguyên tắc xây dựng báo cáo phải có tính kế thừa. Tư tưởng xuyên suốt được thể hiện ở các thành tố của chủ đề Đại hội. Chúng ta đã có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020. Như vậy, trong nhiệm kỳ Đại hội XI và XII của Đảng và với Hà Nội là Đại hội XV và XVI đặt trong giai đoạn thực hiện Chiến lược để phục vụ cho mục tiêu gần trong cương lĩnh đặt ra đó là, năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến giữa thế kỷ XXI thì trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhiều lĩnh vực chuyển biến rõ nét

- Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính có cả một vùng nông thôn rộng lớn, bên cạnh những thuận lợi cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ Thủ đô đã nỗ lực đầu tư cho "tam nông" nhằm giảm khoảng cách giữa nông thôn và đô thị. Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Hà Nội?

- Trong nhiệm kỳ qua Hà Nội đã tập trung phát triển "tam nông". Đến nay cả nước đã đô thị hóa được 30% thì Hà Nội đạt trên dưới 40%. Sau gần 7 năm, phải khẳng định, một trong những thành tựu nổi bật nhất của Hà Nội chính là nông nghiệp, nông thôn. Trong 5 năm, Hà Nội đã đầu tư 21.200 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới và đã có 30,7% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới (121/401 xã trong đó có 10 xã của huyện Từ Liêm cũ), bằng 1/5 số xã nông thôn mới của toàn quốc. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư xây dựng, hoàn thiện. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân Thủ đô được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đạt 28,6 triệu đồng (gấp đôi so với năm 2011). Nhiều vùng quê thực sự đổi đời - đó là ấn tượng lớn nhất.

- Với lĩnh vực quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, trong báo cáo chính trị khẳng định một số lĩnh vực có chuyển biến tốt hơn như việc tập trung hoàn thành các quy hoạch triển khai chiến lược phát triển Thủ đô; việc huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Ý kiến của ông về đánh giá này?

- Trong nhiệm kỳ qua, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành triển khai lập và hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Chúng ta đã chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, các tuyến đường vành đai, tuyến quốc lộ hướng tâm và nhiều tuyến giao thông quan trọng như Đường 5 kéo dài, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân, đường nối sân bay Nội Bài - Trung tâm thành phố… Công tác quản lý đô thị cũng có rất nhiều tiến bộ, thậm chí có những lĩnh vực tiến bộ vượt bậc. Ví dụ trước đây, tình trạng nhà xây dựng không phép, trái phép diễn ra phổ biến, nhưng rõ ràng trong 5 năm qua lĩnh vực này đã đi vào kỷ cương. Hay trước đây, việc xây dựng đô thị còn tình trạng tự phát thì nay đã xây dựng tập trung theo quy hoạch chung, quy hoạch thành phố vệ tinh, quy hoạch tổng thể của Thủ đô. Kết cấu hạ tầng giao thông cũng từng bước được cải thiện nên đã giảm ùn tắc. Tuy vậy, báo cáo chính trị đánh giá đã đáp ứng tốt yêu cầu CNH, HĐH theo tôi như thế hơi lạc quan. Chúng ta đã có tiến bộ nhưng so với yêu cầu CNH-HĐH vẫn chưa đáp ứng được. Đơn cử như, trên phương diện giao thông của một thành phố công nghiệp hóa mà cứ ùn tắc, mật độ xe cộ ngày càng cao. Giữa Thủ đô, dân vẫn thiếu nước sinh hoạt, chưa kể hạ tầng chưa đầy đủ, việc kết nối các vùng, nhất là kết nối khu đô thị với các vùng chưa tốt, giải quyết úng ngập vẫn còn nhiều hạn chế...

- Có một lĩnh vực được đặc biệt quan tâm đó là xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Suy nghĩ của ông về lĩnh vực này như thế nào?

- Phải nói rằng, về chủ trương, thành phố rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa người Hà Nội. Nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố đều suy nghĩ, Hà Nội nói gì thì nói, văn hóa dứt khoát phải đi đầu, kinh tế nằm ở tốp đi đầu. Nếu văn hóa không đi đầu thì không xứng đáng với vai trò Thủ đô, hơn nữa Hà Nội còn là mảnh đất ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, hòa bình hữu nghị. Trên thực tế thời gian qua, nhiều phong trào, hoạt động xây dựng mô hình văn hóa ở cơ sở được triển khai tốt. Những giá trị, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa, phát huy. Nếp sống văn hóa, nhất là thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội có chuyển biến tốt. Tuy nhiên, vừa qua cũng bộc lộ những vấn đề rất đáng quan tâm như hiện tượng xảy ra ở công viên nước Hồ Tây mới đây; việc đi lại trên đường hằng ngày, cách ứng xử, văn hóa giao thông cũng chưa thật yên tâm. Bên cạnh cái hay hội tụ về Hà Nội để kết tinh lan tỏa thì cũng có những cái chưa hay tìm về Hà Nội. Từ đó xuất hiện tâm lý đám đông, tự phát nên những gì miễn phí, có lợi là xuất hiện hành động đua chen. Điều đó đòi hỏi cần nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú ý đến công tác tuyên truyền.

- Đã có rất nhiều hình thức tuyên truyền, vậy theo ông cần tiếp tục triển khai theo hình thức nào?

- Trước đây Tuyên giáo Hà Nội từng đưa ra 9 chữ "Nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp". Mỗi người Hà Nội mỗi ngày cố gắng nói lời đúng, tiến tới nói lời hay, khi phát ngôn phải nghĩ trước, sau. Nói đi đôi làm. Nếu như mỗi người dân Thủ đô trong mỗi ngày làm một việc thiện, việc tốt thì cả xã hội sẽ làm nhiều việc thiện, việc tốt, mọi người sẽ đẹp lên trong mắt nhau và xã hội sẽ an bình. Công tác tuyên truyền phải kiên trì, thường xuyên, đặc biệt là tăng tần suất tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng. Nếu truyền thông, ti vi, đài báo… mỗi ngày nhắc nhở người dân 9 chữ như vậy, mưa lâu sẽ thấm dần.

Chăm lo xây dựng Đảng

- Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước. Trong nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" được Đảng bộ thành phố nghiêm túc thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cá nhân ông nhìn nhận việc này ra sao?

- Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã bắt mạch rất trúng, bốc thuốc cũng trúng nhưng các chế tài có khi chưa đủ độ. Đánh giá nghiêm túc thì Nghị quyết Trung ương 4 đã có tác dụng răn đe, lạc quan nữa là đã ngăn chặn bước đầu, nhưng việc chặn đứng, đẩy lùi tình trạng suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác trong một bộ phận cán bộ, đảng viên thì chưa làm được. Hà Nội cũng đặt trong bối cảnh chung của đất nước. Ở Hà Nội ít xảy ra các vụ án lớn, vì chúng ta làm tốt công tác răn đe, phát hiện ở đâu có dấu hiệu tham nhũng lớn thì chủ động đối thoại, ngăn chặn. Nhưng nhìn vào Hà Nội "tham nhũng vặt" vẫn không ít. Điều đó đòi hỏi trong nhiệm kỳ mới, chúng ta phải quyết tâm hơn, triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.

- Ngoài phần đánh giá kết quả nhiệm kỳ 2010-2015, báo cáo chính trị cũng nhìn lại 30 năm đổi mới ở Thủ đô. Theo ông, những đánh giá đã thỏa đáng hay chưa?

- 30 năm đổi mới ở Thủ đô là sự hiện diện cho 30 đổi mới của đất nước. Đó là cả quá trình Hà Nội vận dụng sáng tạo đường lối, cương lĩnh, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; kể cả lúc đỉnh cao của thuận lợi và xuống đáy của khó khăn, lúc kịch biến của chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu và Liên Xô cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ XX. Trước những biến động lớn, tác động lớn như thế, nhưng Đảng bộ Hà Nội vẫn vững vàng. Vì vậy, phần đánh giá trong báo cáo chính trị phải có tầm khái quát rất cao. Những bài học của Hà Nội nên gắn với đặc thù Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, giao dịch quốc tế… Do vậy, việc cẩn trọng, trí tuệ và quyết đoán; vấn đề ổn định chính trị, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong bảo vệ Thủ đô; vấn đề đô thị đặc biệt hàng đầu liên quan đến quy hoạch quản lý đô thị; vấn đề trật tự, an toàn xã hội; vấn đề xây dựng nền tảng tinh thần cho Thủ đô cần đào sâu để nêu kinh nghiệm trong 5 năm qua và bài học kinh nghiệm sau 30 năm đổi mới.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Một trong những sáng tạo của Đảng bộ Hà Nội (từ khóa XII) sau khi ban hành nghị quyết đại hội là xây dựng các chương trình công tác giúp cho các "tư lệnh" phụ trách, đội quân tham mưu trên từng lĩnh vực căn cứ vào đó để chỉ đạo, cụ thể hóa bằng kế hoạch thực hiện. Thành ủy vẫn là chủ thể các chương trình, nhưng có thành lập các ban chỉ đạo. Kinh nghiệm này đã được nhiều đảng bộ nghiên cứu học tập. Đó là sáng kiến tốt, được chỉ đạo sát sao, hàng năm có sơ, tổng kết, kiểm tra, đáng tiếc trong báo cáo chính trị không đánh giá 9 chương trình. Nên chăng, căn cứ vào 9 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 2 khâu đột phá mà đánh giá Nghị quyết Đại hội XV.

Thái Sơn - Bình Yên