Chưa đến hè, đã lo thiếu nước

Bạn đọc - Ngày đăng : 07:06, 25/04/2015

(HNM) - Thiếu nước sạch là nỗi ám ảnh với người dân Hà Nội nhiều năm nay. Hiện tại, chưa đến

Ảnh minh họa: Hoàng Thành.



Năm nào cũng lo…

Gia đình tôi sử dụng nước sạch Sông Đà. Thời gian đầu, nguồn nước khá ổn định, tuy nhiên kể từ khi đơn vị cung cấp thực hiện điều tiết hỗ trợ cho đơn vị cung cấp nước sạch Hà Nội, nguồn nước đôi khi bị thiếu hụt. Không ít thời gian, phải mất đến vài ngày, bể nước chỉ hơn 1,5m3 mới đầy. Đặc biệt, khi đường ống truyền dẫn nước Sông Đà xảy ra sự cố vỡ, khu vực nhà tôi thường xuyên chịu cảnh mất nước. Ngay cả khi việc khắc phục sự cố được hoàn thành thì cũng phải mất đến 2, 3 ngày sau, việc cấp nước mới… túc tắc trở lại. Hai năm 2013, 2014, vào mùa hè, nhiều lần gia đình tôi phải "di cư" đến nhà người thân để "tá túc" do không có nước sinh hoạt. Năm nay, nghe thông tin nhiều nơi bắt đầu thiếu nước cục bộ, trong khi đó cơ quan chức năng cho biết dự kiến Hà Nội tiếp tục thiếu hàng chục nghìn mét khối nước mỗi ngày, tôi rất lo. Hiện tại, gia đình tôi đã chuẩn bị sẵn thùng phuy, can… để phòng khi thiếu nước.

Nước sạch là nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân. Ở quê, thiếu nước thì còn có thể sử dụng nguồn giếng khơi, giếng khoan, ao… song ở Hà Nội mà năm nào cũng phải lo thế này thì khổ quá.
Nguyễn Thị Mai (Phường Khương Trung, quận Thanh Xuân)

Cố mà chịu!

Tình trạng thất thoát nước cũng như các vấn đề liên quan đến dịch vụ cung cấp nước sạch đã được đặt ra từ rất lâu nhưng vẫn luôn là vấn đề "nóng". Đây cũng không phải là vấn đề của riêng Hà Nội. Ở nhiều nước phát triển, thất thoát nước và bảo đảm dịch vụ cung cấp nước sạch cũng là vấn đề đau đầu đối với các nhà quản lý. Tuy nhiên, với các khu chung cư mới và nhiều vùng ngoại ô thì vấn đề thực sự đáng quan ngại là chất lượng nguồn nước. Chính sự thiếu tương quan giữa việc bảo đảm cung cấp nước sạch và xử lý nước thải, rác thải đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Nói cách khác, ô nhiễm môi trường dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, nhưng nhiều nguồn "nước độc" vẫn được đưa vào sử dụng hoặc bắt buộc phải sử dụng. Trong khi đó, chất lượng các nhà máy nước ở các khu chung cư như thế nào, nước sạch đưa đến người tiêu dùng có thể đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn của cơ quan chức năng quy định hay không vẫn là câu hỏi khó. Chuyện người dân ở nhiều khu chung cư phải sử dụng "nước bẩn" đã được các cơ quan truyền thông nhiều lần đề cập, có lẽ không phải nhắc lại. Điều đáng nói là chỉ khi xảy chuyện, các cơ quan chức năng mới vào cuộc, nhưng cũng có trường hợp mẫu nước lấy từ một nhà máy, một thời điểm nhưng kết quả đánh giá của các cơ quan khác nhau, cũng khác nhau… Tóm lại, việc quản lý chất lượng nguồn nước đang có rất nhiều vấn đề, đặc biệt ở một số khu đô thị mới và khu vực ngoại thành, có điều không phải là chuyện "cháy nhà, chết người" nên chưa mấy ai quan tâm, còn bệnh tật lâu ngày phát sinh thì: Cố mà chịu!
Hoàng Khôi (Chung cư Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai)

Phải có phương án dự phòng

Theo phản ánh của các cơ quan báo chí, dự kiến mùa hè năm nay sẽ có những đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài, nhu cầu sử dụng nước vì thế tăng từ 7% đến 10% trong khi nguồn nước ngầm tiếp tục suy giảm 1%-2% so với năm 2014. Khả năng cung cấp nước sạch cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong những ngày cao điểm. Hàng loạt khu dân cư ở cuối nguồn hoặc nơi có địa hình cao tại các quận nội thành cũ đã được dự báo đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt trong những ngày nắng nóng. Đây thực sự là "thảm họa" với người dân đô thị. Vẫn biết, việc thiếu nước sạch có cả nguyên nhân khách quan chưa thể lập tức khắc phục triệt để nhưng khi cơ quan chức năng đã xác định rõ khu vực có thể thiếu nước sạch thì cần xây dựng phương án dự phòng để bảo đảm lượng nước đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân thay vì chỉ khuyến cáo để các hộ tự lo phương án trữ nước. Đâu phải hộ nào cũng có điều kiện về kinh tế, diện tích để xây dựng bể, mua bình chứa nước cỡ lớn. Mỗi hộ gia đình là một khách hàng mua nước sạch và họ có quyền đòi hỏi phục vụ như "thượng đế" chứ không thể thông báo, đề nghị "thượng đế" nghiến răng chịu đựng, thông cảm, chia sẻ với khó khăn của ngành cung cấp nước sạch.
Ông Nguyễn Văn Nên (Phường Khương Thượng, quận Đống Đa)