Chế tài tăng nặng sẽ "thay đổi thái độ"
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:46, 25/04/2015
Đầu tiên, cần phải nhận định rằng hội nghị trực tuyến nói trên là cần thiết, bởi ngoài ý nghĩa bàn giải pháp cho vấn đề hiện được cho là hạn chế lớn nhất của ngành y tế Việt Nam thì còn có tác dụng "đánh động" ý thức của những nhân viên y tế đã quen với thái độ "hành" bệnh nhân. Hội nghị này cũng cho thấy quyết tâm của ngành y tế trong việc đổi mới phong cách phục vụ người bệnh, lấy sự hài lòng của bệnh nhân làm thước đo chất lượng công việc. Điểm tích cực thứ ba là quan điểm "cứng rắn" của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với hành vi vi phạm quy định của ngành, và, quan trọng hơn là khẳng định đây không phải lời kêu gọi, không phải phong trào, mà là chính sách buộc phải thực hiện. Những "điểm cộng" nói trên được bổ sung bằng giải pháp mà ngành sẽ thực hiện trong thời gian tới, bao gồm sa thải những "con sâu làm rầu nồi canh", yêu cầu các bệnh viện ký cam kết đổi mới thái độ phục vụ, tăng cường giám sát thông qua đường dây nóng, hoàn chỉnh và bổ sung biện pháp hành chính để đơn giản hóa thủ tục khám chữa bệnh… Tức là đã khá cụ thể.
Tuy vậy, cũng cần nhớ là đây không phải lần đầu tiên ngành y tế đặt ra yêu cầu đổi mới phong cách, thái độ ứng xử đối với người bệnh của nhân viên y tế.
Ý tứ đưa rải rác trước đây đã lâu thì không nói. Chỉ nói lần gần đây nhất, khi ngành y tế lôi vấn đề y đức ra bàn quyết liệt sau khi bị dư luận quay như chong chóng vì vụ bác sĩ Thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người vào năm 2013, đã thấy vấn đề chấn chỉnh tác phong phục vụ không dễ tạo kết quả như mong muốn. Lúc ấy người ta cũng đã nói nhiều về giải pháp, trong đó có việc tạo kênh giám sát thông qua đường dây nóng. Rồi đường dây nóng "ra đời" gần như ngay sau đó, kết quả ra sao? Thông qua kênh giám sát này, ngành y tế xác định được 20% số cuộc gọi tới là để phản ánh về thái độ ứng xử của nhân viên y tế, hơn 2.000 cán bộ y tế đã bị nhắc nhở, hơn 150 người bị cảnh cáo hoặc buộc thôi việc, chuyển sang bộ phận khác…
Cái khó không chỉ nằm ở chỗ tình hình biến chuyển chậm, thể hiện ở sự ì xèo của bệnh nhân ở nhiều nơi, mà còn ở cách nhìn nhận vấn đề chưa thỏa đáng của người trong cuộc. Chẳng hạn, tại hội nghị trực tuyến nói trên, dù thừa nhận y đức và thái độ phục vụ bệnh nhân là cần thiết phải có sự thay đổi toàn diện, mang tính cấp bách nhưng một số ý kiến vẫn bóng gió về "điều kiện cần" cho sự thay đổi đó. Người ta nói về quá tải bệnh viện, người nhà sốt ruột trước bệnh tình của người thân nên phản ứng thái quá, cơ sở vật chất hạn chế… và sau đó, dù không nói ra hoặc nói ra, dễ hiểu vế thứ hai tất sẽ là, chẳng hạn, "làm gì mà chẳng cáu!"…
Đã có ý kiến so sánh y tế Việt Nam và nước ngoài, theo đó, trong lúc chúng ta loay hoay tìm cách "thay đổi thái độ" - một trong "bốn điều cần" của một cơ sở y tế thì nhiều nước đã yên tâm về điều đó từ lâu. Bởi vậy, với bước xuất phát chậm, trước một đòi hỏi mang tính sống còn đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, những giải pháp nhằm thúc đẩy ý thức tự giác là quan trọng nhưng chưa đủ. Cần phải có chế tài tăng nặng đối với những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của nhân dân, nhất là hành vi trục lợi liên quan đến buôn bán, sử dụng thuốc, yêu cầu sử dụng dịch vụ không cần thiết... Bởi xét cho cùng, những hành vi xấu đó cũng thuộc phạm trù "ứng xử".