“Sẽ hỗ trợ tối đa người dân có đam mê, hoài bão nghiên cứu ứng dụng”

Công nghệ - Ngày đăng : 06:43, 24/04/2015

(HNM) - Trong các hoạt động chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam sắp tới, lần đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức buổi gặp mặt với các nhà sáng chế không chuyên. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân về lực lượng này cũng như điều kiện cần có để giúp họ đóng góp

Máy xử lý rác thải bằng công nghệ HUD của ông Ngô Thái Nguyên (Thanh Hóa) đoạt giải nhất “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” lần thứ V.



- Thưa Bộ trưởng, ông có thể đánh giá về những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của các nhà khoa học không chuyên Việt Nam trong thời gian qua?

- Có thể nói trong một nền kinh tế, bất kỳ hoạt động nào cũng phải mang tính chất xã hội, nói khác đi là phải huy động mọi thành phần kinh tế tham gia vào những hoạt động đó thì mới có thể đem lại thành công. KH&CN không là ngoại lệ. Hiện nay, chúng ta đã có đội ngũ nhà khoa học được đào tạo rất bài bản, chuyên nghiệp, tâm huyết ở các viện nghiên cứu, các trường đại học. Họ thực sự là đội quân chủ lực, giữ vai trò dẫn dắt hoạt động KH&CN. Tuy nhiên, đối với nền kinh tế thì điều đó chưa đủ, chúng ta cần phải huy động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong xã hội quan tâm, đầu tư hơn nữa và đặc biệt là khuyến khích họ phát huy trí tuệ cho sự nghiệp phát triển KH&CN của đất nước.

Có nhiều người dân, mặc dù không được đào tạo cơ bản và cũng không được giao làm nhiệm vụ nghiên cứu, nhưng luôn thể hiện đam mê, quyết tâm với công việc này. Họ thấy rằng cần phải nghiên cứu, ứng dụng để phát triển sản xuất, để phục vụ lợi ích cho chính họ, gia đình và cộng đồng. Đây cũng là một lực lượng lao động KH&CN mà chúng ta cần phải quan tâm.

- Vậy Bộ KH&CN đã có những hoạt động gì để hỗ trợ cho các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của các nhà khoa học không chuyên?


- Trong nhiều năm qua, Bộ KH&CN đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ cho người dân có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, và thông qua đó giúp họ hoàn thiện sáng kiến của mình để phục vụ cho sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc. Ví dụ, chúng ta đã mời những người dân có sáng kiến, sáng chế tham gia các chợ thiết bị Techmart toàn quốc, thậm chí cả các chợ công nghệ quốc tế để người dân giới thiệu các sản phẩm của họ tới cộng đồng, từ đó góp phần thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Từ các chợ công nghệ này, có một số người đã trở thành chủ doanh nghiệp, kinh doanh rất thành công.

Luật KH&CN năm 2013 có một số điều khoản liên quan đến hoạt động này. Trong thời gian tới, chúng ta phải hết sức nỗ lực để huy động sức sáng tạo của toàn dân, của tất cả những người có đam mê, có hoài bão, có quyết tâm, khuyến khích họ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm trên chính mảnh đất của mình và trong chính công việc của mình, góp phần đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Chính phủ đã có Nghị định 13/2012-NĐ về việc ban hành Điều lệ sáng kiến, trong đó có những điều khoản quy định trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức KH&CN và các doanh nghiệp đối với sáng kiến của người dân. Tuy nhiên, điều lệ chưa phát huy được tác dụng một cách thích đáng do các văn bản hướng dẫn trong Nghị định còn chưa đầy đủ. Trong thời gian tới, chúng tôi yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chủ trì xây dựng thông tư và phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành cơ chế chính sách đặc biệt về tài chính nhằm hỗ trợ cho những người dân có sáng kiến. Hiện nay, người dân vẫn làm một cách tự phát. Cho dù đã cố gắng nhưng Nhà nước mới chỉ hỗ trợ được về mặt tinh thần, tư vấn, tạo cơ chế, còn hỗ trợ trực tiếp về tài chính thì chúng ta vẫn chưa làm được. Sau khi thông tư nói trên được ban hành, chúng ta có thể sử dụng một phần kinh phí ngân sách để hỗ trợ cho người dân nghiên cứu, thương mại hóa, ứng dụng kết quả sáng kiến, sáng chế của họ vào sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giao cho sở KH&CN của các địa phương có trách nhiệm chăm lo cho những người dân có sáng kiến trên địa bàn của họ. Khi phát hiện ra những sáng kiến thực sự có ý nghĩa khoa học, có tính khả thi, các sở KH&CN phải phối hợp, làm đầu mối để mời các nhà khoa học thuộc lĩnh vực đó từ các viện, trường tham gia vào quá trình, giúp cho người dân có thể hoàn thiện sáng kiến, sáng chế của mình. Ngoài ra, cần huy động các doanh nghiệp đỡ đầu cho họ để cùng đầu tư, sản xuất ra những sản phẩm từ những sáng kiến, sáng chế đó.

- Để đưa sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của những nhà sáng chế không chuyên đến với xã hội, truyền thông có vai trò ra sao, thưa ông?


- Bộ KH&CN sẽ đóng vai trò là đầu mối, hằng năm có những hoạt động về truyền thông để biểu dương, đề xuất khen thưởng ở cấp Bộ, cấp Nhà nước đối với người dân có sáng kiến được áp dụng trong thực tiễn đời sống, đem lại hiệu quả kinh tế, được cộng đồng chấp nhận và được xã hội coi như một sản phẩm hàng hóa. Công tác truyền thông phải làm sao để mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội nhận thức đầy đủ và có sự hỗ trợ kịp thời đối với tất cả những người có ý tưởng khoa học, có sáng kiến, sáng chế, phát minh, giúp họ có được điều kiện thuận lợi nhất để đem sản phẩm của mình phục vụ xã hội.

Bên cạnh đó cũng cần tư vấn cho người dân khi sáng kiến của họ không khả thi, không có khả năng thương mại hóa để tránh nguy cơ người dân đầu tư để theo đuổi ý tưởng rất tốn kém, thậm chí kiệt quệ về kinh tế, gây lãng phí tiền của cho người dân và xã hội.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Ánh Tuyết