Người Hà Nội cắm cờ trên núi Nhạn
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:23, 24/04/2015
Thiếu úy Nguyễn Sỹ Kỳ với lá cờ tung bay trên Tháp Nhạn sáng 1-4-1975. |
Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, tháng 12-1968, nhận được lệnh bí mật tăng cường cho chiến trường miền Nam, Nguyễn Sỹ Kỳ không thể về nhà chia tay người thân, lặng lẽ lên đường. Sau những ngày tháng dài hành quân bộ vượt qua dãy Trường Sơn núi cao vực sâu, trên đầu luôn có máy bay Mỹ quần đảo tìm dấu vết bộ đội, nhưng "đá mòn mà đôi gót không mòn", tháng 3-1969, Nguyễn Sỹ Kỳ đến mặt trận Phú Yên và được điều động về Đại đội 22 súng máy cao xạ 12,7 ly (còn gọi là Đại đội pháo cao xạ 22 hay Đại đội pháo phòng không 22) của tỉnh đội Phú Yên. Nguyễn Sỹ Kỳ kể, được giao vác nòng súng 12,7 ly nặng trĩu mà người lại nhỏ nhắn, những ngày đầu, dù đã lót vải mà hai vai vẫn bầm tím. Cắn răng chịu đựng, không than vãn nửa lời để theo kịp đồng đội đi phối thuộc với các đơn vị, Nguyễn Sỹ Kỳ cùng đại đội tung hoành khắp các mặt trận ở Phú Yên, tham gia các trận đánh tại Hòn Lúp, Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), An Ninh (huyện Tuy An)... Nguyễn Sỹ Kỳ cùng đồng đội đã lập công bắn rơi 6 máy bay địch và năm 1973 được Bộ chỉ huy quân sự Phú Yên trao tặng Huân chương Dũng sỹ bắn máy bay. Nguyễn Sỹ Kỳ nhớ như in trận đánh ở thị xã Sông Cầu năm 1972 vì nếu không có đại đội 12,7 ly thì bộ binh có thể sẽ hy sinh hết vì hai tàu chiến của Mỹ bắn như mưa từ cửa biển vào. Bất chấp hiểm nguy, đơn vị anh cơ động lên đỉnh đồi, những loạt đạn 12,7 ly nã xuống khiến hai tàu chiến phải bỏ chạy. Với các chiến công trận mạc, Nguyễn Sỹ Kỳ đã được trao tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, trở thành Đại đội phó Đại đội 22 súng máy cao xạ 12,7 ly với quân hàm Thiếu úy.
Ngày 10-3-1975, trận đánh thị xã Buôn Ma Thuột mở màn cho chiến dịch giải phóng miền Nam thắng lợi. Quân đội chính quyền Sài Gòn tổ chức phản công hòng chiếm lại thị xã có vị trí chiến lược quan trọng này nhưng thất bại buộc phải rút chạy theo đường 7 (nay là đường 25) nhưng bị Sư đoàn 320 chặn đánh tan tác gần cửa ngõ phía Nam thị xã. Trên đà thắng lợi, kế hoạch giải phóng thị xã Tuy Hòa đã được cấp trên vạch ra và nhiệm vụ của Đại đội 22 là đánh máy bay địch yểm trợ cho các mũi tiến công của quân chủ lực. Sau khi quân giải phóng làm chủ thị xã, Đại đội 22 có nhiệm vụ xây dựng trận địa phòng không trên núi Nhạn để bảo vệ thị xã vừa giải phóng. 5h sáng 1-4-1975, quân giải phóng bắt đầu nổ súng tiến công Tuy Hòa từ nhiều hướng. Ở phía tây, có xe tăng chi viện, quân giải phóng nhanh chóng đánh chiếm cầu Ông Chừ, cầu Đà Rằng, tiến công làm chủ núi Nhạn. Tiếp đó quân giải phóng đánh chiếm xóm Đạo, sân bay khu chiến, phát triển lực lượng theo đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, chiếm Ty Ngân khố, khu công chức... Từ hướng Bắc, quân giải phóng tiêu diệt địch ở Gò Đá, núi Chóp Chài rồi theo hướng Ninh Tịnh tấn công Trung đoàn bộ 47, Ty Cảnh sát, Tỉnh đường... Binh lính quân đội Việt Nam cộng hòa bỏ súng đầu hàng, cờ Mặt trận giải phóng tung bay rợp trời thị xã. Sau khi quân giải phóng làm chủ thị xã thì Đại đội 22 súng máy cao xạ được lệnh hành quân cấp tốc lên núi Nhạn xây dựng trận địa phòng không, sẵn sàng đánh trả máy bay địch đến phản kích.
Bố trí trận địa phòng thủ xong, bỗng Nguyễn Sỹ Kỳ nảy ra ý định trèo lên đỉnh Tháp Nhạn để cắm cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. "Lúc đó tôi nghĩ đơn giản, cắm cờ để động viên quân dân cũng là khẳng định thành phố đã hoàn toàn giải phóng", Nguyễn Sỹ Kỳ chia sẻ. Và lá cờ đã tung bay trên đỉnh Tháp Nhạn lúc 10h sáng 1-4-1975. Tôi đã từng đến Tháp Nhạn, đó là tháp Chăm cổ xây từ thế kỷ XI cao hơn hai chục mét, tôi không hiểu anh trèo lên bằng cách nào trong khi không có thang. Giải đáp băn khoăn của tôi, Nguyễn Sỹ Kỳ bảo: "Tháp bây giờ được trùng tu nên cả bốn mặt đều nhẵn không thể trèo được chứ trước đây tháp bị tróc lở khá nhiều nên có thể bám tay vào khe hở để trèo lên. Trèo lên không nguy hiểm bằng lúc xuống vì chỉ cần chút sơ sẩy là ngã xuống, vỡ đầu, gãy xương như chơi. Tôi phải rê mũi chân sang hai bên để tìm khe hở hay các chỗ hõm, gá được chân rồi lại phải tìm kẽ tường để bám bàn tay, cứ thế từng tí một, tôi xuống an toàn". Tôi hỏi về tấm ảnh ông đang đứng trên ngọn tháp cùng lá cờ, ông nói rằng, chỉ biết lúc đó phóng viên chiến trường cũng có mặt, anh phóng viên này theo chân đơn vị Kỳ lên núi Nhạn với mục đích chụp ảnh thị xã từ trên cao. Kết thúc chiến tranh còn nhiều việc quan trọng phải làm, chẳng ai nghĩ nhiều đến công lao thành tích. Và cho đến khi chuyển ra Quân khu Thủ đô công tác Nguyễn Sỹ Kỳ mới biết tấm ảnh mình đứng cạnh lá cờ trên đỉnh Tháp Nhạn đang treo ở Bảo tàng tỉnh Phú Yên và một người bạn của ông đã chụp lại tặng ông làm kỷ niệm. Lá cờ ấy treo đến ngày Quốc khánh 2-9-1975 thì bạc màu nên ông Nguyễn Phùng, Trưởng ty Thông tin - Văn hóa đã cử Nguyễn Văn Trinh (nay là Trưởng Đài phát thanh thành phố Tuy Hòa) leo lên đỉnh thay cờ mới. Dù được hỗ trợ nhiều nhưng rất khó khăn Nguyễn Văn Trinh mới hoàn thành nhiệm vụ…
Sáng 30-4, chiếc xe tăng đã húc đổ cánh cổng sắt tiến vào phủ Tổng thống của chính quyền Sài Gòn và lá cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất và trai làng thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì chiến chinh còn sống lần lượt trở về quê hương nhưng gia đình Nguyễn Sỹ Kỳ mãi không thấy bóng dáng đứa con trai cả. Cha ông khi đó nghĩ có thể Kỳ đã xanh cỏ ở chiến trường. Và bất ngờ khi làng quê đang mùa gặt, các bà, các cô kĩu kịt gánh lúa về sân kho chạy đến báo tin Kỳ về, người cha già chạy như bay ra đầu làng đón con. Nước mắt người cha bao năm chờ đợi không chảy nổi giờ thẫm đẫm vai áo lính bạc màu của đứa con yêu. Những ngày phép ngắn ngủi qua mau nhưng anh sĩ quan trẻ áo quần vương mùi thuốc súng đã kịp bén duyên với một cô thôn nữ xinh đẹp và sau đó là vợ anh.
Sau khi sáp nhập Phú Yên và Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh tháng 11-1975, Nguyễn Sỹ Kỳ được Tỉnh đội Phú Khánh điều động về làm Đại đội phó Đại đội 202 đặc công anh hùng. Năm 1978, Tỉnh đội Phú Khánh thành lập lại Đại đội 22 súng máy cao xạ 12,7 ly đã giao cho ông làm Đại đội trưởng, sau đó đề bạt chức vụ Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 78 pháo cao xạ 37 ly. Trong những năm 1979-1983, ông được Tỉnh đội cử đi học ở Học viện Lục quân Đà Lạt, đào tạo cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn. Tháng 6-1983, sau khi tốt nghiệp, ông được điều động về Phòng Quân huấn Quân khu Thủ đô. Năm 1988, Nguyễn Sỹ Kỳ được Quân khu Thủ đô giao nhiệm vụ Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Huyện đội Thanh Trì. Từ năm 1991, ông được đề bạt làm Chỉ huy trưởng Huyện đội Thanh Trì cho đến khi về hưu vào năm 2003 với quân hàm Đại tá.
Ở tuổi 65, Đại tá Nguyễn Sỹ Kỳ vẫn giữ được phong độ, đi lại nhanh nhẹn, khỏe khoắn, có lẽ nhờ sự rèn giũa của quân đội. Trong căn nhà hai tầng ấm áp, ông sống bình yên và hạnh phúc bên người vợ và các cháu. Theo thời gian, tấm ảnh đen trắng dần bạc màu nhưng Nguyễn Sỹ Kỳ chân thành: "Tôi không cắm lá cờ ấy thì cũng sẽ có đồng đội tôi làm nhiệm vụ đó". Nói xong ông yên lặng, tôi đoán ký ức một thời chinh chiến khói lửa lại ùa về…