Giải pháp trọng tâm tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô

Kinh tế - Ngày đăng : 14:15, 23/04/2015

(HNMO) - Sáng nay (23-4), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt chủ trì cuộc họp thảo luận dự thảo đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020” theo đề xuất của Sở NN&PTNT.

Ông Lưu Văn Hải, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành nông nghiệp Hà Nội những năm qua phát triển khá toàn diện: Giai đoạn 2008 – 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,75%/năm; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác năm 2014 đạt 231 triệu đồng/ha/năm, tăng 1,86 lần so với năm 2008… Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất có nhiều tiến bộ và hiệu quả, bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh như trồng hoa (Mê Linh, Đan Phượng), cam Canh, bưởi Diễn ven sông Đáy (Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai), rau an toàn (Thường Tín, Đông Anh), chăn nuôi bò thịt, bò sữa tập trung (Ba Vì), chăn nuôi gia cầm trên địa bàn (Đông Anh, Ba Vì, Quốc Oai), chăn nuôi lợn (Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ứng Hòa), thủy sản (Thanh Trì, Ứng Hòa)… Tuy nhiên, nông nghiệp cũng như thu nhập của nông dân còn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa đồng đều, thiếu vững chắc… Từ thực tiễn sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản đang đặt ra nhiều thách thức…

Việc xây dựng đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020” là cần thiết nhằm khai thác, sử dụng tối đa các nguồn lực, xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô theo hướng hiện đại gắn với đô thị sinh thái… Tuy nhiên, sau khi nghe góp ý của sở, ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt cho rằng, không nhất thiết phải lập đề án tái cơ cấu mà chuyển sang xây dựng kế hoạch hành động, trong đó, tập trung vào 5 lĩnh vực và 5 giải pháp trọng tâm. Cụ thể, trong trồng trọt chuyển đổi đất lúa vùng cao kém hiệu quả sang trồng rau, hoa, cây ăn quả, vùng đất trũng thâm canh nuôi trồng thủy sản, mở rộng diện tích lúa hàng hóa năng suất, chất lượng cao; phát triển chăn nuôi đàn bò sữa, bò thịt, lợn, chú trọng phát triển giống gia súc, gia cầm cung cấp cho thị trường; nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm; phát triển kinh tế rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất rừng; tập trung xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Còn về giải pháp gồm, tập trung rà soát điều chỉnh quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi, đê điều, thủy lợi, đất nông nghiệp…; rà soát bổ sung cơ chế chính sách sát với thực tế; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đưa khoa học kỹ thuật, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất; tập trung thu hút đầu tư công, nhất là lĩnh vực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao…; cải cách hành chính, cơ chế quản lý điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý. Phó Chủ tịch UBND thành phố giao sở, ngành liên quan tiếp tục góp ý để bổ khuyết, hoàn thiện kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thúy Nga