Trách nhiệm và tâm nguyện của mỗi người dân

Văn hóa - Ngày đăng : 06:45, 23/04/2015

(HNM) - Chùa Tây Phương (Sùng Phúc Tự) từ lâu đã nổi tiếng cả nước bởi đây là một di tích tiêu biểu nhất về mặt kiến trúc, điêu khắc và tạc tượng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Chùa được xây dựng trên ngọn núi Câu Lậu, thuộc Thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội.


Ngôi già lam cổ tự trên đỉnh núi Câu Lậu linh thiêng

Chùa Tây Phương, một bảo tàng mỹ thuật Phật giáo với hệ thống tượng pháp và kiến trúc thế kỷ XVIII, được ví như là ngôi già lam cổ tự, tọa lạc ở vị trí đắc địa trên đỉnh núi Câu Lậu, cao chừng 50m. Để lên được chùa chính, du khách leo qua 237 bậc đá ong. Nơi đây có những cây cổ thụ, cây lưu niên xanh tốt tạo ra không gian thanh bình, khoáng đạt, yên tĩnh.

Một góc chùa Tây Phương.



Tương truyền, chùa có từ thời Đường. Sau đó chùa được trùng tu vào đời Mạc, thời Lê và thời Tây Sơn. Chùa quay theo hướng Đông, thế "ngưu tượng hợp quần, lý ngư vọng nguyện", bao gồm các hạng mục: Tam quan hạ, tam quan thượng, miếu Sơn Thần, Tiền đường, Trung đường, Thượng diện, nhà Tổ, nhà Mẫu… Với kết cấu kiến trúc mặt bằng kiểu chữ "Tam", chùa Tây Phương đã trở thành điển hình cho các ngôi chùa Bắc Bộ, với hai tầng mái dấu thiềm, lợp ngói mũi hài, các mái đao bay lên cong vút, trên có gắn tứ linh. Xung quanh diềm mái của tòa nhà đều chạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn. Bên trong nóc mái, rui mè đều có mộng ô vuông được trang trí tô màu mô phỏng áo cà sa của nhà Phật. Phải chăng khi xây dựng chùa Tây Phương, người dân dưới triều nhà Tây Sơn đã đồng nghĩa ngôi chùa này với thế giới Tây Phương cực lạc nên tổng thể ngôi chùa đã toát lên vẻ trang nghiêm mà thoáng đãng, phù hợp với triết lý sắc sắc không không của nhà Phật.

Điều đáng quý hơn là nơi đây còn tập trung những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Khắp chùa, chỗ nào có gỗ là có chạm trổ. Các đầu bẩy, các bức cổn, ván long… đều chạm trổ hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng…, rất tinh xảo. Đáng chú ý nhất là bộ tượng tròn gồm 64 pho, mang phong cách hiện thực. Ẩn chứa trong mỗi pho tượng là thần thái nội tâm, đạo lực từ bi, vị thiền, giải thoát đều hiển hiện dưới từng nét chạm, sinh động từ nếp áo đến dáng điệu. Trong số này, pho tượng Tuyết Sơn, tượng La Hầu La Đa được xem là tượng đẹp nhất trong toàn bộ nền nghệ thuật điêu khắc Việt Nam, hay như những nét đặc sắc cá tính của 18 vị tổ La Hán. Nhiều pho tượng ở đây được tạc cao hơn người thật như các pho tượng Kim Cương và Hộ Pháp cao chừng 3m, vị thì vẻ trang nghiêm, vị thì phúc hậu. Có thể nói, chùa Tây Phương là nơi hội ngộ của các "phật sống" tọa thiền với tất cả nét độc đáo trong tâm tư và hình thái của mỗi vị.

Hơn thế nữa, các chi tiết trang trí bên trong và bên ngoài chùa còn thể hiện quan niệm nhân sinh quan, thế giới quan của người Việt cổ, mang đậm nét văn hóa nền văn minh lúa nước. Nhân dân địa phương ngày nay vẫn quan niệm chùa được tạo tác theo dáng dấp kiểu "thượng sơn lưu đài - hạ sơn lưu thủy", hình ảnh của công trình chùa chính thấp thoáng trong những tán lá cây lưu niên trên đỉnh Câu Lậu đã thực sự tạo nên khung cảnh "Tây Phương cực lạc" nơi trần thế.

Điểm nhấn trong dòng chảy văn hóa hôm nay


Thạch Thất là vùng đất văn hiến, đất danh hương nằm trong dòng chảy văn hóa xứ Đoài linh thiêng và hào hoa. Bạn bè và du khách cả nước đã từng biết đến Thạch Thất, bởi đây là nơi có nhiều di chỉ khảo cổ học cùng những di tích có giá trị, hệ thống đình, đền, chùa dày đặc trên khắp địa bàn huyện. Nơi đây cũng hội tụ nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc, tiêu biểu cho những giai đoạn lịch sử cụ thể. Bởi vậy, không chỉ có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, chùa Tây Phương còn ẩn chứa trong đó những giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống của người Việt cổ. Có thể nói, lịch sử hình thành và phát triển chùa Tây Phương diễn ra song hành cùng với quá trình phát triển Phật giáo nước nhà, thể hiện tinh thần độc lập dân tộc, bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam. Chùa Tây Phương cũng là một trong những điểm đánh dấu sự chuyển biến về hệ tư tưởng Phật - Lão - Nho từ cuối thời Hậu Lê sang nhà Mạc rồi thời Lê Trung Hưng, thời Tây Sơn mà biểu hiện rõ nhất là ở hệ thống kiến trúc, hệ thống tượng pháp trong chùa cùng với các nghi lễ chính tôn nghiêm diễn ra trong dịp lễ hội hằng năm.

Trong dòng chảy văn hóa hôm nay, lễ hội chùa Tây Phương đã trở thành điểm nhấn lớn mang tính vùng miền trong cả nước. Trong những ngày này, người dân một lòng thành kính dâng lên Phật đài hương, đăng, trà, quả… tất cả đều trong lành, chay tịnh như ước muốn của mọi phật tử, giúp con người loại bỏ, tự vấn những tội lỗi mà mình gây ra, đề cao sự tự giác, lòng từ bi, sám hối, tránh mọi điều ác để rồi lương tâm thanh thản, nhẹ nhõm. Trong không gian văn hóa của một vùng đất cổ với nhiều hội lễ dân gian, đưa những người dân trở lại với sinh hoạt đời thường, thưởng ngoạn những giá trị văn hóa truyền thống, để thêm gắn kết tình người với nhau trong tình cộng đồng bằng hữu. Những trò hội diễn ra dưới chân đồi, nơi ồn ào sới vật, kéo co; chỗ sâu lắng với những làn điệu quê hương của nhóm hát Xứ Đoài. Đông vui, cuốn hút hơn cả có lẽ vẫn là các màn múa rối nước với các tiết mục vui nhộn, giúp người dân quê xua đi những mệt nhọc âu lo hằng ngày.

Mùa chính hội năm nay, người dân Thạch Thất nói chung và người dân Thạch Xá nói riêng còn vui mừng hơn bởi ngày hôm nay, 23-4 tức ngày 5 tháng Ba âm lịch, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương và Quyết định công nhận Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn là Bảo vật quốc gia. Đây là sự kiện đặc biệt vui mừng, niềm tự hào nhưng cũng đặt ra những nhiệm vụ lớn hơn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Vì vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị di tích một cách hiệu quả nhất không gì quan trọng bằng việc khuyến khích người dân tham gia vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Mỗi người dân Thạch Thất đều nêu cao ý thức, rằng: Giữ gìn Di tích chùa Tây Phương là trách nhiệm và tâm nguyện của mình. Qua đó giáo dục cho các thế hệ con em địa phương biết trân trọng, giữ gìn, kế thừa những di sản văn hóa trong nếp sống, trong thuần phong mỹ tục đang hiện hữu trên quê hương mình; tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm túc Luật Di sản; không tổ chức các hoạt động gây ảnh hưởng tới di tích; gắn công tác bảo tồn, gìn giữ di tích với việc tăng cường quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng du lịch điểm đến chùa Tây Phương…

Trần Đức Nguyên