Rườm rà sinh... tiêu cực
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:50, 23/04/2015
Kết quả này không chỉ tạo nên bộ mặt mới cho hệ thống kết cấu hạ tầng mà còn thay đổi nhận thức về vận dụng cơ chế thị trường trong huy động và sử dụng nguồn lực, qua đó đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa đáng kể cho phát triển kết cấu hạ tầng.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình triển khai vẫn gặp một số khó khăn cần điều chỉnh. Điển hình như, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh phàn nàn, thủ tục chọn nhà đầu tư vào các dự án hạ tầng hiện quá rườm rà, mất tới 588 ngày. Để bảo đảm chất lượng các công trình, dự án hạ tầng, chống thất thoát, lãng phí, đòi hỏi phải đặc biệt cẩn trọng trong lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu. Rõ ràng không thể vì tiến độ mà thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, chọn thầu vội vàng, cẩu thả, nhưng thủ tục quá rườm rà, mất thời gian như phản ánh của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thì khó có thể chấp nhận. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lập tức yêu cầu cần khẩn trương khắc phục. Theo Thủ tướng: Lựa chọn nhà đầu tư mà mất 588 ngày thì làm sao có thể công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cả nước đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, từ đó hạn chế tối đa nhũng nhiễu, tiêu cực trong phục vụ hành chính công. Trong lĩnh vực thực hiện dự án, lâu nay dư luận nảy sinh không ít nghi vấn về chuyện "quân xanh, quân đỏ" hay những "chiêu trò" trong gọi thầu, đấu thầu để nhận "lót tay", khiến chi phí không chính thức tăng lên… Chính những thủ tục rườm rà, phức tạp là "công cụ hỗ trợ" phát sinh… tiêu cực. Nhà nước thất thoát ngân sách, nhân dân thiệt thòi vì không được sớm hưởng thụ lợi ích khi các dự án ì ạch về đích. Không ít vụ tham nhũng xảy ra tại các dự án phát triển hạ tầng bị phanh phui trong những năm gần đây là minh chứng khẳng định những nghi vấn đó không phải thiếu cơ sở.
Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, việc kêu gọi các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển hạ tầng theo hình thức: PPP, BOT… là giải pháp đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Không chỉ các nhà đầu tư trong nước mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ mong muốn tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng ở nước ta. Đây là điều rất đáng mừng. Dẫu vậy, các nhà đầu tư cần phải được coi trọng và được xem như một đối tác bình đẳng. Việt Nam đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng và không thể giữ lề lối làm việc "một mình một chợ". Khi không có lợi, các nhà đầu tư sẽ tìm đến miền đất khác. Khẩn trương khắc phục hạn chế trong thủ tục đầu tư là đòi hỏi cấp thiết. Mỗi bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực, trách nhiệm cao hơn trong công tác quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính cũng như đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, quản lý đầu tư hiệu quả. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 13 đã tạo ra nhận thức mới về vận dụng cơ chế thị trường trong huy động và sử dụng các nguồn lực phát triển hạ tầng, nhưng như thế vẫn chưa đủ và không thể sớm thỏa mãn.