Chúng ta tự xấu hổ đủ rồi!

Đời sống - Ngày đăng : 06:50, 22/04/2015

(HNM) - Nếu coi vụ tranh giành, xô đẩy, bất chấp nguy hiểm để vào Công viên nước Hồ Tây là một dạng hội chứng không được hoan nghênh thì đáng tiếc, hội chứng ấy đã có một lịch sử đáng kể với chuỗi sự kiện tương tự.

Năm 2013, khi đám đông tràn vào một nhà hàng mới khai trương trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội) để tranh nhau món sushi miễn phí, một trong số người chứng kiến cảnh tượng đã nói trên trang cá nhân của mình rằng anh thấy "ngượng chín cả người". Năm nay, những người đầy đủ ý thức về lòng tự trọng chắc chắn phải "tiếp tục ngượng" khi thấy cảnh chen chúc ở Công viên nước Hồ Tây, ở Đền Trần, Hội Gióng… Câu hỏi là chúng ta phải tự xấu hổ đến bao giờ nữa?

Sức chứa của toàn công viên nước chỉ vài nghìn người nhưng sáng 19-4 ước tính đã có tới hàng chục nghìn người lớn, thanh niên, trẻ nhỏ đổ về dẫn đến quá tải. Ảnh: Anh Tuấn


Cuộc sống cho thấy chúng ta phải tự xấu hổ đủ rồi, bởi đó không phải cảm giác khổ sở cá nhân, mà liên quan hình ảnh con người, đất nước Việt Nam trước toàn thế giới.

Những người chen lấn, xô đẩy, leo trèo qua rào sắt ở Công viên nước Hồ Tây đã xong một ngày vui theo ý của họ, chưa chắc mảy may nghĩ rằng hình ảnh về họ có thể lan ra khắp cộng đồng, vượt biên giới lãnh thổ. Cũng chưa chắc liên hệ sự việc này với một thực tế rằng ở một số nơi, người nước ngoài thể hiện sự cảnh giác trước thói tật ứng xử của người Việt. Có phải hỏi tại sao, ở nước ngoài, trong một cửa hàng ăn tự chọn "không có yếu tố Việt" lại có thể hiện hữu bảng chữ tiếng Việt "Ăn đến đâu lấy đến đấy", "Đi vệ sinh xong nhớ dội nước"…

Trong phần lớn những gì đã xảy ra, thể hiện hành vi kém văn minh và thói quen tham lam, chúng ta đã xác định nguyên nhân quan trọng là ý thức coi trọng danh dự kém, kỹ năng sống không phù hợp, thái độ tôn trọng quy ước cộng đồng và luật pháp không tồn tại. Sự thiếu hụt ở cá nhân liên quan phần việc chuyên môn của những người đảm nhận trách nhiệm dạy họ thành người văn minh ngoài việc dạy chữ. Nó liên quan hành vi không đúng đắn của người đi trước, phụ thuộc vào chất lượng kiểm soát tình hình nhằm bảo đảm rằng mọi cá nhân phải có cách ứng xử phù hợp với tiêu chí chung của toàn xã hội. Nói vậy có nghĩa là cần đánh giá lại chất lượng giáo dục con trẻ của "ba nhà", xem xét lại giải pháp triển khai thực hiện các phong trào xây dựng văn hóa, con người hiện đại - văn minh và nhiều phần việc khác.

Giáo dục hẳn nhiên giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành lối sống, bằng cách dạy bài học ứng xử cho từng cá nhân ngay từ khi còn trẻ. Những câu ca dao, tục ngữ "Đói cho sạch, rách cho thơm", "Tốt danh hơn lành áo" có ý nghĩa bổ trợ cho quá trình hướng thiện, giờ không còn mấy tác dụng nếu không được gắn với những tình huống liên quan để con trẻ biết mình cần xử lý thế nào. Những chuẩn mực ứng xử được "liệt kê" trong bài giảng đạo đức không giúp con trẻ "lớn" được nếu tách khỏi bài học cuộc sống, nơi vẫn còn vô số người hăng say khoe tiền khoe xe có được nhờ "cởi", "hở", "lộ"… Muốn có được sự liên hệ đó, đơn giản là quá trình đổi mới phương pháp giáo dục phải đem lại sự thay đổi về chất.

Mối nguy từ sự mất cân đối giữa văn hóa và phát triển thể hiện qua những sự vụ kiểu như "cướp ấn", "cướp lộc", "hôi bia", một phần là hệ quả của quá trình hình thành nhân cách cá nhân không đến nơi đến chốn. Thói vô cảm, tâm lý hùa theo đám đông, chạy theo hình thức, tuyệt đối hóa giá trị vật chất không tự nhiên mất đi ở một bộ phận cộng đồng nếu chúng ta không triệt tiêu được môi trường sản sinh và nuôi dưỡng chúng. Môi trường văn hóa công sở, văn hóa cơ sở, những mảng phong trào quan trọng không đem đến lợi ích thiết thực nếu không hướng vào thực tiễn nhằm giải quyết những vấn đề nảy sinh.
Chúng ta tự xấu hổ vì những chuyện không đâu đủ rồi!

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Trương Minh Tiến:

- Theo tôi, để xảy ra vụ việc này, trách nhiệm trước hết thuộc về ban tổ chức. Thực tế cho thấy người dân rất quan tâm việc được sử dụng miễn phí dịch vụ hay mua hàng hóa giảm giá và đó không chỉ là tâm lý của riêng người dân Việt Nam. Vấn đề là ban tổ chức phải tiên lượng được tình huống xảy ra để tổ chức sự kiện thật chu đáo và an toàn. Hơn nữa, qua đây, chúng ta cũng thấy rằng, phải tuyên truyền nâng cao nếp sống văn minh cho du khách cũng như người dân bởi vì thực tế cho thấy sau khi ban tổ chức thấy quá tải, yêu cầu người dân không vào công viên nữa nhưng một bộ phận vẫn cố tình trèo qua hàng rào để vào. Đó là hành động thể hiện một nếp sống không văn hóa.

Trước mắt, Sở VH-TT&DL yêu cầu đơn vị tổ chức sự kiện báo cáo lại vụ việc và nghiêm túc kiểm điểm để tổ chức lần sau tốt hơn.

Thạc sĩ Bùi Thị Vân Anh (Viện Tâm lý học):

- Hành vi trèo hàng rào vào và gây lộn xộn ở công viên thực chất là hiện tượng tâm lý đám đông. Hành vi không đẹp của một người đã lan truyền tới những người khác và được những người này nhiệt tình hưởng ứng. Đây có thể là hành động bột phát, thiếu kiểm soát của một số người, nhưng nó cũng thể hiện phông văn hóa kém của họ, làm méo mó hình ảnh đẹp, văn minh lịch sự cần có ở các bạn trẻ ngày nay. Đây không phải là hình ảnh của một số cá nhân nữa, mà nó thể hiện hình ảnh xã hội. Hình ảnh không đẹp này diễn ra trước mắt con trẻ, tạo gương xấu cho con. Khi nhìn vào những hình ảnh này, người khác sẽ coi thường. Xét về mặt văn hóa thì đây là hành vi không nên tái diễn.

Vũ Hoaghi

Quế Trinh