Đối diện rào cản gai góc
Thế giới - Ngày đăng : 06:41, 22/04/2015
Số người phản đối TTIP ngày càng tăng mạnh ở Châu Âu. |
Hiện tại, kinh tế Mỹ - EU chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa, dịch vụ và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Châu Âu, chiếm 66% tổng vốn đầu tư của nước ngoài vào EU. Theo các nhà hoạch định chính sách, TTIP sẽ thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương lên đến 1.000 tỷ USD/năm và tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm. Thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất trong lịch sử này, nếu được ký kết không chỉ hứa hẹn giảm biểu thuế vốn rất thấp giữa EU và Mỹ mà còn làm hài hòa những quy định chưa từng có với một số loại hàng hóa và dịch vụ, chưa kể việc tăng cường xuất khẩu, giảm rào cản thương mại và đầu tư. Ước tính, mỗi năm TTIP có thể giúp tăng thêm từ 0,5 đến 1% GDP cho cả hai bên và mang lại cho nền kinh tế EU 119 tỷ euro. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ có thể thu về nhiều hơn con số 95 tỷ euro. Xét về khía cạnh chính trị, một khi TTIP được ký kết thì quan hệ đồng minh truyền thống giữa Mỹ và Châu Âu sẽ được củng cố vững chắc hơn. Đây cũng là một cách để Mỹ và EU tăng cường sức mạnh trước các cường quốc mới nổi.
Tuy vậy, không có nghĩa TTIP không có những mặt trái. Nhiều ý kiến cho rằng TTIP sẽ dẫn đến việc gỡ bỏ một loạt hàng rào về tiêu chuẩn, đặc biệt về vệ sinh an toàn thực phẩm từ các sản phẩm biến đổi gen… đến việc xây dựng các cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp. Về chính trị, cũng có những ý kiến phản đối TTIP, bởi lẽ nhiều nước Châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp, luôn có truyền thống tương đối độc lập về chính sách đối ngoại so với Mỹ. Ngoài ra, các nhà vận động ở Châu Âu lo ngại người tiêu dùng có thể bị "bán rẻ" trong các cuộc đàm phán kín. Đây là lý do hàng chục nghìn người đổ xuống các đường phố ở Châu Âu biểu tình phản đối TTIP vào cuối tuần qua. Tỷ lệ người nói không với TTIP cao nhất ở Đức. Riêng cuộc biểu tình ở thành phố Munich đã thu hút 23.000 người, trong khi số người xuống đường ở thành phố Leipzig là 2.000, Stuttgart 1.000 và Frankfurk 700 người... Các cuộc biểu tình ở các thành phố khác của Châu Âu diễn ra với quy mô nhỏ hơn, như ở thủ đô Brussels (Bỉ) là 2.000 người, thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) và thành phố Helsinki của Phần Lan là 1.000 người...
Trước đó, từ cuối năm 2014, hơn 300 Tổ chức phi chính phủ (NGO) và các nhà hoạt động từ 24 quốc gia đã thành lập liên minh ngăn chặn việc ký kết TTIP gọi là "Stop TTIP". Mặc dù Ủy ban Châu Âu (EC) đã từ chối kiến nghị, đồng thời cáo buộc việc ngăn cản đàm phán là không hợp pháp. Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều người ủng hộ liên minh này không khỏi khiến các thành viên EU bối rối.
Hiện tại, Stop TTIP đã thu thập tới 7 triệu chữ ký phản đối việc hình thành khu vực thương mại tự do Mỹ - EU; trong đó, khoảng 1 triệu chữ ký tại nước Đức - đầu tàu kinh tế của Cựu lục địa… Bên cạnh đó là những bất đồng còn tồn tại trong quá trình đàm phán, số người phản đối gia tăng cho thấy, TTIP như một bước tiến khó cưỡng của làn sóng "toàn cầu hóa", nhưng đang phải đối mặt một rào cản khá gai góc. Điều này làm dấy lên những lo ngại rằng, TTIP sẽ khó có thể được ký theo lộ trình mà các nhà lãnh đạo Mỹ, EU đã định ra vào cuối năm nay.