Giải bài toán lao động cư trú bất hợp pháp
Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 21/04/2015
Đại diện Công ty TNHH Chitwing Việt Nam phỏng vấn người lao động. |
Người lao động tiếc nuối
Sau nhiều năm đi làm việc ở xứ người, tích lũy được không ít kinh nghiệm, tay nghề nhưng nhiều NLĐ trở về từ Hàn Quốc vẫn gặp phải không ít khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp với mức lương tương xứng. Vì thế, họ tiếc nuối và không muốn trở về nước đúng thời hạn. "Khi ở Hàn Quốc làm việc, mức lương của tôi là 2.000 USD/tháng. Sau khi hết hạn hợp đồng phải trở về nước, dù có kinh nghiệm nhưng hơn một năm trời tôi vẫn không tìm được việc làm. Vì thế, tôi rất tiếc khi không được làm việc ở Hàn Quốc", anh Đồng Văn Quang, ở Yên Bái cho biết.
Chị Nguyễn Thị Việt Hà, quê ở Hà Nội, từng làm việc ở Hàn Quốc cho biết, mức lương làm việc tại Hàn Quốc khá ổn định, từ 1.000 USD/tháng đến 1.200 USD/tháng, doanh nghiệp lo ăn, ở, chi phí đi lại. Với mức lương, ưu đãi như vậy nên những NLĐ như chị rất tiếc khi phải trở về nước sau khi hết hợp đồng lao động. "Vì tiếc công việc đang làm ổn định ở Hàn Quốc nên tôi đã tìm mọi cách để cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong 6 năm. Năm 2012, tôi trở về nước và phải mất khá lâu tôi mới tìm được công việc phiên dịch tiếng Hàn cho một công ty may của Hàn Quốc ở huyện Thạch Thất, với mức lương khoảng 500 USD/tháng", chị Việt Hà nói.
Cái "tiếc" khác của hầu hết NLĐ là dù đã trở về nước đúng thời hạn, muốn tiếp tục được sang Hàn Quốc làm việc nhưng gặp khó khăn. Khó khăn từ chính người trong nhà đang cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc (số NLĐ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã ở mức báo động nên chính quyền sở tại buộc phải thông báo sẽ không cho phép con em được đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc). Khó khăn nữa là do thiếu thông tin, nhẹ dạ, dễ bị "cò mồi" dụ dỗ, lợi dụng để lừa đảo bằng những lời hứa hẹn đưa đi làm việc ở những thị trường có thu nhập cao, không cần tay nghề, trình độ ngoại ngữ… Trên các website tuyển dụng luôn có thông báo tuyển dụng NLĐ đi làm tại Hàn Quốc, nhưng thực tế thì chỉ có một kênh chính thống duy nhất là Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ LĐ-TB&XH.
Giúp người lao động ổn định cuộc sống
Thời gian qua, các cơ quan chức năng Việt Nam đã nỗ lực bằng nhiều cách tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ trở về từ Hàn Quốc có việc làm tương xứng với trình độ, kỹ năng nghề, tránh lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao. Phiên giao dịch việc làm lần này là phiên thứ tư dành riêng cho NLĐ trở về từ Hàn Quốc. Có 38 doanh nghiệp, đơn vị tham gia phiên giao dịch với 749 chỉ tiêu tuyển dụng, trong đó có 14 doanh nghiệp Hàn Quốc có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam đã làm việc theo chương trình EPS. Các doanh nghiệp này có trụ sở tại các khu công nghiệp của TP Hà Nội và một số tỉnh khác như: Thái Nguyên, Bắc Ninh…
Các doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch mong muốn tuyển dụng được NLĐ có kỹ năng, kinh nghiệm, tác phong làm việc công nghiệp và trình độ ngoại ngữ nhất định. Ông Đỗ Đình Lâu, Phó Giám đốc Công ty Transon Việt Nam đánh giá rất cao ý thức, tay nghề của NLĐ đã từng làm việc ở Hàn Quốc. Công ty luôn có nhu cầu tuyển dụng đến 1.000 công nhân có tay nghề. Tuy nhiên, với những NLĐ ở phiên giao dịch này, ông Đỗ Đình Lâu cho biết, công ty sẽ tuyển dụng ở những vị trí quản lý với mức lương thấp nhất là 500 USD/tháng, cao nhất có thể là 2.000 USD/tháng, vì tác phong làm việc, ý thức của NLĐ đã làm việc ở Hàn Quốc được đánh giá rất cao.
Phiên giao dịch việc làm được tổ chức đã thu hút sự tham gia của hơn 1.000 NLĐ từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước. NLĐ ở các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang đến từ sáng sớm, mong được làm việc trong các doanh nghiệp có 100% vốn Hàn Quốc. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc TTDVVL Hà Nội cho biết, tổng chỉ tiêu tuyển dụng của 14 doanh nghiệp Hàn Quốc (12 doanh nghiệp có 100% vốn Hàn Quốc, 2 doanh nghiệp liên doanh với Hàn Quốc) là 325/749 chỉ tiêu, chiếm 43,39%, mức lương cao nhất 12-15 triệu đồng/tháng, tập trung vào nhóm ngành điện, điện công nghiệp, điện lạnh, phiên dịch, quản lý, chăm sóc khách hàng, bán hàng, công nghệ thông tin… "Đây là những công việc khá phù hợp với NLĐ đã làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước", ông Vũ Quang Thành cho biết.
Tạo việc làm, sử dụng nguồn lao động chất lượng cao là trách nhiệm không chỉ của TTDVVL Hà Nội. Phiên giao dịch lần này sẽ nhanh chóng giúp NLĐ ổn định cuộc sống. Nhưng điều quan trọng đây là cầu nối, nguồn động viên lớn nhất đến những NLĐ đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS yên tâm về nước đúng hạn, bởi sẽ có nhiều cơ hội đón đợi họ.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, trong thời gian tới 7.000 lao động Việt Nam (LĐVN) sẽ tiếp tục được sang Hàn Quốc làm việc. Đây là nội dung trong biên bản ghi nhớ đặc biệt về phái cử và tiếp nhận LĐVN sang làm việc tại Hàn Quốc theo EPS. Năm 2014, phía Hàn Quốc đã thông báo có thể ngừng tiếp nhận LĐVN vì hàng chục nghìn lao động cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng. Sau những nỗ lực vận động, thuyết phục NLĐ trở về nước đúng hạn, Hàn Quốc đã ký bản ghi nhớ đặc biệt lần thứ 2 vào trung tuần tháng 4-2015, hướng tới 2 nhóm đối tượng là: Lao động đã thi đỗ trong các kỳ thi tiếng Hàn tháng 12-2011, 5-2012, 8-2012 và 3-2014 nhưng chưa được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn; lao động về nước đúng thời hạn, đạt yêu cầu trong các kỳ thi tiếng Hàn đặc biệt tổ chức sau tháng 12-2011 mà chưa được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn. |