Sứ mệnh của những người giữ lửa
Chính trị - Ngày đăng : 06:44, 21/04/2015
Nhưng trước những yêu cầu đòi hỏi mới, Hội Nhà báo Việt Nam đang đối diện với những thử thách không nhỏ. Hội phải cùng những người làm báo Việt Nam phấn đấu để tiếp tục là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
1. Sáng nay 21-4, lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra tại xóm Ròong Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đúng ngày này 65 năm trước, tại địa danh lịch sử vốn là hội trường Mặt trận Liên Việt đã diễn ra đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam. Nhà báo, nhà ngoại giao Xuân Thủy được bầu làm Chủ tịch Hội. Tại Đại hội lần thứ 2, tổ chức vào năm 1959, Hội đã đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Hội đã trải qua 9 kỳ đại hội với các chủ tịch tiếp theo là nhà báo Hoàng Tùng, nhà báo Hồng Chương, nhà báo Phan Quang, nhà báo Hồng Vinh, nhà báo Đinh Thế Huynh và hiện nay là nhà báo Thuận Hữu. Nếu như năm đầu tiên thành lập, Hội Những người viết báo Việt Nam chỉ có khoảng 300 hội viên thì đến nay số hội viên đã tăng hơn 70 lần, với khoảng 22.000 người sinh hoạt ở 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 19 liên chi hội và 188 chi hội trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.
Suốt 65 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã tập hợp những người làm báo cách mạng trong cả nước thực hiện xứ mệnh của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng chính trị của Đảng và đã có những đóng góp xứng đáng. Ban Bí thư Trung ương Đảng từng đánh giá: "Từ ngày thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào việc tổ chức, động viên, cổ vũ các nhà báo - hội viên thực hiện tốt những nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam, xây dựng và phát triển đội ngũ những người làm báo; góp phần tích cực vào công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, từng bước hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách về báo chí; có nhiều hoạt động đối ngoại phong phú, không ngừng phát huy và nâng cao vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng trong hơn nửa thế kỷ qua". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng khẳng định: "Việc Đảng và Nhà nước quyết định tặng thưởng Huân chương Sao vàng - huân chương cao quý nhất cho lực lượng làm báo cách mạng nước ta là sự ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam".
2. Tuy nhiên, nói như Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ: "Nhìn lại quá khứ không phải chỉ để tự hào, mà phải nhìn nhận đó là động lực để tiếp bước, đổi mới và làm tốt hơn nữa. Nói đúng hơn là chúng ta còn rất nhiều công việc quan trọng phía trước cho nhiệm kỳ mới, cho những bước đi sau 65 năm". Qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TƯ ngày 18-3-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, thì vẫn còn hạn chế, tồn tại. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của hội viên chưa cao; phương thức hoạt động hội có đổi mới nhưng chưa theo kịp sự phát triển của báo chí. Sức thu hút của tổ chức hội chưa cao, vẫn còn những hội viên vi phạm Quy định đạo đức người làm báo, vi phạm pháp luật. Một số cấp ủy, chính quyền, cấp hội chưa có những giải pháp cụ thể, thiết thực và đồng bộ để phát huy hết vai trò của tổ chức hội đối với báo chí và những người làm báo.
Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 10 (khóa XI), Trung ương đã phân tích toàn diện, chỉ rõ ưu điểm, hạn chế của báo chí thời gian gần đây, đồng thời xác định cần thiết phải sớm ban hành và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025. Trong kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Mục tiêu của quy hoạch là sắp xếp hệ thống báo chí gắn liền với đổi mới mô hình, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu thông tin đa dạng của nhân dân, phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên internet. Khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật. Xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chủ quản, nhất là người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới".
Đây là trách nhiệm, cũng là cơ hội để báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và công tác Hội Nhà báo Việt Nam các cấp nói riêng cùng nhìn lại để có những giải pháp hoàn thành tốt hơn sứ mệnh lịch sử của mình. Trước mắt, tháng 8 này, dự kiến Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ diễn ra. Nhiệm vụ của các đại biểu đại diện cho hơn 2 vạn người làm báo cách mạng Việt Nam là phải xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho tương lai.
Lịch sử quá trình xây dựng và phát triển hội đã chứng minh, Hội Nhà báo Việt Nam cũng như những người làm báo cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ đều luôn xứng đáng với lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân. "Trong thiếu thốn mọi bề, nhưng những người làm báo cách mạng năm xưa đã làm việc quên mình, vì thành công của cách mạng, đã thực sự thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết. Ngày nay, trong điều kiện làm việc tốt hơn, không lẽ gì mà chúng ta không tiếp bước truyền thống đó, để tiếp tục sự nghiệp cách mạng vì nước, vì dân. Nói cách khác, thế hệ làm báo cách mạng hiện nay được trao sứ mệnh giữ ngọn lửa ấy, tiếp bước truyền thống của cha anh, giữ lửa cho tương lai" - Nhà báo Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định. Đây cũng là quyết tâm chung của thế hệ những người làm báo cách mạng Việt Nam hôm nay.