Làm gì để vực dậy y học cổ truyền?

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:08, 20/04/2015

(HNM) - Ngay chính những người trong ngành y cũng đã nhiều lần đề cập đến việc người Việt Nam sống trên cả rừng cây thuốc nhưng chưa tận dụng hết tiềm năng. Nhận định ấy đúng khi xung quanh chúng ta có rất nhiều cây thuốc, vị thuốc Nam vô cùng quý giá nhưng người dân vẫn hờ hững bỏ qua.

Bảo tồn, phát huy giá trị quý báu của cây thuốc Việt, vực dậy ngành đông y đang chờ lời giải từ cơ quan chức năng.



Từ những phương thuốc hay

Tại buổi tọa đàm về bệnh vẩy nến, viêm da cơ địa diễn ra tuần qua, PGS.TS Phạm Văn Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Da liễu trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam kể câu chuyện cảm động về cháu bé Nguyễn Đình Kỳ (ở Thanh Hóa) 14 năm mang trong mình căn bệnh vẩy nến. Cháu phát bệnh sau một cơn sốt từ lúc mới chỉ 8 tháng tuổi. Suốt 14 năm ròng, cháu không thể đi học cũng không thể vui đùa hồn nhiên với chúng bạn vì những mảng vẩy nến mọc ngày càng dày đặc, khắp người. Mỗi lần những mảng vẩy nến bong tróc, máu trên cơ thể cháu lại rỉ ra, rất đau đớn.

Biết được thông tin về hoàn cảnh đáng thương của cháu qua báo chí, PGS.TS Phạm Văn Hiển đã phối hợp với các lương y của Phòng khám Y học cổ truyền Thiên Phú Đường (ở 139 Phương Mai, Hà Nội) điều trị miễn phí cho cháu Kỳ. Qua thăm khám, PGS.TS Hiển đánh giá, ban đầu cháu Kỳ chỉ bị vẩy nến ở thể nhẹ nhưng do chữa trị không đúng cách, bằng nhiều loại thuốc Tây, đặc biệt là thuốc có chứa chất corticoid khiến bệnh ngày càng tái phát nặng thành vẩy nến chảy mủ - thể nặng nhất của bệnh vẩy nến. Với thể trạng của cháu không tốt, khi tiến hành chữa trị, các thầy thuốc Đông y đã cho bệnh nhân sử dụng thuốc mỡ bôi da kết hợp với các loại thuốc có tác dụng làm bong vết đóng vẩy để thuốc dễ thẩm thấu vào da. Sau đó, sử dụng bài thuốc chiết xuất hoàn toàn từ 5 vị thảo dược, gồm: Vừng đen, nghệ vàng, phá cố chỉ (đậu miêu), giềng núi, tinh dầu tràm. Chỉ sau hơn 3 tháng kiên trì chữa trị, hiện tại, bệnh tình của cháu Kỳ đã khỏi đến 85%, các vết bong da đỏ, vẩy nến hoàn toàn biến mất. Cũng nhờ bài thuốc từ cây cỏ thiên nhiên của Việt Nam này mà hàng trăm người bệnh đã thoát khỏi nỗi khổ của căn bệnh vẩy nến hành hạ.

Không chỉ bệnh vẩy nến mà còn nhiều căn bệnh như: Viêm loét dạ dày, tai biến, cơ xương khớp…, thậm chí là cả những căn bệnh nan y như ung thư cũng thuyên giảm nhờ việc ứng dụng những bài thuốc Đông y, thảo dược từ cây cỏ thiên nhiên của nước ta. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), xu hướng "trở về thiên nhiên" với việc sử dụng các thuốc từ dược liệu của người dân ngày càng gia tăng bởi nó ít có những tác động có hại và phù hợp với quy luật sinh lý của cơ thể. Khoảng 80% dân số hiện nay trên thế giới vẫn dựa vào thuốc có nguồn gốc tự nhiên trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Đến công tác bảo tồn…

Việt Nam có khoảng 12.000 loài thực vật, trong tổng số 4.000 loài cây có công dụng làm thuốc. Có nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý và hiếm trên thế giới như: Sâm ngọc linh, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, hoàng liên gai… Thế nhưng, theo Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Trương Quốc Cường, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất thuốc trong nước với tỷ lệ gần 90%. Cụ thể, với các dược liệu thảo dược, chúng ta mới chỉ cung cấp được khoảng 25% (15.600 tấn/năm), phần còn lại phải nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... Điều này bắt nguồn từ việc nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta hiện nay còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định.

Theo đại diện của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), hiện ở Việt Nam có khoảng 600 loài cây thuốc quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Nguyên nhân là do chúng ta khai thác một cách ồ ạt, không có kế hoạch và chưa chú ý đến tái sinh, bảo vệ rừng làm nguồn cây thuốc ở nước ta bị tàn phá nhanh và cạn kiệt. Ở Lào Cai chỉ có một số ít đồng bào người Dao đỏ biết sử dụng cây thuốc, còn lại chủ yếu là vào rừng lấy đem bán kiếm tiền. Chính vì không hiểu về công dụng của cây thuốc, lại được các đầu nậu thu mua tận nơi nên đại đa số bà con sống ở những nơi có cây thuốc sinh trưởng và phát triển đều khai thác theo kiểu "chặt tận gốc, nhổ cả rễ".

Ngoài ra còn có một nghịch lý là trong khi nhiều bài thuốc thảo dược quý hiếm của Việt Nam hiện không được bảo tồn thì đông dược nhập lậu, không nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng lại được bày bán tràn lan, khó quản lý gây ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và uy tín của y dược cổ truyền Việt Nam. Theo thống kê có đến 80% thuốc Đông y tại Việt Nam được nhập lậu từ Trung Quốc, trong đó có nhiều loại khi kiểm nghiệm có thuốc trừ sâu, thạch tín, lưu huỳnh vượt mức cho phép. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện có không ít loại dược liệu nhập khẩu đã bị chiết xuất hút hết hàm lượng tinh chất chỉ còn là… củi rác.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, thuốc Đông y Việt Nam thật thường không đáng lo vì lợi nhuận thấp, số lượng không nhiều nên người bán cũng không cho thêm các chất bảo quản hay các chất độc hại. Ngược lại, với đông dược các nước quanh vùng nhập về thì cần phải cảnh giác vì họ thường trộn lẫn tân dược với đông dược, gây ra các phản ứng phụ nguy hiểm. Ngoài ra, thuốc Đông y nhập lậu về thường có tồn dư chất bảo vệ thực vật cao và chứa hàm lượng kim loại nặng rất lớn, dễ gây ra các loại bệnh mạn tính nguy hiểm cho người dùng (như gan, thận, tim mạch...). Những lý do trên đã khiến cho thuốc có nguồn gốc từ dược liệu hiện chỉ đứng khiêm nhường bên cạnh tân dược trên thị trường dược phẩm. Vậy phải làm gì để bảo tồn, phát huy giá trị quý báu của cây thuốc Việt, vực dậy ngành đông y đang "đứng bên bờ vực thẳm" (?). Câu hỏi này đang chờ lời giải từ phía cơ quan chức năng.

Thu Trang