Chiến tranh chỉ còn là ký ức: Tháng Tư trong màu trắng hoa cà phê

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:16, 20/04/2015

LTS: Từ trận đánh mở màn giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10-3 đến khi lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập của chính quyền Sài Gòn ngày 30-4-1975 là cả chuỗi sự kiện gắn với mùa Xuân đại thắng...

LTS: Từ trận đánh mở màn giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10-3 đến khi lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập của chính quyền Sài Gòn ngày 30-4-1975 là cả chuỗi sự kiện gắn với mùa Xuân đại thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối. Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá hơn, nhất là từ khi Đảng ta thực hiện công cuộc Đổi mới đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), Báo Hànộimới giới thiệu tới bạn đọc loạt bài viết về những vùng đất kiên trung, anh dũng trong chiến tranh nay đã mang dáng vóc mới, những con người một thời cùng dân tộc viết nên lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và cuộc sống đời thường của họ hôm nay.

Tháng Tư trong màu trắng hoa cà phê

Buôn Ma Thuột đầu tháng Tư. Trận mưa bất chợt khá lớn kéo dài gần một giờ xảy ra ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc làm cuộc gặp mặt của các cựu sinh viên Đại học Huế ở bãi cỏ trong khu sinh thái Ako Dhong cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột vài cây số phải chuyển vào trong lán tranh. Nhưng với dân có rẫy cà phê thì đó là những giọt nước trời quý giá và họ gọi là trận "mưa vàng". Đã lâu Tây Nguyên không mưa, Đắc Lắc cũng không mưa mà hoa cà phê đang nở trắng, thiếu nước hoa sẽ không đậu thành quả nên trong cảnh ngày nào chủ rẫy cũng vất vả, hì hục nối ống dài năm bảy chục mét bơm nước thì đúng là mưa vàng thật. Nhà nào có năm bảy héc ta cà phê, nhờ trận mưa sẽ đỡ được một khoản tiền khá lớn…

Như quy luật tự nhiên, khi hoa cà phê nở cũng là lúc bướm bay rợp trời Tây Nguyên. Thành phố Buôn Ma Thuột ngập tràn cánh bướm rập rờn trong nắng trưa. Những con bướm nhỏ cánh vàng cứ bay lên bay xuống như trò chơi Flappy Bird trên điện thoại di động của Nguyễn Hà Đông. Bướm làm cho người ta liên tưởng Tây Nguyên là vùng đất cổ tích.

Phóng viên Hànộimới trò chuyện với ông Y Sứ Knu, Trưởng buôn Kao.


Buôn Ma Thuột đúng là thành phố xanh, nhất là khu vực trung tâm. Đủ các loại cây, từ sao, sữa, xà cừ, me nhưng nhiều nhất là muồng, hoa bung ra vàng hơn sắc nắng mùa khô. Tuy nhiên, thành phố chỉ còn duy nhất một cây Kơnia, loài cây thiêng với người Êđê. Cây chạy dọc vỉa hè che nắng cho các căn nhà hộp san sát nhau, kiểu nhà vuông vắn có ban công nhỏ, mỗi tầng chỉ cao hơn ba mét thường thấy ở các thành phố ven biển miền Trung. Kiến trúc Pháp với nhà thấp tầng lợp ngói nấp dưới các tán cây chỉ còn được thấy tại Nhà thờ chính tòa. Thi thoảng tôi bắt gặp những chiếc ô tô đỗ trước cửa nhà, hỏi Nguyễn Quang Vũ, anh bảo phần lớn là ô tô của chủ trang trại cà phê, tiêu, cao su, họ sống ở thành phố nhưng vườn nằm ở dưới huyện. Tất nhiên Vũ cũng trong số đó, sinh năm 1981 ở Bình Định, năm 1999 rời quê vào miền Tây mưu sinh. Tiền kiếm được anh tiêu pha tằn tiện, bị dèm pha chê cười cũng quyết không nhậu nhẹt, khi đã có vốn quyết định bỏ miền Tây chạy lên Đắc Lắc mua đất trồng cà phê và tiêu. Liên tiếp cà phê lên giá đã đổi đời Vũ, từ anh chàng làm thuê trở thành tiểu chủ.

Ngược dòng lịch sử, Buôn Ma Thuột ban đầu là vùng đất của người Êđê Kpă với khoảng 50 nhà dài nằm dọc theo suối Ea Tam do tù trưởng A Ma Thuột cai quản với các buôn: Ako Tam, Kmrong Prong, Păn Lăm, Ako Sier, Ale, Cư Dlue... xuôi theo dòng Ea Tam đổ ra sông Krông Ana. Khi người Pháp chiếm Việt Nam sau đó đổ bộ lên cao nguyên thành lập tỉnh Đắc Lắc đầu thế kỷ XX họ đã lấy buôn này làm nơi đặt cơ quan hành chính. Nhưng mãi đến năm 1930, Chính phủ Pháp mới nâng cấp lên thành thị xã. Trong thời kỳ người Pháp cai trị Đắc Lắc, độc tài nhất là Công sứ Leopold Sabatier, ông ta nắm quyền từ năm 1914 đến năm 1925. Năm 1924, Sabatier đã ra lệnh cấm không cho người Kinh lập nghiệp ở Đắc Lắc, lại vận động Khâm sứ Trung Kỳ Pierre Pasquier áp dụng chính sách này cho toàn Tây Nguyên. Một quyết định mang tính chia rẽ các dân tộc trên đất Việt Nam bị bà con Tây Nguyên phản đối và một cuộc biểu tình lớn do thủ lĩnh người Êđê Y Jút lãnh đạo nổ ra khiến Chính phủ Pháp buộc phải thay viên công sứ này bằng một người khác vào tháng 10-1925. Và cho đến năm 1975, thị xã này vẫn nhỏ bé, xinh xinh, chỉ có vài con đường nhựa quanh khu vực ngã sáu. Ông Ma Minh, Trưởng buôn M'Tuc của phường Ea Tam, người sinh ra lớn lên ở đây kể rằng trước năm 1970, ông học tiểu học, trung học tại thị xã thì Buôn Ma Thuột, nơi này chỉ có vài nghìn người Kinh vì người Êđê hay các dân tộc khác bao đời vốn quen "bước ra khỏi nhà vài bước là rừng, đi vài chục bước là tới suối". Thị xã khi đó có các hiệu bán tạp hóa, chợ, một số nhà của chủ vườn cà phê người Sài Gòn, Đà Nẵng hay Nha Trang giao cho quản gia trông coi, thi thoảng họ mới lên thăm rẫy. Còn Y Sứ Knu, Trưởng buôn Kao của xã Ea Kao cho biết, khi bé ông hay theo cha mang dưa leo, thú rừng săn được bán tại chợ, sau đó mua những thứ cần thiết rồi trở về buôn. Năm 1995, Nhà nước có quyết định nâng cấp thị xã trở thành thành phố và từ đó Buôn Ma Thuột cứ rộng dần ra. Quanh sân bay Hòa Bình ngày sau giải phóng không một nhà dân thì nay nhà kiên cố khá nhiều. Tôi trở lại kho Mai Hắc Đế, xưa là kho hậu cần lớn nhất Tây Nguyên của quân đội Việt Nam cộng hòa rộng hàng nghìn héc ta nay đông đúc nhà dân. Cách đây ngót hai chục năm, tôi nghe dân Buôn Ma Thuột nói rằng "Nhất Y nhì Quảng" với nghĩa đông nhất là người Êđê rồi đến người xứ Quảng. Nhưng sau 40 năm giải phóng, Buôn Ma Thuột đã khác. Ông Trương Vĩnh Mai, Trưởng phòng Dân tộc thành phố Buôn Ma Thuột nói vui "Thành phố này có 39 dân tộc thêm dân tộc Kinh là 40". Nhưng tôi thích câu nói của nhà báo Đình Đối hiện đang công tác tại Báo Đắc Lắc "Buôn Ma Thuột là thành phố dân góp". Có nhiều lý do dân các nơi về đây sinh sống. Là anh bộ đội sau giải phóng ở lại chuyển sang cơ quan dân chính đưa vợ con từ quê vào, nhưng phần đông vì lý do kinh tế. Chỉ cần đừng lười biếng thì cuộc sống trên cao nguyên đỡ vất vả hơn ở vùng ven biển miền Trung cát nắng hay miền Bắc đất chật người đông. Họ đánh thức tiềm năng vùng đất này bằng sức khỏe, bằng nỗ lực, bằng tính toán, bằng cả sự chắt chiu, kiến thức khoa học và tiền vốn. Ở bất cứ đường phố nào, khi bên phải, khi bên trái hoặc trước mặt, tôi đều nghe được tiếng Quảng đã bị "Tây Nguyên hóa" dễ vào hơn, tiếng Nghệ Tĩnh vẫn nặng trịch, tiếng Bắc, nghe một lúc có thể đoán được người tỉnh nào đan xen vào nhau ở thủ phủ của Tây Nguyên. Vì là "thành phố dân góp" nên ẩm thực tại Buôn Ma Thuột cũng đa dạng phong phú, những món ăn tinh hoa các vùng miền đều có ở đây, nào mì Quảng, bún bò Huế, bún chả, lươn Nghệ An, phở Hà Nội, bánh xèo Nam Bộ...

Rời trung tâm thành phố tôi đến buôn Ako Dhong (còn gọi là buôn Thôn hay buôn Ma Rin) nằm ở cuối đường Trần Nhật Duật. Ako Dhong theo tiếng Êđê có nghĩa là buôn đầu nguồn vì nó ở đầu con suối lớn. Đây là buôn lớn có lịch sử lâu đời được quy hoạch rất đẹp và giữ được nhiều giá trị truyền thống. Dấu ấn đậm nét chính là 27 nhà dài xếp dọc hai bên trục lộ, nhìn từ xa như những con thuyền và mái nhà như sóng. Nơi suối bắt đầu cũng chính là bến nước cũ của buôn, một bến nước đẹp nhưng hiện tại không sử dụng được do ô nhiễm. Vì thế cũng không còn lễ cúng bến nước. Tại một số nhà dài tôi vẫn tìm thấy chiêng mẹ, chiêng con, bếp lửa, dù không có không gian nhưng dù sao nó cũng gợi cho tôi về văn hóa của người Êđê với già làng kể sử thi bên bếp lửa và ché rượu cần. Tôi tiếc ngẩn ngơ vì không thể đến dự buổi tái hiện đám cưới của người Mường xưa ở xã Phú Hòa vì chẳng còn thời gian. Cũng như người Thái, người Mường di cư đến đây từ năm 1954 với nét văn hóa riêng biệt, họ sống chan hòa với các dân tộc anh em trên vùng đất bazan.

Tôi đi khắp thành phố cố tìm dấu vết của chiến tranh còn sót lại vì tôi biết sau ngày quân Giải phóng đánh chiếm Buôn Ma Thuột 10-3-1975, quân đội Việt Nam cộng hòa đã ném bom dữ dội khắp thành phố hòng chiếm lại các vị trí đã mất, nhưng tuyệt nhiên chẳng tìm thấy gì. Đã 40 năm, chiến tranh chỉ còn lại trong bảo tàng, các cuốn sách sử và trong ký ức của người lính, người dân. Tháng Tư Buôn Ma Thuột bình yên trong màu trắng của hoa cà phê.

Nguyễn Ngọc Tiến