Quyền riêng tư và trách nhiệm của truyền thông
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:54, 20/04/2015
Dễ thấy rằng một số trang thông tin điện tử và báo in mang tính chuyên đề về pháp luật - xã hội, giải trí dành khá nhiều "đất" cho những câu chuyện liên quan đến vụ án, đời sống tình dục, đời tư cá nhân… Điều đáng nói là từ những bài viết, hình ảnh đã được đăng tải, chúng ta có thể nhận ra dấu hiệu của việc xâm phạm quyền riêng tư, làm khổ người khác.
Chỉ nói những vụ việc liên quan gây dư luận rộng rãi trong thời gian gần đây, có thể kể ra vụ môi giới mua bán dâm được cho là có liên quan đến một nhóm "người mẫu, diễn viên" bị cơ quan chức năng phát hiện cách đây ít ngày. Thông tin là điều cần, cả khi chỉ là mô tả diễn biến quá trình điều tra hay ngâm tẩm thêm chút mắm muối dấm ớt về nhân thân của người trong cuộc, nhưng việc một số bài viết có đưa kèm ảnh của "nhân vật chính" trong một vụ việc vốn chẳng đẹp đẽ gì là điều phải xem lại.
Sự việc nói trên không khác gì so với vụ môi giới mua bán dâm của một số người đẹp từng có "danh vị" trong các cuộc thi sắc đẹp, từng "lên phim", đã được đưa ra xét xử vào năm 2013. Trước khi bị kết tội, hình ảnh, tên tuổi của cả người phạm tội hình sự lẫn người chỉ đáng bị coi là có sai phạm hành chính đã được "phơi" đầy trên mạng. Người ta lần tìm quê quán, nhà cửa của "đương sự", hỏi han thân nhân, không ngại ngần thông tin chi tiết dù biết rằng việc đó có thể ảnh hưởng xấu đến đời sống riêng của họ, gây tổn thương cho "nhân vật" và cản trở quá trình tái hòa nhập của người bị kết án.
Đó là thông tin liên quan đến các vụ án, dạng thông tin mà ở đó sự phân định rạch ròi giới hạn của quyền riêng tư và những gì có thể được thông tin một cách hợp pháp rất khó thực hiện, chủ yếu do sự thiếu rõ ràng về mặt khái niệm được đề cập trong một số luật liên quan. Điều đáng nói là không chỉ các cá nhân liên quan đến vụ án mới bị "bêu xấu" trước số đông, mà ngay cả những người không liên quan đến tội danh hình sự cũng có thể, vô tình hoặc hữu ý, trở thành "mồi ngon" trước truyền thông. Chẳng hạn, nhiều bài viết về tệ nạn xã hội, tật xấu của "sao" giải trí hay "kỹ thuật phòng the" được đưa kèm những tấm ảnh của ai đó - người Việt hoặc người nước ngoài, phần lớn trong trang phục "nhạy cảm" và tác giả chỉ cần thêm vào dòng chữ "ảnh minh họa" trước khi "bấm nút" đưa lên trang điện tử. Xét về tính nhân văn, liệu dòng chữ "ảnh minh họa" ấy có đủ để biện minh cho cách thông tin có thể gây ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của người khác?
Quyền riêng tư được thừa nhận và được bảo hộ trên phạm vi thế giới cũng như ở Việt Nam, thông qua Tuyên ngôn về nhân quyền, công ước quốc tế liên quan, hay Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Hình sự… của Việt Nam. Thực tế cho thấy biểu hiện xâm phạm quyền riêng tư trong hoạt động thông tin của cá nhân và cơ quan, tổ chức đang ngày một rõ hơn, cần phải được xem xét và có sự điều chỉnh kịp thời. Để làm được điều đó, trước hết, về mặt xây dựng các điều luật liên quan, cần phải trả lời những câu hỏi đặt ra từ cuộc sống, chẳng hạn như trong trường hợp này là báo chí có thể công khai thông tin cá nhân đến mức độ nào thì được coi là không vi phạm quyền riêng tư; những tấm ảnh "minh họa", như đã nói, có thể được chấp nhận hay không?… Hơn nữa, trước khi bàn đến chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân, cần phải khẳng định rằng, chính những người tham gia vào quá trình truyền thông cần phải tự ý thức được trách nhiệm tôn trọng quyền riêng tư của các cá nhân trong cộng đồng, không biến danh dự, nhân phẩm của người khác thành công cụ mưu cầu lợi ích.