Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân khảo sát làng nghề tại Nam Định

Chính trị - Ngày đăng : 16:13, 19/04/2015

Sáng 19/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân có chuyến khảo sát về thực trạng và phương hướng phát triển làng nghề tỉnh Nam Định. Chuyến khảo sát nhằm tìm hiểu thế mạnh và tồn tại của làng nghề, từ đó có những đề xuất hướng phát triển làng nghề trong cơ chế thị trường hiện nay.

Qua khảo sát cho thấy, toàn tỉnh Nam Định hiện có 128 làng nghề, trong đó có 34 làng nghề truyền thống. Các làng nghề đã tạo việc làm cho trên 60.000 lao động. Giá trị sản xuất năm 2014 ước đạt 4.000 tỷ đồng. Trong đó giá trị sản xuất từ nhóm nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt may… Tuy nhiên, phần lớn các làng nghề còn phát triển tự phát, sản xuất làng nghề còn manh mún, nhỏ lẻ; Nhiều sản phẩm làng nghề có uy tín, chất lượng nhưng còn đơn điệu về chủng loại; Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng nghiêm trọng, nhất là các làng nghề kim khí, sơn mài; Các hộ, Hợp tác xã và doanh nghiệp tư nhân còn gặp trở ngại trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khảo sát làng nghề tại Nam Định (Ảnh: Sài Gòn giải phóng)


Qua đó, kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, các làng nghề khắc phục ô nhiễm môi trường; Hỗ trợ vốn vay trung và dài hạn cho các chủ cơ sở sản xuất; Đồng thời hỗ trợ các làng nghề xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu của một số sản phẩm truyền thống để làng nghề tiếp cận thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.

Tại buổi khảo sát, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Vì sức sống làng nghề so với thị trường Việt Nam và nước ngoài nên phải tổ chức lại thành Hợp tác xã. Nếu vào Hợp tác xã thì chính sách đến từng hộ dân, được giới thiệu sản phẩm, chia sẻ kinh phí môi trường, hỗ trợ vay vốn và xây dựng thương hiệu.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nói: “Việc xây dựng thương hiệu cho 1.000 hộ làm đồ gỗ rất khó. Tuy nhiên, khi xây dựng thương hiệu La Xuyên, nếu có Hợp tác xã, thì các thành viên trong Hợp tác xã sẽ giám sát lẫn nhau. Thương hiệu phải do người trong nghề lập khi đó cơ quan giúp quản lý giám sát nội bộ chính là Hợp tác xã”.

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục có chuyến khảo sát tại Hợp tác xã Cốc Thành và Hợp tác xã Vạn Xuân Trường, huyện Vụ Bản, Nam Định. Chuyến khảo sát là cơ sở để ngày mai (20/4), MTTQ Việt Nam tổ chức Tọa đàm về thực trạng làng nghề, qua đó, đề xuất những kiến nghị để tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước./.

Theo VOV