Đừng phụ tình cảm của độc giả!

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:47, 19/04/2015

(HNM) - Nhân ngày Sách Việt Nam lần thứ 2 (21-4-2015), một hội chợ sách đã được tổ chức tại Công viên Thống Nhất. Bất ngờ không chỉ diễn ra trong ngày khai mạc khi người yêu sách nô nức kéo về trong cả những ngày tiếp theo. Bên cạnh người cao tuổi - vốn có bề dày văn hóa đọc, là không ít thanh niên và đặc biệt rất đông trẻ em. Thật là vui cho ngành xuất bản và đòi hỏi ngành này cần khẩn trương khắc phục hạn chế, bất cập để đáp lại tình cảm, nhu cầu của bạn đọc.


Người nay thường nói "sách là người thầy", còn người xưa "giản dị" hơn với câu "Bất học thi vô dĩ ngôn" (không đọc sách biết lấy gì mà nói) để nói về tầm quan trọng của văn hóa đọc. Sách không chỉ cung cấp kiến thức mà còn dạy làm người, nhất là sách lịch sử, văn học. Những hiện tượng xã hội tiêu cực xảy ra trong thời buổi kinh tế thị trường một phần bắt nguồn từ một nguyên nhân: Ngày càng ít người đọc sách. Tuy nhiên vai trò của sách không chỉ có vậy khi mới đây các nhà nghiên cứu văn hóa còn nghiên cứu, khẳng định sách có tác dụng giải trí và chữa bệnh. Giá trị là vậy song lạ thay, xung quanh câu chuyện viết sách, xuất bản còn quá nhiều bất cập tồn tại, ảnh hưởng tiêu cực đến độc giả, thậm chí tới cả văn hóa nước nhà. Từ nhiều năm nay, chế độ nhuận bút hầu như không thay đổi trong khi các sản phẩm dịch vụ tiêu dùng đều tăng giá. Cụ thể, tác giả vẫn chỉ được hưởng 10% giá bìa của ấn phẩm nhân với số lượng bản in. Có nhà văn đã đặt câu hỏi: "Quan hệ giữa nhà văn và nhà xuất bản là quan hệ kinh tế, giá cả do hai bên tự thỏa thuận với nhau tại sao lại bị trói buộc bởi một quy định hành chính?"

Viết tiểu thuyết, viết sách khoa học hay sách phổ biến kiến thức chả dễ dàng gì, mất sức lực, trí lực, thời gian nhưng chỉ thu được trên dưới chục triệu đồng nếu xuất bản được 1.000 cuốn. Đó là chưa kể những thủ tục rắc rối, nhiêu khê khi đăng ký bản quyền. Điều đó đã khiến không ít tác giả nản chí. Viết văn, viết sách là một nghề nhưng số người sống được bằng nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không chỉ nhà văn, các tác giả viết sách khoa học khó sống bằng nghề mà nhiều công ty chuyên về văn hóa, nhà xuất bản luôn khốn đốn vì sách lậu. Hễ có ấn phẩm hay, ăn khách được xuất bản là lập tức bị in lậu. Với giá rẻ, sách lậu đã "bóp chết" sách thật. Sách thật ế thì đương nhiên các nhà xuất bản không tái bản và nhà văn không có thêm thu nhập. In, bán sách lậu là phạm pháp nhưng các cơ quan chức năng dường như bất lực trong việc ngăn chặn, xử lý. Có công ty văn hóa bỏ rất nhiều tiền mua bản quyền sách nhưng vừa phát hành đã bị in lậu. Khi cơ quan chức năng bắt quả tang cơ sở đang đóng bìa sách lậu thì nhận được giải thích là có người mang đến thuê gia công. Truy vấn thì họ ráo hoảnh: Không biết là ai! Cũng có trường hợp cơ quan chức năng bắt quả tang in lậu nhưng cũng chỉ có thể xử phạt hành chính dù kẻ in lậu mắc hai tội: Ăn cắp bản quyền và làm nhái hàng giả. Đó chỉ là vài trong nhiều bất cập xung quanh chuyện sách.

Chính do những tồn tại diễn ra trong thời gian dài không được xử lý, khắc phục nên rất nhiều nhà văn chuyển sang viết báo, vừa nhanh lại "tiền tươi, thóc thật". "Trận địa văn hóa" bị bỏ trống nên tại các hiệu sách dễ dàng nhận thấy sách dịch lấn át hoàn toàn tác phẩm trong nước trên kệ. Một số nhà xuất bản chấp nhận sống vật vờ bằng cách bán giấy phép, thiếu kiểm tra nên chất lượng sách đã thấp lại phát sinh sai phạm.

Hội chợ sách nhân dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (năm 2014) đã đạt doanh thu tới 4 tỷ đồng và những gì đang diễn ra tại Hội chợ sách ở Công viên Thống Nhất mấy ngày qua là tín hiệu đáng mừng, khẳng định giá trị của văn hóa đọc với công chúng. Các cơ quan chức năng cần tích cực, nỗ lực hơn trong giải quyết triệt để những bất cập lâu nay nhằm lành mạnh hoạt động xuất bản. Đây là yêu cầu cấp thiết vì không chỉ tạo hứng khởi cho người viết, tiếp thêm động lực cho các nhà xuất bản và giúp độc giả có cơ hội tiếp cận nhiều tác phẩm hay, tri thức mới. Độc giả đến đông không đồng nghĩa với việc sẽ không quay lưng!

Thủy Tiên