Nợ đọng bảo hiểm xã hội: Cần đưa vào chế tài xử lý hình sự
Đời sống - Ngày đăng : 07:03, 17/04/2015
Cơ quan BHXH TP Hồ Chí Minh vừa có Văn bản số 1119/BHXH - THU "chốt" để hoàn tất hồ sơ khởi kiện 1.428 DN nợ BHXH với số tiền trên 432 tỷ đồng và 2.018 DN không còn lao động nhưng vẫn còn nợ quỹ BHXH với số tiền nợ là hơn 224 tỷ đồng.
Người dân đăng ký mua bảo hiểm tại BHXH TP Hồ Chí Minh. |
Tuy ký vậy nhưng ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH thành phố cho biết, ngay cả giải pháp cuối cùng được coi là mạnh tay nhất này cũng không đạt được kết quả mong muốn. Có DN khi ra tòa đã không cử đại diện có thẩm quyền tham gia phiên xét xử. DN có rất nhiều "chiêu" lách gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ BHXH. Đơn cử là trường hợp Tập đoàn taxi Mai Linh nợ 140 tỷ đồng BHXH và sau khi thua kiện chỉ thanh toán được một phần. Sau đó không lâu, số nợ mới lại phát sinh và tăng lên hơn gấp rưỡi. Lúc này, cơ quan bảo hiểm cũng chưa biết thu hồi bằng cách nào vì toàn bộ tài sản chủ yếu là xe ô tô đã được bán cho tài xế. Tương tự, từ năm 2012, BHXH nộp đơn kiện Công ty TNHH DELUXE Taxi số tiền nợ hơn 8 tỷ đồng, nhưng cho đến nay công ty này cũng chưa trả và cũng không có giải pháp nào thu hồi; Trung tâm Điện thoại di động C.D.M.A thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn nợ gần 7 tỷ đồng, bị khởi kiện ra tòa từ năm 2011 nhưng đến thời điểm này vẫn không có động thái nào để nộp tiền BHXH để chi trả cho NLĐ. Chính vì lẽ đó, hằng năm, sau khi có phán quyết của tòa án, cơ quan BHXH cũng chỉ đòi được khoảng 30% số tiền nợ BHXH. Năm 2014, BHXH đã khởi kiện được 1.717 lượt DN ra tòa với số tiền nợ đọng là 478,6 tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi được 256 tỷ đồng, đạt 53,4%.
Theo đại diện của một số cơ quan BHXH, chính sự thiếu chế tài mạnh khiến nhiều chủ DN không đóng BHXH hoặc cố tình chiếm dụng số tiền đóng BHXH. Điều này khiến hàng nghìn NLĐ tại TP Hồ Chí Minh đã và đang phải chịu thiệt thòi. Các chế độ nghỉ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí... đều bị "treo" vì không được chốt sổ bảo hiểm tại cơ quan BHXH. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn của nhiều DN (chủ yếu là DN tư nhân) thiếu tính độc lập, chưa trở thành chỗ dựa cho NLĐ. Vì vậy, khi NLĐ không được tổ chức công đoàn đứng ra bảo vệ. Mặt khác, nhận thức về pháp luật của NLĐ còn hạn chế, không dám đấu tranh do tâm lý sợ bị trù dập, mất việc làm.
Để quyền lợi NLĐ được bảo đảm theo quy định của pháp luật, BHXH thành phố đề nghị UBND thành phố, các sở, ban, ngành liên quan và đặc biệt là Sở LĐ-TB&XH cần phải xử lý nghiêm đối với các DN vi phạm. Về lâu dài, để giải quyết bài toán nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các ngành chức năng cần phải "mạnh tay" trong việc thực hiện các biện pháp chế tài, đặc biệt xem xét xử lý hình sự mới có thể nâng cao tính răn đe, ý thức chấp hành pháp luật của các DN nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ.