Xã La Phù (huyện Hoài Đức): Chợ tạm "bủa vây" di tích quốc gia

Bạn đọc - Ngày đăng : 06:59, 16/04/2015

(HNM) - Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1988, nhưng hiện nay trong khu vực bảo vệ di tích đình và chùa xã La Phù (huyện Hoài Đức) tồn tại một số công trình: Trường học, nhà văn hóa, đặc biệt là chợ tạm

Người kinh doanh bày bán hàng ngay trước cửa chùa La Phù gây mất vệ sinh môi trường, phá vỡ cảnh quan nơi tôn nghiêm.



Di tích bị "xâm lấn"

Theo cụ Nguyễn Quang Đường (thôn Minh Khai, nguyên Trưởng ban Khánh tiết đình - chùa La Phù), vào những năm 80 của thế kỷ trước, Ban Khánh tiết cho người dân trong xã mượn khu đất phía nam của đình, tiếp giáp phía đông chùa để làm chợ tạm. Ban đầu, quy mô của chợ còn khá nhỏ, sau chợ họp ngày càng mở rộng, đến nay "vây" cả 3 mặt đình, chùa. Ngoài ra, hai khu vực khác cũng thuộc đất đình, chùa trước đây bị "trưng dụng" làm phòng học của trường mẫu giáo và nhà văn hóa của xã. Trong khi đó, đất đình chật không may xảy ra hỏa hoạn thì rất nguy hiểm...

Dẫn phóng viên vòng quanh khu di tích đình, chùa La Phù, cụ Đường và các cụ cao tuổi ở đây không khỏi xót xa khi chứng kiến gốc đa cổ thụ trên 500 tuổi (đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam) nằm sát chùa đang bị lều bạt, hàng quán, xe đạp, xe máy của những người ở xa đến họp chợ bủa vây. Cụ Đường ngao ngán nói: Cách đây không lâu, khói lò than đã làm chết một cây đa cổ gần đình. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, không biết cây đa cổ thụ đó sẽ "thọ" được bao năm nữa? Trong khi đó, khu vực cụm đình, chùa La Phù có 3 cây đa cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam…

Qua quan sát, phóng viên nhận thấy, không chỉ cây đa di sản đang bị "o ép" bởi chợ tạm họp hằng ngày mà ngay cả hai phía cửa chùa và cửa chính đình La Phù đều bị hàng quán án ngữ. Tường và hàng rào đình, chùa La Phù bị người buôn kê thúng, mẹt bày rau, củ, hoa quả, thậm chí treo cả quần, áo… để bày hàng. Chợ họp ngay bên trục đường chính của làng nên không chỉ đình, chùa nhếch nhác, mất vệ sinh môi trường bởi rác thải xả bừa bãi, nước thải đổ lênh láng mặt đường, mà còn gây ách tắc, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Được biết, tháng 10-2014, xã La Phù có kế hoạch cải tạo nâng cấp chợ, tuy nhiên, kế hoạch này ngay lập tức vấp phải sự phản đối của người dân. Các thành viên Ban Khánh tiết đã họp, không nhất trí nâng cấp chợ và đề nghị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trả lại khu đất hiện là chợ tạm cho đình. Ngày 23-10-2014, Sở VH, TT&DL đã có công văn trả lời, trong đó nêu rõ: "Căn cứ hồ sơ xếp hạng lập tháng 12-1986 hiện lưu tại Ban Quản lý danh thắng Hà Nội, đối chiếu với vị trí chợ tạm trên thực tế, thì khu vực chợ tạm hiện nay nằm trong khu vực bảo vệ của di tích; yêu cầu UBND huyện Hoài Đức và xã La Phù bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan di tích và khu vực xung quanh di tích".

Theo hồ sơ xếp hạng di tích đình, chùa La Phù: Đình La Phù là ngôi đình của một làng cổ, thờ Hùng Vương Lạc tướng (cùng thời với Thánh Tản Viên), 17 đạo sắc phong của các đời vua, chứa đựng bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Chùa La Phù được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI-XVIII), thờ 3 vị Đức Thánh Tổ: Nguyễn Minh Không, Đức Giác Hải và Từ Đạo Hạnh.

Đã có kế hoạch di dời?

Trao đổi với phóng viên về nội dung công văn của Sở VH,TT&DL, Phó Chủ tịch xã La Phù Dư Quốc Bảo cho rằng, UBND xã La Phù và Phòng Văn hóa huyện Hoài Đức không hề có hồ sơ lưu về di tích. Chỉ đến khi người dân kiến nghị và Sở VH,TT&DL Hà Nội về thanh tra (tháng 10-2014), xã mới tìm bản đồ địa chính gốc để đối chiếu. Tuy nhiên, bản đồ khoanh vùng khu di tích được công nhận năm 1988 không phù hợp với khuôn viên thực tế hiện nay. Cụ thể, bản đồ khoanh vùng cả diện tích đất ở của một số hộ dân sống cạnh di tích từ nhiều đời, nhưng "bỏ sót" phần quan trọng của di tích là hồ nước nhỏ rộng 1.000m2 (hiện vẫn nằm trong khu di tích) ra khỏi diện bảo vệ. Do đó, UBND xã đã có văn bản xin ý kiến các cơ quan chức năng để được điều chỉnh bản đồ khoanh vùng bảo vệ khu di tích đình, chùa xã La Phù cho phù hợp hiện trạng sử dụng đất, khi đó sẽ có phương án cụ thể để gìn giữ và bảo vệ.

Để giải quyết kiến nghị của dân, theo ông Dư Quốc Bảo, trong Đề án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới của xã La Phù (giai đoạn 2012-2020) đã được phê duyệt, các công trình như nhà trẻ, nhà văn hóa, chợ sẽ được di dời đến vị trí mới, rộng hơn để đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian chuẩn bị và kinh phí để thực hiện.

Như vậy, việc bảo vệ di tích đình, chùa La Phù đã được chính quyền địa phương có phương án. Thế nhưng, để thực hiện được điều này không hề đơn giản và cũng chưa có văn bản rõ ràng của cơ quan có thẩm quyền. Hơn nữa, đến thời điểm hiện tại chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy các dự án được triển khai. Trong khi đó, đình, chùa La Phù, một di sản văn hóa quốc gia và Cây di sản Việt Nam vẫn tiếp tục kêu cứu…

Bài, ảnh: Dạ Khánh - Duy Biên