Tăng viện phí: Gánh nặng cho người không bảo hiểm y tế
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:41, 15/04/2015
Người nghèo không ảnh hưởng
Bộ Y tế cho biết, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ được thực hiện trong năm 2015. Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã soạn thảo thông tư quy định về mức giá chung đối với dịch vụ y tế. Thực tế, viện phí hiện hành mới điều chỉnh năm 2012 nhưng đa số địa phương mới áp dụng mức 60 - 80% của khung, ở 3/7 cấu phần tạo thành giá dịch vụ.
Quá tải - một thực trạng ảnh hưởng đến chất lượng khám - chữa bệnh. ảnh: Khương Quỳnh |
Theo lộ trình được Chính phủ chấp thuận, trong các năm 2016 - 2020, Bộ Y tế sẽ áp dụng lộ trình tăng viện phí bằng cách lần lượt đưa lương, phí quản lý, khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ. Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), với cách tính viện phí sắp triển khai không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế, mà thực chất là chuyển các khoản chi trước đây Nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.
Do đó, theo phân tích của Bộ Y tế, về cơ bản, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội sẽ không bị ảnh hưởng bởi chính sách này. Bởi lẽ, theo luật mới về BHYT, từ ngày 1.1.2015, tất cả các đối tượng này khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí. Với những hộ cận nghèo, nhà nước hiện đang hỗ trợ tối thiểu 70% chi phí tham gia BHYT và được BHYT thanh toán 95% nên mức độ tác động không nhiều.
Bộ Y tế lý giải, những người có thẻ BHYT phải chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh, mức độ ảnh hưởng không nhiều vì nếu theo cách tính trước đây, người bệnh sẽ phải trả thêm một số chi phí lặt vặt, còn cách mới sẽ hạn chế khoản chi này.
“Các đối tượng không có thẻ BHYT sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, với chính sách này, quan điểm Nhà nước là khuyến khích người dân tham gia BHYT. Vì thực tế, giá dịch vụ y tế khá thấp, nhiều người không thuộc diện được hỗ trợ mua BHYT sẽ không tham gia mà có thói quen bỏ tiền ra chi trả khi khám chữa bệnh. Khi điều chỉnh giá, người dân sẽ thấy được lợi ích, tính nhân văn của BHYT và tham gia nhiều hơn” - ông Nguyễn Nam Liên nói.
Theo thống kê của Bộ Y tế, người không tham gia BHYT đang chiếm tỉ lệ gần 30% dân số. Theo ông Lê Văn Khảm - Phó Vụ trưởng vụ BHYT (Bộ Y tế), theo đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, mục tiêu của Bộ Y tế sẽ khuyến khích người dân tham gia BHYT. Dự kiến, trong năm 2015, có 75% người dân tham gia BHYT và đến năm 2020, tỉ lệ này sẽ lên đến 80%.
Giá tăng, chất lượng dịch vụ có tăng?
Với việc Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ y tế, một câu hỏi được rất nhiều người dân quan tâm hiện nay là liệu chất lượng khám chữa bệnh có tăng theo giá dịch vụ? Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho rằng, Bộ Y tế đang kỳ vọng vào việc 100% người dân sẽ tham gia BHYT. Với mục tiêu đó, sẽ không có sự phân biệt trong quy trình khám, chữa bệnh giữa bệnh nhân khám theo BHYT và các bệnh nhân khác.
Mặt khác, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế song song với quá trình xã hội hóa ngành y tế, giảm cơ chế bao cấp, để cho bệnh viện tự chủ về mặt tài chính. Với cơ chế này, các bệnh viện sẽ tự thay đổi thái độ phục vụ người bệnh, cũng như tự giác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thu hút bệnh nhân, tạo nguồn thu cho bệnh viện.
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết thêm, khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế và Cục Quản lý khám chữa bệnh đã có những giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế, bao gồm: Thay đổi về mặt quản lý, các bệnh viện sẽ có một bộ phận chuyên trách về quản lý chất lượng.
Bộ Y tế cũng đã ban hành thí điểm bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện nhằm giúp các bệnh viện đánh giá thực trạng chất lượng hiện nay. Bên cạnh đó, bộ tập trung nỗ lực giảm tải bệnh viện. Tại Hà Nội đã có 33 bệnh viện và TPHCM có 18 bệnh viện đăng ký chương trình bệnh nhân không nằm ghép. Theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, bộ sẽ giám sát các bệnh viện này một cách chặt chẽ và tiếp thu, xử lý ý kiến phản ánh của bệnh nhân thông qua đường dây nóng. Để thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế có chỉ thị các bệnh viện phải mua thêm ghế chờ, quạt, điều hòa, nước uống cho người bệnh, bố trí thêm bàn khám để bệnh nhân không mất nhiều thời gian chờ đợi.